25/02/2024 - 15:38

Chân dung cựu tướng sắp lãnh đạo Indonesia 

Dự kiến, kết quả chính thức của cuộc bầu cử tổng thống Indonesia được công bố vào tháng 3 và nhà lãnh đạo mới sẽ nhậm chức vào tháng 10. Tuy kết quả bầu cử chưa chính thức công bố, nhưng việc nhiều nhà lãnh đạo thế giới lên tiếng chúc mừng chiến thắng của Bộ trưởng Quốc phòng Prabowo Subianto cho thấy sức ảnh hưởng của chính trị gia 72 tuổi trong vai trò lãnh đạo tiếp theo của nền kinh tế lớn nhất Ðông Nam Á.

Ông Prabowo Subianto chào đón người ủng hộ. Ảnh: AP

Nhân vật gây tranh cãi

Xuất thân từ một trong những gia tộc quyền lực nhất Indonesia, ông Prabowo là con thứ 3 trong gia đình có 4 anh em. Cha của ông, Sumitro Djojohadikusumo, là nhà kinh tế học nổi tiếng và chính trị gia có ảnh hưởng khi đảm nhiệm các chức vụ bộ trưởng dưới thời Tổng thống Sukarno và Suharto. Trong thời gian ông Sumitro phải sống lưu vong, Prabowo dành phần lớn thời thơ ấu ở nước ngoài và thông thạo tiếng Pháp, Ðức, Anh và Hà Lan. Năm 1967, gia đình ông trở về Indonesia khi Tướng Suharto lên nắm quyền sau làn sóng trấn áp cuộc đảo chính cánh tả. Giai đoạn 1970-1974, Prabowo đăng ký vào Học viện Quân sự Indonesia và gia nhập lực lượng tinh nhuệ Kopassus thuộc Quân đội Quốc gia với vai trò chỉ huy một nhóm hoạt động ở khu vực ngày nay là Ðông Timor. Trong những năm 1980-1990, các nhóm hoạt động cáo buộc ông liên quan một loạt vi phạm nhân quyền ở Ðông Timor cũng như xúi giục bạo loạn trong nước nhằm chuyển hướng sự chú ý của công chúng khỏi sự phẫn nộ đối với chính quyền trong bối cảnh khủng hoảng tài chính châu Á và sụp đổ kinh tế.

Trước những cáo buộc trên, Prabowo chưa bao giờ lên tiếng bình luận nhưng đến năm 1998, ông bị buộc giải ngũ khỏi chức vụ trung tướng quân đội và chỉ huy lực lượng dự bị chiến lược khi binh lính Kopassus bắt cóc và tra tấn các đối thủ chính trị của Tổng thống Suharto, cũng là cha vợ ông Prabowo lúc đó. Ông cùng nhiều thành viên Kopassu khác cũng bị cấm đến Mỹ và Úc trong nhiều năm. Rời khỏi quân ngũ, ông Prabowo nối gót người anh doanh nhân theo đuổi lợi ích kinh tế trong các lĩnh vực dầu cọ, bột giấy và năng lượng. Trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2024, Prabowo là ứng cử viên giàu có nhất với tài sản ước tính hơn 127 triệu USD. Anh trai của ông, Hashim Djojohadadikusumo, hiện là người sở hữu Tập đoàn Arsari kiểm soát hàng trăm ngàn héc-ta đất nhượng quyền tại địa điểm được quy hoạch cho thủ đô mới Nusantara.

Sau thời gian sống lưu vong ở Jordan, Prabowo trở về nước vào năm 2008 và giúp thành lập đảng Phong trào Indonesia vĩ đại (Gerinda). Một năm sau, ông lần đầu tiên tham gia tranh cử với tư cách ứng cử viên đồng hành cùng Chủ tịch đảng Dân chủ Ðấu tranh (PDI-P) Megawati Sukarnoputri. Vào các năm 2014 và 2019, ông Subianto ra tranh cử tổng thống và đều thua trước đương kim Tổng thống Joko Widodo. Hai bên sau đó xóa bỏ bất đồng khi ông Prabowo chấp nhận lời đề nghị của Tổng thống Widodo cho vị trí bộ trưởng quốc phòng. Ðộng thái này mở đường cho việc Mỹ vào năm 2020 bãi bỏ lệnh cấm thị thực đã áp đặt đối ông Prabowo do những cáo buộc vi phạm nhân quyền.

