 |
Hoạt động sản xuất tại xưởng cơ khí của Công ty TNHH SX-XD&TM Tân Thuận Thành, KCN Trà Nóc. |
Quí I/2009, tốc độ tăng trưởng kinh tế của TP Cần Thơ đạt 4,5%. So với các thành phố trực thuộc Trung ương, Cần Thơ xếp thứ 2 về chỉ số tăng trưởng. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng của từng khu vực còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, do ảnh hưởng của suy giảm kinh tế toàn cầu, doanh nghiệp (DN) sụt giảm thị phần, thị trường xuất khẩu gặp khó khăn. Lãnh đạo thành phố nêu quyết tâm giữ vững tốc độ tăng trưởng 16% theo kế hoạch năm 2009, nhưng cũng sẽ điều chỉnh cho phù hợp dựa trên tình hình thực tế phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.
Tăng trưởng nhưng nhiều rủi ro
Theo báo cáo của Sở Kế hoạch- Đầu tư, tốc độ tăng trưởng kinh tế thành phố quí I/2009 đạt 4,5%. Trong đó, khu vực công nghiệp- xây dựng tăng 5,3%, dịch vụ tăng 7,2%; riêng khu vực nông- lâm nghiệp - thủy sản giảm 2,5%. Tổng nguồn thu ngân sách đạt trên 939,8 tỉ đồng (đạt hơn 24,5% kế hoạch HĐND thành phố giao và 25,4% dự toán Trung ương)... Nhìn chung, các ngành, lĩnh vực đều tăng nhưng so kế hoạch còn thấp (dưới 25% kế hoạch) và tăng chậm so cùng kỳ (quí I/2008 tăng 11,3%). Đồng thời, do ảnh hưởng của suy giảm kinh tế thế giới, DN gặp khó trong tiêu thụ sản phẩm và tái đầu tư sản xuất của người dân ít nhiều cũng bị tác động.
Trên lĩnh vực nông nghiệp, tốc độ tăng trưởng giảm 2,5% so cùng kỳ, một phần do diện tích xuống giống lúa vụ đông xuân giảm 886 ha (đạt 89.719 ha) và diện tích nuôi thủy sản giảm hơn 680 ha (đạt 2.121,3 ha) so cùng kỳ năm trước. Theo thống kê của ngành nông nghiệp, vụ đông xuân năm nay giá thành sản xuất tương đương với năm ngoái (từ 2.000- 2.600 đồng/kg) và giá bán cao hơn. Lúa thơm, lúa cao sản chiếm 80% diện tích gieo sạ (Jasmine chiếm 50%). Giám đốc Sở NN&PTNT TP Cần Thơ Phạm Văn Quỳnh, cho biết: “Hiện nay, ngành nông nghiệp đang tập trung nhân một số giống lúa như: OM 4088, OM4900... để dần thay thế cho giống Jasmine. Qua đó, vận động nông dân hạn chế sử dụng giống này, vì giá thành sản xuất ngày càng tăng và nguy cơ thoái hóa giống cao”. Có thể nói, sự “lên ngôi” của lúa thơm và lúa cao sản cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro trong tiêu thụ lúa hàng hóa, bởi giá bán chỉ nhỉnh hơn lúa thường vài trăm đồng một kg. Việc nuôi và chế biến thủy sản xuất khẩu, nhất là con cá tra trên địa bàn giảm, cũng tác động rất lớn đến tốc độ tăng trưởng của ngành nông nghiệp. Sản lượng cá tra xuất khẩu khoảng 14.800 tấn, giảm 47% về sản lượng và 52% giá trị (chỉ đạt 32,5 triệu USD) so cùng kỳ năm trước. Trong quí I/2009, diện tích nuôi cá tra là 762 ha, năng suất bình quân 230 tấn/ha, sản lượng thu hoạch khoảng 22.055 tấn, nhưng chỉ đạt 12,4% kế hoạch so cùng kỳ năm trước. Số hộ nuôi cá tra qui mô nhỏ (dưới 0,5 ha) chiếm khoảng 25% diện tích (190 ha); từ 0,5- 1 ha chiếm 65% (495 ha), qui mô trên 1 ha chỉ chiếm 10% (77 ha). Có đến 188 ha phải treo ao, 18 ha bỏ nuôi, dù lợi nhuận bình quân khoảng 500 đồng/kg do nhiều hộ nuôi cá chưa thanh toán hết nợ ngân hàng cũng như nợ ngoài. Theo Sở NN&PTNT, những hộ nuôi qui mô nhỏ cần hỗ trợ tín dụng ưu đãi khoảng 317 tỉ đồng (bình quân hơn 1,66 tỉ đồng/ha); nếu tính trên tổng diện tích nuôi hiện tại, nhu cầu vay vốn khoảng 1.270 tỉ đồng (762 ha). Mặt khác, 21 nhà máy chế biến thủy sản đang hoạt động trên địa bàn cũng cần khoảng 4.200 tỉ đồng để sản xuất, kinh doanh. Tổng nguồn vay của DN và người nuôi trong năm 2009 lên khoảng 5.470 tỉ đồng. Nhưng không phải ai cũng tiếp cận được nguồn vốn vay...
