19/12/2023 - 20:47

Chaebol thống trị kinh tế Hàn Quốc 

Trong nhiều thập niên, nền kinh tế Hàn Quốc nằm dưới sự thống trị của một số tập đoàn do gia đình điều hành, hay còn gọi là chaebol. Họ nắm giữ khối tài sản khổng lồ và có tầm ảnh hưởng đến hầu hết mọi khía cạnh cuộc sống ở xứ sở kim chi.

 Samsung, một trong những chaebol thống trị nền kinh tế Hàn Quốc. Ảnh: AP

Vì tầm ảnh hưởng chính trị của họ, chaebol từ lâu trở thành vấn đề được công chúng hết sức quan tâm. Những cuộc hôn nhân, cái chết của các thành viên cũng như những rắc rối về mặt pháp lý của những gia đình tài phiệt này đều được báo chí Hàn Quốc đưa tin. Thậm chí, những câu chuyện về chaebol còn được dựng thành phim truyền hình nhiều tập. Các gia tộc họ Lee của Samsung, họ Koo của LG, họ Chey của SK, họ Shin của Lotte và họ Chung của Hyundai là những cái tên quen thuộc. Họ nắm giữ chặt chẽ quyền lực của các tập đoàn vốn là những nhà tuyển dụng khu vực tư nhân lớn nhất Hàn Quốc. Những doanh nghiệp này khi gộp lại luôn chiếm 50-60% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Hàn Quốc. Báo cáo của Viện Korea CXO Institute cho thấy, tổng doanh thu của 64 chaebol lớn tại Hàn Quốc tính đến tháng 12-2019 đạt 1,6 triệu tỉ won, chiếm đến 84,3% GDP. Riêng Samsung ghi nhận 314 ngàn tỉ won, chiếm 19,4% GDP, Hyundai 11,5% GDP, còn SK 10% GDP.

Dù vậy, những số liệu trên không thể mô tả hết quyền lực của những chaebol tại Hàn Quốc. Sức ảnh hưởng của các tập đoàn tài phiệt tại Hàn Quốc lan rộng trong mọi khía cạnh. Những chaebol chính chiếm đến gần 20% thị trường quảng cáo báo chí Hàn Quốc. Họ cũng là những người có tiếng nói nhất trên thị trường lao động. Hầu hết các dự án từ xây dựng, phim ảnh, văn hóa, thời trang... đều ít nhiều có liên quan đến những công ty con của các chaebol. Thậm chí, phần lớn những đồ dùng hàng ngày hay các dịch vụ mà người dân Hàn Quốc sử dụng cũng sẽ có thứ dính dáng đến chaebol.

Chưa dừng lại ở đó, các chaebol đều có quan hệ thân thiết với giới lãnh đạo chính trị. Sự bảo trợ từ các nhà lãnh đạo chính trị giữ vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển của các chaebol, đặc biệt là dưới thời chính quyền cựu Tổng thống Park Chung-hee, người lên nắm quyền sau một cuộc đảo chính quân sự hồi năm 1961 và điều hành Hàn Quốc trong gần 2 thập niên cho đến khi bị ám sát năm 1979. Ðối với ông Park, chaebol là một phần công cụ trong tham vọng làm giàu và công nghiệp hóa Hàn Quốc của ông.

Trong những thập niên gần đây, dù mối quan hệ giữa chính phủ và các chaebol đã “nhạt” bớt nhưng giới lãnh đạo chính trị Hàn Quốc vẫn thường xuyên tìm đến họ để được hỗ trợ hoặc tư vấn. Mùa hè năm nay, những người đứng đầu các chaebol đã tháp tùng Tổng thống Yoon Suk Yeol trong chuyến công du châu Âu trong nỗ lực trở thành nhà đăng cai World Expo của Hàn Quốc. Họ cũng tháp tùng ông Yoon trong chuyến thăm Mỹ để gặp Tổng thống Joe Biden và nằm trong số khách mời trong bữa tiệc chiêu đãi cấp nhà nước tại Nhà Trắng. Giới chỉ trích cho rằng các chaebol này quá lớn để sụp đổ hay bị điều tra nếu họ có vấn đề vi phạm nào đó.

Chính vì vậy, quyền lực của những chaebol ngày càng bị công luận “soi xét”, được xem như một điểm yếu về kinh tế, làm sâu sắc thêm sự bất bình đẳng và thúc đẩy tình trạng tham nhũng chính trị. Trong đó, đáng chú ý nhất là vụ cựu Tổng thống Park Geun-hye hồi năm 2017 bị kết án nhận hối lộ, lạm quyền và các cáo buộc hình sự khác. Một trong những vụ bê bối chính trị lớn nhất của Hàn Quốc trong những năm gần đây này đã chứng tỏ mối quan hệ chặt chẽ giữa các nhà lãnh đạo chính trị với các chaebol. Theo đó, bà Park bị cáo buộc đồng lõa với người bạn thân lâu năm Choi Soon Sil phạm tội tống tiền lên tới 59,2 tỉ won (55,2 triệu USD) đối với các chaebol như Samsung, Lotte và SK để đổi lại các ưu đãi kinh doanh. Năm 2021, bà Park đã được ân xá sau khi chấp hành gần 5 năm bản án 20 năm tù. Trong khi đó, Lee Jae Yong, phó Chủ tịch Tập đoàn Samsung, cũng bị kết án 2 năm rưỡi vì đã hối lộ bà Park và bà Choi để giành được sự ủng hộ của chính phủ trong việc thừa kế vị trí chủ tịch từ cha ông. Ông Lee cũng đã được Tổng thống Yoon ân xá, qua đó cho phép ông trở lại điều hành công ty.

 Hệ thống chaebol là một di sản trong lịch sử Hàn Quốc. Sau thỏa thuận đình chiến liên Triều năm 1953, các nhà độc tài quân sự của nước này đã cho một số gia đình các khoản vay và hỗ trợ tài chính đặc biệt để xây dựng lại nền kinh tế. Các công ty này mở rộng nhanh chóng và chuyển từ ngành này sang ngành khác cho đến khi biến thành những tập đoàn gia đình lớn mạnh. Những thay đổi về lãnh đạo theo thế hệ đôi khi khiến các gia đình chaebol bất ổn, buộc các công ty phải chia tách.

TRÍ VĂN (Tổng hợp)

Chia sẻ bài viết