14/03/2013 - 20:51

Nhân rộng mô hình “Cánh đồng mẫu lớn”

Cần trợ lực bằng chính sách

Thời gian qua, mô hình "cánh đồng mẫu lớn"-CĐML ở ĐBSCL đã giúp nâng cao lợi nhuận cho người trồng lúa. Vì vậy, sản xuất và tiêu thụ lúa gạo theo mô hình này được xem là hướng đi phù hợp cho phát triển sản xuất lúa hàng hóa chất lượng, giá trị cao, giúp mang lại hiệu quả tốt và bền vững cho cả nông dân và doanh nghiệp. Tuy nhiên, để nhanh chóng nhân rộng mô hình đòi hỏi Nhà nước xây dựng thêm các cơ chế chính sách ưu đãi, khuyến khích…

Lợi cả cho nông dân và doanh nghiệp

Tính hiệu quả của mô hình CĐML không chỉ giúp tăng lợi nhuận cho nông dân mà còn giúp mang lại nhiều lợi ích to lớn khác. Thông qua CĐML, tính cộng đồng trong sản xuất lúa gạo và ý thức vì lợi ích của cộng đồng, người tiêu dùng và bảo vệ môi trường cho thế hệ mai sau của cả người nông dân và doanh nghiệp cũng được nâng cao. Nông dân thực hiện mô hình canh tác lúa theo quy trình thống nhất, thuận lợi cho cơ giới hóa và quản lý các loại dịch hại. Đồng thời, việc áp dụng đồng bộ các tiến bộ kỹ thuật, tiến hành gieo sạ đồng loạt một giống lúa trên cùng một cánh đồng giúp giảm lượng sử dụng giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và điều tiết nước hợp lý cũng góp phần bảo vệ môi trường,… Đáng chú ý là việc sản xuất gắn với thị trường hơn khi nông dân liên kết với doanh nghiệp và được doanh nghiệp "đặt hàng" sản xuất lúa theo yêu cầu của thị trường về chủng loại, số lượng, chất lượng… nên việc sản xuất và tiêu thụ sản phẩm bền vững, hiệu quả cho nông dân và doanh nghiệp. Bên cạnh đó, nông dân còn được doanh nghiệp cung ứng, tư vấn, hướng dẫn sử dụng các loại vật tư đầu vào với giá cả hợp lý, chất lượng bảo đảm nên hiệu quả cao hơn. CĐML cũng giúp doanh nghiệp nâng cao khả năng cạnh tranh khi hình thành các vùng nguyên liệu ổn định, chất lượng sản phẩm được cải thiện, đảm bảo an toàn sản phẩm và truy xuất được nguồn gốc xuất xứ.

Một ruộng lúa ở huyện Thới Lai, TP Cần Thơ được nông dân liên kết với doanh nghiệp thực hiện mô hình CĐML trong vụ lúa đông xuân 2012-2013. 

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), mô hình CĐML từ thực tiễn đã trở thành phong trào được Bộ NN&PTNT phát động vào tháng 3-2011 tại TP Cần Thơ, được các tỉnh Nam bộ và từ 2012 các tỉnh phía Bắc hưởng ứng mạnh mẽ. Số liệu tổng hợp tại các địa phương, vụ đông xuân 2012-2013, vùng ĐBSCL có 13 tỉnh, thành phố đăng ký tham gia mô hình CĐML với tổng diện tích hơn 71.500 ha, tăng 40.000 ha so với vụ hè thu năm 2012. Mô hình CĐML thực hiện việc áp dụng đồng bộ các giải pháp kỹ thuật vào sản xuất đã giúp tăng năng suất, đồng thời giảm chi phí sản xuất. So với ngoài mô hình, giá thành sản xuất lúa theo mô hình CĐML thấp hơn từ 120-600 đồng/kg lúa. Với mô hình CĐML, trong các vụ lúa 2011-2012, lợi nhuận thu được của nông dân trồng lúa trong mô hình tăng cao hơn so với bên ngoài từ 2,2-7,5 triệu đồng/ha.

Định hướng xây dựng mô hình CĐML của Bộ NN&PTNT tại ĐBSCL là tiến tới hình thành vùng nguyên liệu lúa hàng hóa xuất khẩu 1 triệu ha và xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam. Để việc tiêu thụ lúa gạo tại các CĐML ở ĐBSCL trong thời gian tới được ổn định, Bộ NN&PTNT đã đề nghị các công ty thành viên của Hiệp hội Lương thực làm đầu mối liên kết nông dân ký hợp đồng cung ứng vật tư đầu vào và thu mua sản phẩm cũng như đầu tư hệ thống sấy, kho chứa, xay xát, tiêu thụ sản phẩm trong mô hình CĐML; từng bước xây dựng vùng nguyên liệu sản xuất lúa gạo theo quy trình VietGAP và quản lý theo chuỗi giá trị sản phẩm.

Cần trợ lực để nhân rộng mô hình

Mô hình CĐML đã khẳng định hiệu quả và diện tích thực hiện liên tục tăng trong những vụ lúa gần đây. Song, phải nhìn nhận rằng diện tích thực hiện mô hình CĐML vẫn còn chiếm tỷ lệ nhỏ so với diện tích sản xuất lúa tại ĐBSCL. Để mô hình CĐML không còn là mô hình "làm mẫu" nữa mà sớm trở thành những cánh đồng lớn, nhanh chóng được nhân rộng, nhiều ý kiến cho rằng: Ngành hữu quan cần quan tâm tháo gỡ các khó khăn vướng mắc và tạo điều kiện thuận lợi cho mô hình phát triển.