DN sản xuất công nghiệp gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt, DN công nghiệp chế biến hàng xuất khẩu sản xuất hoạt động cầm chừng để giải quyết hàng tồn kho và chưa thực hiện hợp đồng mới. Theo Sở Công Thương, giá trị sản xuất công nghiệp trong quí I/2009 đạt hơn 3.128 tỉ đồng, tăng trên 6,7% so cùng kỳ. Một số sản phẩm công nghiệp tăng so cùng kỳ như: phân hỗn hợp NPK, điện thương phẩm, xi măng... Riêng sản phẩm thủy sản ướp đông giảm do thiếu nguyên liệu và xay xát gạo giảm do gạo tồn kho của các DN từ năm 2008. Sản xuất công nghiệp tăng, nhưng xét trên từng DN thì phần lớn đều giảm doanh thu, do cầu thị trường sụt giảm, một số DN co hẹp sản xuất. Hiện nay, công nghiệp ngoài quốc doanh chiếm vị trí quan trọng trong sản xuất công nghiệp thành phố với giá trị trên 2.293 tỉ đồng, tăng 8,7% so cùng kỳ. Song, trước suy giảm kinh tế, đây là thành phần dễ “tổn thương” nhất, do trình độ công nghệ lạc hậu, cạnh tranh kém và chưa có thương hiệu...
Tại hội nghị về tình hình kinh tế- xã hội quí I/2009 của thành phố vào đầu tháng 4- 2009, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Trần Thanh Mẫn nhận định: “Tiến độ giải ngân các công trình xây dựng cơ bản (XDCB) năm 2009 chậm và chỉ đạt 5,6% kế hoạch (hơn 93,2 tỉ đồng); tái định cư và giải phóng mặt bằng ì ạch... Công tác giải phóng mặt bằng, huyện và quận còn trông chờ thành phố. Từng chủ tịch UBND các quận, huyện phải có trách nhiệm về vấn đề này, những việc thuộc thẩm quyền của mình phải giải quyết nhanh. Các sở, ngành cần quan tâm, xem lại thủ tục, hồ sơ của các quận, huyện trình và có phản hồi ngay để các địa phương chỉnh sửa, hoàn tất hồ sơ và tiến hành đấu thầu các dự án, đẩy nhanh tiến độ XDCB”.
Cần giải pháp thiết thực
Hiện nay, trên địa bàn thành phố, gói kích cầu đã phát huy hiệu quả. Theo Ngân hàng Nhà nước, Chi nhánh Cần Thơ, đến ngày 31-3-2009, thực hiện giải ngân theo Quyết định 131 của Thủ tướng Chính phủ, trên địa bàn dư nợ cho vay hơn 5.896 tỉ đồng, chiếm 25,2% tổng dư nợ cho vay. Trong đó, khối Ngân hàng Thương mại nhà nước hơn 3.326 tỉ đồng; ngân hàng Thương mại cổ phần trên 2.461 tỉ đồng, còn lại là ngân hàng liên doanh và công ty tài chính. Ngành công nghiệp chế biến chiếm gần 34% tổng dư nợ cho vay hỗ trợ lãi suất, nông- lâm nghiệp 14,6%; thủy sản hơn 10%; thương nghiệp, sửa chữa xe có động cơ hơn 28,5%...
