05/02/2015 - 13:40

Căng thẳng mới trong quan hệ Mỹ - Triều Tiên

CHDCND Triều Tiên trong tuyên bố hôm 3-2 khẳng định nước này thấy "không cần thiết" phải đàm phán với Mỹ, đồng thời đe dọa sẽ sử dụng mọi nguồn lực quân sự để tấn công đáp trả cái gọi là âm mưu "lật đổ chế độ" của Washington.

Theo đó, Ủy ban Quốc phòng quốc gia Triều Tiên (NDC) cho biết Mỹ đang nhích gần hơn đến khả năng "kích động một cuộc chiến tranh xâm lược" thông qua việc gia tăng các lệnh trừng phạt, duy trì các cuộc tập trận quân sự với Hàn Quốc và đặc biệt là theo đuổi âm mưu lật đổ chế độ ở quốc gia Đông Á. "Kể từ khi những gã găngxtơ như đế quốc Mỹ hô hào sẽ hạ bệ CHDCND Triều Tiên, quân đội và nhân dân Triều Tiên không thể không chính thức thông báo đến chính quyền ông Obama rằng Bình Nhưỡng không cần thiết và cũng không sẵn sàng ngồi vào bàn đàm phán với Mỹ nữa" – cơ quan lãnh đạo tối cao của Bình Nhưỡng tuyên bố.

Chính quyền của ông Kim Jong-un tuyên bố không đàm phán thêm với Mỹ. Ảnh: AFP

Ngoài ra, NDC cho biết Triều Tiên đã quyết định "viết những trang cuối cùng của lịch sử nước Mỹ" dựa trên năng lực hạt nhân cùng hàng loạt phương tiện chiến tranh trên bộ, trên biển, trên không, tàu ngầm và cả không gian mạng bất kể Mỹ "có khơi mào một cuộc chiến tranh xâm lược thông thường, sử dụng vũ khí hạt nhân hay tấn công mạng nhằm chống lại CHDCND Triều Tiên".

Theo AFP, phản ứng của Triều Tiên là nhằm vào ý kiến của Tổng thống Mỹ Barack Obama trong cuộc phỏng vấn với trang mạng YouTube vào ngày 22-1. Trong cuộc phỏng vấn đó, ông chủ Nhà Trắng cho biết Internet chắc chắn sẽ thâm nhập cả đất nước "bí ẩn và khép kín" như Triều Tiên và mang lại sự thay đổi. "Theo thời gian, bạn sẽ thấy một chế độ như vậy sụp đổ" - hãng tin Anh Reuters trích câu nói của ông Obama trong đoạn clip phỏng vấn.

Ngoài ra, động thái bác bỏ khả năng đối thoại của Triều Tiên còn liên quan đến việc Washington từ chối lời mời của nước này về việc cử phái viên ngoại giao đảm trách vấn đề hạt nhân Triều Tiên tới Thủ đô Bình Nhưỡng để hội đàm, mà qua đó có thể tiến tới vòng đàm phán 6 bên liên quan đến chương trình hạt nhân của quốc gia Đông Bắc Á.

Được biết, đại diện đặc biệt của Mỹ về chính sách Triều Tiên là ông Sung Kim trước đó từng lên tiếng bày tỏ sẵn sàng đối thoại với Bình Nhưỡng. Tờ Washington Post hôm 2-2 cũng đưa tin rằng Mỹ cùng đặc phái viên hạt nhân Triều Tiên đã bí mật thảo luận ý tưởng về "các cuộc đàm phán" nhưng không đạt được tiếng nói chung về những điều khoản thực tế.

Tuy nhiên, Washington trong cả hai trường hợp đều phủ nhận khả năng thay đổi lập trường hoặc có bất kỳ kế hoạch nào cho các cuộc gặp song phương; thay vào đó, Mỹ cho rằng Bình Nhưỡng trước tiên phải chứng tỏ nước này nghiêm túc trong vấn đề chấm dứt tham vọng hạt nhân. Ngoài ra, nữ phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Jen Psaki còn nhấn mạnh nước này vẫn không thay đổi quan điểm và Mỹ chỉ cải thiện quan hệ song phương với Triều Tiên khi chính quyền ông Kim Jong-un có động thái tích cực trong vấn đề phi hạt nhân hóa.

MAI QUYÊN (Theo Reuters, AFP)

Chia sẻ bài viết