28/07/2008 - 21:27

Canada hấp dẫn du học sinh

Canada nằm ở khu vực Bắc Mỹ và được biết đến như một trong những nước có nền giáo dục đại học tiên tiến. Bằng cấp của Canada được quốc tế công nhận và ở một số lĩnh vực được đánh giá khá cao. Chất lượng sống tốt, môi trường thiên nhiên tươi đẹp, giá cả sinh hoạt, học phí khá dễ chịu so với Hoa Kỳ, Anh… Vì thế, Canada đang nằm trong “tầm ngắm” của nhiều du học sinh.

Giáo dục: đa dạng, ưu việt

Hệ thống giáo dục ở Canada được chia làm 3 cấp: tiểu học, trung học và sau trung học. Trong đó giáo dục tiểu học và trung học hoàn toàn miễn phí. Các cơ sở giáo dục sau trung học được chia làm 2 loại chính: trường đại học và trường cao đẳng cộng đồng. Năm học thường bắt đầu từ tháng 9 và kết thúc vào tháng 4. Một số trường chia năm học thành 2 hoặc 3 học kỳ nên chương trình học có thể bắt đầu vào tháng 9, tháng 1 hay tháng 5. Khóa học hè bắt đầu vào tháng 5. Trong thời gian này các trường sắp xếp các chương trình đặc biệt từ 6 đến 8 tuần.

Canada có rất nhiều trường đại học, cao đẳng cộng đồng với các chương trình học đa dạng. Vì thế, việc đầu tiên của bạn là phải xác định ngành học và tìm trường. Phần lớn các ngành đào tạo thế mạnh của Canada thuộc lĩnh vực công nghệ, kỹ thuật, như: công nghệ thông tin và máy tính; viễn thông; giao thông- vận tải và cơ khí; nghiên cứu không gian; vi điện tử; công nghệ phần mềm, công nghệ sinh học; chế biến thực phẩm; môi trường... Để tìm được ngành học ở bậc đại học, bạn có thể truy cập vào trang web: www.aucc.ca; bạn cũng có thể tham khảo các ngành học ở bậc học cao đẳng tại trang web: www.accc.ca.

Đại học Queen là một trong những trường đại học hàng đầu của Canada. Ảnh: ni-photos.jmcwd.com 

Bạn nên tìm hiểu những thông tin về trường mà bạn định học. Các thông tin cơ bản bạn cần nắm là: học phí, chương trình học, điều kiện và thủ tục nhập học... Nên lưu ý rằng có những trường tuy quy mô nhỏ nhưng lại có chất lượng cao. Những trường này rất mạnh về các chuyên ngành và được công nhận trong lĩnh vực học thuật. Hơn nữa, ở những trường nhỏ, bạn có thể gần gũi với các giáo sư và bè bạn hơn. Nếu bạn chọn trường ở những thành phố lớn như: Toronto, Montreal hay Vancouver, bạn phải chịu giá cả sinh hoạt cao hơn ở những thành phố cỡ trung bình, như: Québec, Ottawa, Windsor... Trong khi đó, ở những thành phố cỡ trung bình, bạn được lợi nhiều: giá cả sinh hoạt thấp hơn, khả năng tìm thuê được nhà cao hơn, môi trường trong sạch hơn.

Tại các trường đại học, bạn có thể nhận được bằng cử nhân sau 3 hoặc 4 năm học. Thời gian học lấy bằng thạc sĩ thường là 2 năm và thời gian học lấy bằng tiến sĩ là từ 3 đến 5 năm. Sau khi hoàn tất các môn học đại cương và chuyên ngành ở các trường cao đẳng cộng đồng (từ 1 đến 3 năm), bạn sẽ được cấp chứng chỉ (diploma) hoặc chứng nhận (certificate). Trong từng chương trình học cụ thể, một số trường cao đẳng có cam kết chuyển đổi với một số trường đại học. Vì vậy, nếu bạn có ý định học tiếp lên đại học thì việc chọn chương trình, chọn trường ngay từ đầu rất quan trọng.

Đất nước Canada sử dụng 2 ngôn ngữ chính thức là tiếng Anh và tiếng Pháp. Để học tập tại Canada, bạn phải có các văn bằng, chứng chỉ ngoại ngữ, như: IELTS, TOEFL (đối với chương trình học tiếng Anh) hoặc DELF, DALF (đối với chương trình học bằng tiếng Pháp). Thông thường, mức điểm chuẩn để được nhận vào học đại học tại các trường của Canada là từ 550- 600 đối với TOEFL và từ 6.0 đến 7.0 đối với IELTS. Các yêu cầu về tiếng Pháp thường linh hoạt hơn và bạn có thể tìm hiểu kỹ tại trang web của các trường.