Ông Đặng Xuân Trường, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty TNHH Sản xuất- xây dựng và thương mại Tân Thuận Thành, cho biết: “Công ty chuyên cung cấp ống cống, cọc bê tông dự ứng lực, thiết bị bê tông ly tâm... cho khu vực ĐBSCL. Từ đầu năm đến nay, do tác động của suy giảm kinh tế, nhiều công trình ngưng trệ cũng ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của đơn vị. Nhưng nhờ chủ động được nguồn hàng và đơn đặt hàng, cùng với sản phẩm chất lượng, chúng tôi vẫn giữ được thị phần”. Ngân hàng đã giải ngân cho công ty 2 tỉ đồng bằng nguồn vốn vay bù lãi suất 4% (8 tháng) và đơn vị đã tận dụng cơ hội này để đổi mới công nghệ- thay dây chuyền cấp nguyên liệu tự động cấp bê tông cho sản xuất ống cống, cọc. Theo ông Trường, đổi mới công nghệ nhằm hạ giá thành sản phẩm, tăng năng lực cạnh tranh và đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư nước ngoài. Nguồn vốn giá rẻ dù mang lại nhiều cơ hội cho DN, nhưng nếu DN không có kế hoạch kinh doanh dài hơi và khả thi thì dù lãi suất 0,05%/tháng, cũng không có khả năng hoàn vốn. Năm 2008, doanh thu của đơn vị đạt trên 31 tỉ đồng, tăng 50% so 2007, dự kiến năm 2009 đạt từ 45-50 tỉ đồng.
Việc thực hiện Quyết định 14 của Thủ tướng Chính phủ về bảo lãnh tín dụng cho DN, tổ chức, cá nhân trên địa bàn thành phố đang triển khai khá quyết liệt. Đến đầu tháng 4-2009, Ngân hàng Phát triển Việt Nam, chi nhánh khu vực Cần Thơ- Hậu Giang đã tiếp nhận 47 hồ sơ xin bảo lãnh tín dụng. Theo ông Lương Quang Minh, Giám đốc Ngân hàng Phát triển Việt Nam, Chi nhánh khu vực Cần Thơ- Hậu Giang, ngân hàng đã cấp chứng thư bảo lãnh tín dụng cho 5 đơn vị (4 doanh nghiệp và 1 hợp tác xã). Tuy nhiên, khi triển khai thực hiện, DN khá lúng túng trong việc kê khai các thủ tục, cung cấp những chứng từ cần thiết và có nhiều hồ sơ phải trả lại để DN làm lại.
Phát biểu tại hội nghị sơ kết tình hình kinh tế- xã hội quí I/2009, lãnh đạo Thành ủy, UBND thành phố nêu quyết tâm duy trì mục tiêu tăng trưởng đến cuối quí II/2009. Tuy nhiên, thành phố cũng sẽ xem xét điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng dựa trên tình hình thực tế phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Trần Thanh Mẫn yêu cầu các sở, ngành tập trung kiểm tra, giám sát các gói kích cầu và đẩy nhanh tiến độ xây dựng cơ bản, đảm bảo mục tiêu tăng trưởng. Mạnh dạn đề xuất thu hồi những dự án mà nhà đầu tư không đủ năng lực tài chính, cũng như tiến độ triển khai không đúng kế hoạch. Mặt khác, đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, nhất là 1.600 ha đất công nghiệp đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, để tạo quỹ đất sạch và thu hút đầu tư vào thành phố.
Thủ tướng Chính phủ vừa có Quyết định 443, cấp bù 4% lãi suất vốn vay trung và dài hạn. Theo đó, có 9 ngành được hưởng cơ chế hỗ trợ này gồm: nông lâm nghiệp, thủy sản, công nghiệp khai thác mỏ, công nghiệp chế biến, sản xuất và phân phối điện, khí đốt và nước, xây dựng, thương nghiệp, sửa chữa xe có động cơ, mô tô, xe máy, đồ dùng cá nhân và gia đình, vận tải, kho bãi và thông tin liên lạc, khoa học và công nghệ. Đây sẽ là cơ hội cho DN thành phố đầu tư đổi mới công nghệ, hạ giá thành sản phẩm và nâng cao năng lực cạnh tranh, bởi thời hạn cho vay đến 24 tháng. Sự phát triển của DN có ý nghĩa rất lớn đến tăng trưởng kinh tế của thành phố, nhưng cần có nhiều giải pháp đồng bộ đi kèm trong thực thi các chủ trương, chính sách của Trung ương và địa phương.
Bài, ảnh: GIA BẢO