Trò chơi quyền lực

Bất chấp tranh cãi hồ sơ nhân quyền cùng những ý kiến trái chiều về mối quan hệ với những người theo đường lối Hồi giáo cứng rắn, ông Prabowo trong cuộc bầu cử năm 2024 gây được tiếng vang với đông đảo giới trẻ Indonesia khi thành công thay đổi hình tượng nghiêm khắc và nóng nảy bằng thái độ thân thiện, ôn hòa. Một số cử tri còn cho biết họ không tin những cáo buộc chống lại ông. Nhiều sinh viên tham gia diễu hành ủng hộ ông Prabowo thì nói rằng thông điệp của chính trị gia 72 tuổi phù hợp hơn với thế hệ Millennial và Gen Z. Họ cũng thích giọng điệu cũng như cách truyền tải của chiến dịch và cảm thấy rằng bất cứ ai được Tổng thống Widodo ủng hộ đều là ứng cử viên
xuất sắc.

Năm ngoái, đảng PDI-P vốn là lực lượng ở Quốc hội hậu thuẫn Tổng thống Widodo trong 10 năm nắm quyền, đã "bị sốc" khi nhà lãnh đạo này chuyển sang sát cánh cùng ông Prabowo. Nhưng với việc con trai Tổng thống Widodo, Gibran Rakabuming Raka được chọn làm ứng cử viên liên danh tranh cử chức Phó Tổng thống cùng ông Prabowo, giới phân tích đánh giá đây là "bước chuyển tiếp" để ông Gibran tiến tới ghế tổng thống trong tương lai. Ðổi lại, kết quả bầu cử vừa qua cho thấy cựu tướng quân đội rõ ràng được hưởng lợi từ việc hợp tác với Tổng thống Widodo, người vẫn đang rất nổi tiếng với tỷ lệ tán thành khoảng 80%. Nhưng từ thời điểm này, Giáo sư Jun Honna tại Ðại học Nhật Bản Ritsumeikan lưu ý "trò chơi quyền lực mới" giữa hai bên đã bắt đầu.

Theo đó, trọng tâm đang chuyển sang việc ông Prabowo sẽ củng cố quyền lực như thế nào trước khi nhậm chức vào tháng 10 và cách ông thực hiện các cam kết bầu cử của mình. Trong thập niên qua, Tổng thống Widodo đã tận dụng trữ lượng kẽm, than, dầu và khí đốt dồi dào của Indonesia để dẫn dắt nền kinh tế lớn nhất Ðông Nam Á đi qua thời kỳ tăng trưởng và hiện đại hóa nhanh chóng. Tự nhận mình là người thừa kế của nhà lãnh đạo đương nhiệm Widodo, ông Prabowo trong chiến dịch tranh cử cam kết duy trì những chính sách lớn từng giúp Indonesia phát triển các ngành công nghiệp nội địa thay vì xuất khẩu nguyên liệu thô, mở đường cho nước này gia nhập hàng ngũ các quốc gia có thu nhập trung bình. Các dự án mang "dấu ấn" của Tổng thống Widodo, bao gồm xây dựng thủ đô mới Nusantara trị giá 30 tỉ USD cũng tiếp tục được triển khai. Theo một báo cáo của liên minh các tổ chức phi chính phủ, gia đình ông Prabowo sẽ thu được lợi nhuận từ dự án Nusantata nhờ vào đất đai và quyền lợi khai thác mà họ nắm giữ ở Ðông Kalimantan.

Dấu hỏi về cam kết cải cách

Ngoài hứa hẹn tiếp tục chương trình nghị sự của Tổng thống Widodo, ông Prabowo còn đề ra một số kế hoạch táo bạo mà nhiều nhà quan sát nghi ngờ có khả năng thực hiện hay không. Một trong số những ưu tiên là dự án trị giá 29 tỉ USD cung cấp bữa trưa và sữa miễn phí cho hệ thống trường học và các bà mẹ sắp sinh con. Bên cạnh đó là kế hoạch tăng chi tiêu quốc phòng dự kiến ​​tiêu tốn gần 30 tỉ USD. Theo nhà phân tích chính sách công Dedi Dinarto, chiến thắng của ông Prabowo là điều tích cực với thị trường thông qua biểu hiện duy trì sự liên tục về chính sách. Nhưng trong bối cảnh nền tài chính đối mặt nhiều nguy cơ bất ổn, khả năng ông Prabowo hiện thực hóa cam kết tranh cử sẽ phụ thuộc vào việc ông chọn ai vào các vị trí cấp bộ chủ chốt. Tuy nhiên, quan hệ sâu sắc giữa ông và giới tinh hoa quân sự - chính trị lại đang đặt ra câu hỏi liệu lợi ích liên quan được đảm bảo có cản trở tiến trình cải cách nhằm đạt mục tiêu cải thiện hệ thống pháp luật, giảm tham nhũng và tăng cường khả năng tiếp cận của các công ty nước ngoài hay không.

