25/07/2010 - 20:24

Cần thêm nhiều cơ chế tài chính ngân sách cho TP Cần Thơ

Quyết định số 42/2006/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 16-12-2006 về một số cơ chế tài chính ngân sách ưu đãi đối với TP Cần Thơ (viết tắt là QĐ-42), đã tạo điều kiện cho TP Cần Thơ triển khai xây dựng nhiều công trình nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển của thành phố và các tỉnh lân cận. Tuy nhiên, để thực sự phát triển đúng tầm, theo Nghị quyết số 45-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển TP Cần Thơ trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đòi hỏi cần có nhiều cơ chế tài chính ngân sách, tạo “đòn bẩy” phát triển thành phố trở thành động lực của vùng ĐBSCL...

ĐẠI CÔNG TRƯỜNG

Sau 5 năm thực hiện QĐ-42, hàng loạt các công trình trên địa bàn TP Cần Thơ được khởi công xây dựng từ nhiều nguồn vốn. Thành phố như một đại công trường xây dựng...

Tiêu biểu nhất là công trình nâng cấp, mở rộng sân bay Trà Nóc thành sân bay quốc tế tại quận Bình Thủy do Cụm cảng Hàng không miền Nam làm chủ đầu tư. Công trình này gồm hai hạng mục: Đường hạ và cất cánh, nhà ga hành khách. Sân bay Cần Thơ đã mở nhiều tuyến quốc nội và chuẩn bị mở thêm nhiều tuyến mới đáp ứng nhu cầu đi lại, du lịch của hành khách ĐBSCL. Dịp Tết Nguyên đán Canh Dần 2010, lần đầu tiên sân bay này mở đường bay trực tiếp đến Đài Loan, khẳng định được hiệu quả bước đầu của công trình. Bốn dự án do Bộ GTVT làm chủ đầu tư với tổng kinh phí trên 7.100 tỉ đồng cơ bản làm thay đổi diện mạo giao thông thành phố, cùng với cầu Cần Thơ mở nhiều hướng nối Cần Thơ với ĐBSCL. Dự án nối quốc lộ 91 với tuyến Nam sông Hậu đi qua ba quận Ô Môn, Bình Thủy, Cái Răng hình thành tuyến đường mới, đáp ứng nhu cầu lưu thông, hạn chế di chuyển vào trung tâm thành phố.

Cảng Cái Cui tổ chức bốc dỡ hàng container từ tháng 5-2010 và hiện đang xúc tiến xây dựng giai đoạn II với vốn đầu tư trên 300 tỉ đồng, tạo điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu hàng nông - thủy sản ở ĐBSCL.     

Tuyến Cần Thơ-Xà No-Vị Thanh nối hai trung tâm hành chính của TP Cần Thơ và tỉnh Hậu Giang không chỉ mở thêm một cung đường mới phát triển cho vùng sâu, vùng xa trên tuyến này mà còn là đòn bẩy phát triển tỉnh Hậu Giang. Công trình nối quốc lộ 1A, lộ Vòng Cung và quốc lộ 80 đi qua vùng sâu các huyện Vĩnh Thạnh, Cờ Đỏ và Phong Điền khi hoàn thành sẽ hòa mạng vào tuyến cao tốc quốc gia đoạn Cần Thơ-An Giang và nối vào đường cao tốc của nước bạn Campuchia thẳng đến Thủ đô Phnom Penh. Đây là tuyến cao tốc nằm trong kế hoạch phát triển của TP Cần Thơ và tỉnh An Giang với mong muốn thúc đẩy phát triển kinh tế biên giới và tạo thuận lợi cho hàng Việt Nam vào thị trường tiềm năng Campuchia. Trong tương lai, cửa khẩu Tịnh Biên-An Giang là “giao lộ” đường bộ ASEAN vào Việt Nam, đường cao tốc Cần Thơ-An Giang càng có ý nghĩa quan trọng.

Cùng với hệ thống đường bộ, hệ thống cảng ở Cần Thơ cũng được mở rộng quy mô, tạo điều kiện thông suốt cho hàng nông-thủy sản vùng ĐBSCL xuất khẩu trực tiếp ra thị trường nước ngoài, không phải qua cảng ở TP HCM. Tổng Công ty Hàng hải đang đầu tư 250 tỉ đồng để nâng cấp, mở rộng cụm cảng Cần Thơ tại quận Bình Thủy. Dự án nâng cấp mở rộng cảng Cái Cui (giai đoạn 2) ở quận Cái Răng đang được ráo riết thực hiện với kinh phí 525 tỉ đồng. Cục Hàng hải cũng đã có kế hoạch điều chỉnh luồng Định An với kinh phí 2.300 tỉ đồng để tàu tải trọng lớn có thể ra vào các cảng an toàn, tận dụng được ưu thế cảng nước sâu trên sông Hậu tại Cần Thơ.