Học phí và chi phí sinh hoạt tại Canada cũng thay đổi theo từng vùng của đất nước này. Trung bình chung, mức chi phí cho 1 năm học tập (bao gồm học phí, sinh hoạt phí, sách vở, nội trú v.v...) ở Canada khoảng 20.000 đô-la Canada.

Đất nước dễ hòa nhập

Chỗ ở là vấn đề quan tâm hàng đầu của các du học sinh. Đến Canada học tập, bạn có thể chọn các phương án sau: ở ký túc xá, ở chung với các gia đình người bản xứ, thuê nhà ở bên ngoài trường học.

Ở ký túc xá vừa tiện lợi, vừa tiết kiệm chi phí cho du học sinh mà các dịch vụ tiện nghi cũng chẳng kém gì so với bên ngoài. Các trường ở Canada thường có nhiều khu ký túc xá với diện tích phòng ở và chất lượng khác nhau. Một số khu ký túc xá sử dụng chung bếp, phòng vệ sinh, các thiết bị giặt giũ... Có ký túc xá tổ chức quán ăn tự phục vụ hoặc bán thẻ ăn cho du học sinh.

Nếu muốn sống trong không khí gia đình và cải thiện vốn ngoại ngữ của mình, du học sinh có thể chọn phương án ở chung với các gia đình Canada. Bạn có thể nhờ nhà trường tìm kiếm và sắp xếp cho mình chỗ ở tại một gia đình phù hợp. Ở đó, bạn sẽ được dành 1 phòng riêng. Bạn có thể ăn chung với gia đình mà mình ở trọ và đừng quên tận dụng cơ hội giao lưu, mở rộng mối quan hệ với các thành viên trong gia đình cũng như láng giềng.

Thuê nhà bên ngoài trường bạn sẽ được tự do sống theo ý mình. Tuy nhiên, không phải lúc nào cũng dễ dàng tìm được một căn hộ gần trường học; hơn nữa, giá thuê căn hộ cũng khá cao. Để giảm chi phí, bạn có thể tìm bạn bè để ở chung. Một số trường học có nhà cho thuê bên ngoài trường. Ngoài ra, trong trường, bạn có thể dễ dàng tìm thấy các quảng cáo cho thuê nhà.

Dù quyết định trọ học theo phương án nào thì bạn cũng nên liên hệ, sắp xếp chỗ ở trước khi đến Canada. Bạn cũng nên xem kỹ các hợp đồng thuê nhà, thuê phòng và phải thỏa thuận thật kỹ với chủ nhà về việc thuê nhà, thuê phòng trong các ngày lễ hội, ngày nghỉ, ngày hè...

Canada là đất nước của dân nhập cư với những chính sách khuyến khích phát triển nền văn hóa đa sắc tộc. Vì vậy, các du học sinh Việt Nam không phải quá lo lắng về việc hòa nhập vào môi trường sống, học tập mới. Ở Canada, có nhiều câu lạc bộ, hiệp hội... tiêu biểu cho những bản sắc dân tộc khác nhau. Nhân viên tư vấn cho sinh viên quốc tế ở các trường sẽ giúp bạn tiếp xúc với những cộng đồng phù hợp. Tại khu người Trung Quốc, bạn có thể dễ dàng tìm được những quán ăn Việt Nam, vì vậy cho dù không quen với các món Tây thì bạn cũng không nên quá lo lắng.

Để giảm nhẹ gánh nặng chi phí cho gia đình cũng như thu thập kinh nghiệm thực tế, bạn có thể làm thêm trong thời gian du học. Nếu làm việc trong khuôn viên trường mà bạn đang học tập, bạn không phải xin giấy phép làm việc. Tuy nhiên, phải đảm bảo các điều kiện thị thực nhập cảnh du học còn hiệu lực và không có điều khoản hay qui định nào cấm làm thêm. Nếu làm việc ngoài trường, bạn phải xin giấy phép làm việc. Bạn được phép làm thêm ở ngoài tối đa 20 giờ/ tuần. Những công việc phổ thông có thể mang đến cho bạn 600 đến 800 đô-la Canada/ tháng. Công việc trợ giảng thường dành cho những sinh viên giỏi hoặc những sinh viên sau đại học và với công việc này, bạn có thể trang trải chi phí học tập, sinh hoạt của mình.

XUÂN BÌNH (Trường Đại học Cần Thơ)

Chia sẻ bài viết