Ông Chong đến từ Ðại học Quốc gia Singapore nghi vấn: "Với tư cách là bộ trưởng quốc phòng, ông ấy cam kết hiện đại hóa quân đội. Với tư cách là tổng thống, không rõ liệu ông ấy có sử dụng quân đội để đạt được mục tiêu của mình hay không. Rủi ro là nếu ông tìm cách tái chính trị hóa quân đội để phục vụ lợi ích của mình hoặc nhắm mắt tham nhũng và lạm quyền".

Về đối ngoại, nền kinh tế lớn nhất Ðông Nam Á với hơn 270 triệu dân đang đạt được nhiều dấu ấn về ngoại giao và kinh tế. Trên nền tảng này, giới quan sát kỳ vọng Prabowo sẽ giữ nguyên cách tiếp cận thực dụng về chính trị quyền lực, đặc biệt chính sách ngoại giao cân bằng giữa lập trường thân thiện với Trung Quốc trong đầu tư thương mại song song với tăng cường quan hệ với Mỹ cùng các nước phương Tây trên lĩnh vực quốc phòng.

Về tranh chấp ở Biển Ðông, người ta kỳ vọng ông Prabowo sẽ duy trì lập trưởng mềm dẻo của người tiền nhiệm. Tuy nhiên, ông Chong cho rằng dù có ít động cơ để leo thang căng thẳng ở Biển Ðông, nhưng nếu ông Prabowo tin rằng Indonesia bị khiêu khích, ông ấy có thể sẵn sàng chấp nhận rủi ro hơn như đã thấy với quá khứ quân ngũ của ông ấy.

Trong chiến dịch tranh cử, ông Prabowo đưa ra chiến lược chuyển đổi quốc gia với mục tiêu tăng cường sự thịnh vượng của đất nước. Về chính sách đối ngoại, ông chủ trương duy trì chính sách “độc lập và tự chủ”, đưa Indonesia trở thành láng giềng tốt và là bè bạn tốt của tất cả các nước; tiếp tục tôn trọng, duy trì quan hệ với các nước lớn như Mỹ, Trung Quốc, Úc, Ấn Ðộ, Nga, Nhật Bản… và các quốc gia Hồi giáo; đẩy mạnh ngoại giao kinh tế. Ðây cũng là những đường hướng mà chính quyền Tổng thống Joko Widodo đang theo đuổi.

Kinh tế là lĩnh vực ông Prabowo tập trung hàng đầu với việc xây dựng các ngành công nghiệp hạ nguồn, cải thiện hệ thống thuế quốc gia, thúc đẩy các ngành kinh tế xanh, phát huy nguồn lực tài nguyên, tiếp cận các công nghệ mới, cam kết có thể tự chủ lương thực trong 3 năm tới... Chiến lược của ông cũng hướng nhiều vào tầng lớp người lao động, người dân có thu nhập thấp với những việc làm cụ thể như xây dựng 3 triệu ngôi nhà ở khu vực nông thôn, thành thị và ven biển; cam kết giúp đỡ cư dân nghèo. Về các vấn đề y tế, giáo dục, phúc lợi xã hội, văn hóa, việc làm trong công nghệ thông tin và nguồn nhân lực, ông Prabowo chú trọng đến cải thiện cuộc sống của người dân Indonesia từ những việc làm cụ thể như cung cấp thực phẩm dinh dưỡng cho tất cả trẻ em và phụ nữ mang thai; xây dựng các bệnh viện và trung tâm y tế hiện đại ở mọi vùng của Indonesia...

Tuy nhiên, nhà lãnh đạo mới của Indonesia cũng phải giải quyết hàng loạt thách thức về kinh tế, trong đó có vấn đề lạm phát, bài toán việc làm, hay tác động của các biến động địa chính trị khu vực, an ninh hàng hải, biến đổi khí hậu và các vấn đề bền vững.

MAI QUYÊN (Theo AP, Aljazeera

Chia sẻ bài viết