05/06/2012 - 21:43

Cái thế càng lớn của SCO

Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 12 của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) diễn ra ngày 6-6 tại Thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc là một sự kiện quốc tế lớn, bởi các nhà lãnh đạo của tổ chức này sẽ thông qua kế hoạch hành động mới trong thập niên thứ hai của SCO kể từ khi được thành lập năm 2001.

Một trong những nội dung quan trọng nhất của SCO là thể hiện vai trò hỗ trợ an ninh và tái thiết Afghanistan sau khi Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) rút khỏi quốc gia Nam Á vào năm 2014. SCO được coi là tổ chức an ninh khu vực lớn nhất và tất cả các nước thành viên là láng giềng gần nhất của Afghanistan, một trung tâm kết nối “con đường tơ lụa” hiện đại vì mục tiêu đảm bảo sự phát triển thịnh vượng và an ninh cho khu vực Âu-Á.

Dư luận trong SCO cho rằng sự thoái lui của NATO sẽ gây ra sự bất ổn an ninh và thậm chí có nguy cơ làm tan rã Afghanistan, nhưng đồng thời là cơ hội để nước này thúc đẩy tiến trình hòa bình, hòa hợp dân tộc trên nền tảng các giá trị lịch sử và truyền thống của riêng mình chứ không phải do bên ngoài áp đặt. Lịch sử đã cho thấy chỉ có người Afghanistan mới có thể tự giải quyết các vấn đề của chính họ.

Tuy nhiên, để phát triển lâu dài và bền vững thì Afghanistan không chỉ cần sự hỗ trợ an ninh từ bên ngoài mà còn phải hội nhập về kinh tế. Với vị thế trung tâm chiến lược, Afghanistan sẽ là cầu nối gắn kết giữa các nước giàu tài nguyên năng lượng và tiêu thụ năng lượng hàng đầu thế giới trong khu vực, đồng thời qua đó thúc đẩy sự hợp tác vì hòa bình, an ninh và phát triển chung.

Mục tiêu hàng đầu của Mỹ và NATO trong cuộc chiến tàn khốc và hao tiền tốn của hơn 10 năm qua ở Afghanistan là khống chế khu vực địa chiến lược Trung Á giàu tài nguyên thiên nhiên nhằm ngăn chặn sự hợp tác giữa các nước xung quanh về năng lượng, trong đó có Iran, Ấn Độ, Nga và Trung Quốc.

Trước sức ép của dư luận trong nước và tình hình kinh tế khó khăn, Mỹ và đồng minh NATO lên kế hoạch rút hết quân chiến đấu vào cuối năm 2014. Tuy nhiên, để duy trì ảnh hưởng tại Afghanistan, Mỹ và NATO cam kết hỗ trợ Afghanistan kinh phí an ninh trị giá khoảng 4,1 tỉ USD/năm, bởi họ biết cái thế ngày càng lớn của SCO có thể chi phối lợi ích của họ tại Afghanistan. Điều đó có thể thấy rõ qua việc Afghanistan được mời làm khách tại hội nghị thượng đỉnh SCO lần này, nhiều khả năng sẽ nhận được quy chế quan sát viên chính thức và sớm trở thành thành viên của SCO.

KIẾN HÒA (Tổng hợp)

Chia sẻ bài viết