Theo ông Huỳnh Thế Năng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, CĐML là mô hình tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị nhằm hướng đến mục tiêu giúp sản xuất và tiêu thụ sản phẩm hàng hóa của ngành lúa gạo ngày càng có hiệu quả. Để thực hiện mô hình CĐML, đòi hỏi các ngành chức năng và doanh nghiệp phải giúp nông dân, cung ứng cho nông dân vật tư đầu vào phục vụ sản xuất với giá cả ổn định, chất lượng đảm bảo và có cụm dịch vụ lúa gạo gắn với vùng nguyên liệu này. Mặt khác, cần tạo điều kiện cho nông dân có chủ động và có "cái quyền" trong bán sản phẩm để được lợi về giá. Phát biểu tại một hội nghị bàn về sản xuất, tiêu thụ lúa gạo và thủy sản vùng ĐBSCL được tổ chức gần đây tại tỉnh Đồng Tháp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Trần Thanh Nam, cho rằng: "Để phát triển và nhân rộng mô hình CĐML, Nhà nước cần phải có các chính sách khuyến khích doanh nghiệp tham gia tốt hơn, nhất là chính sách ưu đãi về vốn vay cho doanh nghiệp. Nguyên nhân do muốn đầu tư phát triển các mô hình CĐML và thực hiện các hợp đồng cung ứng vật tư đầu vào, bao tiêu sản phẩm đầu ra cho nông dân… đòi hỏi doanh nghiệp cần phải có một nguồn lực tài chính rất lớn so với việc chỉ đơn thuần đầu tư cho hoạt động kinh doanh xuất khẩu như trước đây".

Nhiều doanh nghiệp tham gia thực hiện các mô hình CĐML tại ĐBSCL thời gian qua cũng thừa nhận: Vốn và năng lực thu mua lúa gạo của doanh nghiệp có hạn. Bởi trong điều kiện gieo sạ đồng loạt và thu hoạch cũng đồng loạt đã và đang là trở ngại lớn cho doanh nghiệp trong việc liên kết với nông dân để mở rộng diện tích lúa mô hình CĐML. Tại ĐBSCL, hầu như chỉ mới có Công ty cổ phần Bảo vệ thực vật An Giang thực hiện được mô hình CĐML theo quy trình khép kín từ cung ứng giống, vật tư nông nghiệp và tiêu thụ lúa cho nông dân với diện tích trên dưới 25.000 ha/năm. Còn lại, phần lớn các doanh nghiệp khác đều mới phát triển mô hình ở mức vài nghìn ha do còn gặp khó khăn về vốn và năng lực thu mua, dự trữ lúa gạo. Theo ông Phạm Thái Bình, Giám đốc Công ty TNHH Trung An (TP Cần Thơ), trong vụ đông xuân 2012-2013, Công ty đầu tư xây dựng CĐML ở các huyện Cờ Đỏ và Vĩnh Thạnh, TP Cần Thơ với diện tích gần 3.000 ha. Công ty có kế hoạch phấn đấu nâng diện tích thực hiện mô hình CĐML tại thành phố lên 21.000 ha vào năm 2015. Nhưng để thực hiện được mục tiêu này, ngoài sự nỗ lực của công ty và các hộ nông dân, thì không thể thiếu vai trò của Nhà nước, nhất là việc Nhà nước cần có các cơ chế, chính sách ưu đãi về vốn vay cho doanh nghiệp ngay từ khi mới bắt đầu sản xuất. Nếu không có các chính sách ưu đãi về vốn và sự tham gia của các ngân hàng, doanh nghiệp rất khó làm CĐML. Chỉ với việc thu mua lúa cho nông dân, diện tích 3.000-4.000 ha/vụ, đòi hỏi doanh nghiệp cũng phải có một lượng tiền mặt lên đến hàng trăm tỉ đồng mới có thể thực việc thu mua và thanh toán tiền lúa ngay cho nông dân.

Hiện nay, chính quyền và nông dân tại hầu hết các địa phương chưa có mô hình CĐML dù rất muốn nhưng chưa thể đẩy nhanh việc nhân rộng mô hình này, do còn thiếu doanh nghiệp đứng ra ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm và cung ứng vật tư đầu vào cho nông dân. Ngoài ra, việc liên kết giữa nông dân tại nhiều nơi chưa tốt và các điều kiện về cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất chưa đảm bảo cũng đang làm ảnh hưởng đến việc nhân rộng mô hình CĐML. Chính quyền tại nhiều địa phương khuyến cáo nông dân không nên trông chờ sự vào cuộc của doanh nghiệp. Trước mắt, nông dân hãy liên kết lại, cùng áp dụng một quy trình sản xuất tiên tiến để giảm chi phí, tăng cao năng suất, chất lượng và sự đồng đều của sản phẩm. Tuy nhiên, khi chưa có sự vào cuộc của doanh nghiệp thì nông dân trồng lúa vẫn chưa thể an tâm và khó có thể thực hiện mô hình CĐML để nâng cao hiệu quả sản xuất và tiêu thụ khi đầu ra sản phẩm vẫn còn khá "mờ mịt"...

Bài, ảnh: KHÁNH TRUNG

Chia sẻ bài viết