Ngoài ra, từ QĐ-42, hàng loạt các công trình xây dựng đường giao thông ở khu vực nội thành, đường đến trung tâm xã... được khởi công xây dựng. Tuyến đường Mậu Thân-sân bay Trà Nóc mở ra con đường mới, giảm tải cho đường Cách Mạng Tháng Tám. Tuyến giao thông Bốn Tổng-Một Ngàn xuyên qua các xã vùng sâu của ba huyện Vĩnh Thạnh, Cờ Đỏ, Thới Lai góp phần phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương. Riêng đường ô tô đến trung tâm xã được đầu tư 394 tỉ đồng tại hai quận Cái Răng, Thốt Nốt và 2 huyện Cờ Đỏ, Vĩnh Thạnh. Tuyến đường Nguyễn Văn Cừ nối dài (đoạn quốc lộ 91B đến đường tỉnh 923), tuyến Trà Nóc-Thới An Đông-Lộ Bức, Hương lộ 28 tổng trị giá gần 600 tỉ đồng từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu Chính phủ hiện đang trong giai đoạn xây dựng, bổ sung vào hệ thống đường của thành phố. Song song đó, nhiều dự án xây dựng bệnh viện đa khoa, bệnh viện chuyên ngành, phát triển Trường đại học Cần Thơ thành trường đại học trọng điểm quốc gia theo hướng phát triển đa ngành, nâng cấp và xây mới các cơ sở, viện nghiên cứu phát triển vùng tại Cần Thơ...

Theo thống kê của Sở Tài chính, từ khi có QĐ-42, thành phố có 47 công trình trọng điểm được đầu tư với tổng số tiền trên 30.200 tỉ đồng. Đến nay, đã có 7 công trình hoàn thành, 39 công trình đang thực hiện. Theo nhận định chung, quyết định này đã mang lại những hiệu quả thiết thực. Tuy nhiên, để thực sự phát triển đúng tầm với vai trò thành phố động lực của vùng, đòi hỏi phải có nhiều cơ chế thay thế cho QĐ-42 sẽ hết hiệu lực trong năm 2010.

CẦN NHIỀU CƠ CHẾ ƯU ĐÃI

Nghị quyết số 45-NQ/TW của Bộ Chính trị “Về xây dựng và phát triển thành phố Cần Thơ trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” đã xác định vai trò trung tâm của TP Cần Thơ đối với ĐBSCL. Mới đây, tại hội nghị sơ kết thực hiện QĐ - 42, đồng chí Nguyễn Tấn Quyên, Bí thư Thành ủy Cần Thơ, cho biết: Hai chặng đường Cần Thơ phải đi và phải đến đã thực hiện được một là phát triển Cần Thơ thành đô thị loại I. Còn chặng thứ hai là phát triển thành phố trở thành thành phố công nghiệp vào trước năm 2020. Đây là chặng đường gian nan khi tỷ trọng trong nông nghiệp còn nhiều, thiếu điều kiện để phát triển công nghiệp. Dựa vào ngân sách, vốn trung ương không phải là giải pháp lâu dài mà thành phố phải có những đề xuất về cơ chế thu hút vốn trình Chính phủ để tạo sự năng động cho thành phố, khai thác được nội lực. Đồng thời, rà soát, tính toán lại nhu cầu vốn đến năm 2015, 2020 và danh mục công trình ưu tiên đáp ứng sự phát triển...

Khả năng huy động vốn phát triển của TP Cần Thơ thời gian qua ít, do nhiều nguyên nhân. Trong đó, nguyên nhân chính là hạn chế của QĐ-42 đối với tổng mức dư nợ vốn huy động không vượt quá 30% tổng mức vốn đầu tư xây dựng cơ bản của ngân sách thành phố theo dự toán được HĐND thành phố quyết định hàng năm. Bên cạnh đó, việc giải ngân các nguồn vốn ODA chậm do không khớp về mặt thủ tục so với quy định trong nước và yêu cầu của nhà tài trợ. Việc tạo và khai thác quỹ đất thời gian qua đã mang lại nguồn vốn khá nhưng vẫn chưa được khai thác đúng mức. Việc phát hành trái phiếu địa phương để huy động vốn xã hội chưa thực hiện được... Theo tính toán, đến năm 2015, vốn huy động toàn xã hội của TP Cần Thơ phải đạt 40.000-50.000 tỉ đồng/năm, mới đầu tư được các công trình trọng điểm, trong khi ngân sách chỉ tăng 1.000-2.000 tỉ đồng/năm. Trước tình hình đó, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Trần Thanh Mẫn đề xuất: Cơ chế ưu đãi về tài chính ngân sách là cần thiết để phát triển thành phố. Cần Thơ là thành phố đặc thù, cần được hưởng cơ chế như Hà Nội và TP HCM mới có thể huy động được mọi nguồn lực đáp ứng nhu cầu bức thiết ở địa phương. Cụ thể như, cho phép dư nợ vốn huy động của thành phố không vượt 100% thay vì 30% như quy định ở QĐ-42. Đồng thời, phát hành trái phiếu cho từng dự án lẻ có khả năng thu hồi vốn nhanh, sinh lợi, thay vì phát hành trái phiếu địa phương, để giảm nợ. Vốn tự tạo và khai thác quỹ đất là rất lớn. Vì vậy, chuyển trung tâm chuyên ngành này từ Sở Tài nguyên và Môi trường về UBND thành phố để tăng khả năng hoạt động, tạo nguồn vốn phong phú để phát triển. Ngoài ta, Cần Thơ còn có thể tranh thủ mạnh các nguồn vốn ODA, vốn tài trợ...

Bài, ảnh: THÀNH NGUYỄN

Chia sẻ bài viết