22/06/2021 - 19:10

Cách biệt giàu nghèo “tăng tốc” do đại dịch 

Ðại dịch COVID-19 không chỉ là cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu mà nó còn khiến nhiều nền kinh tế rơi vào khủng hoảng, làm gia tăng tình trạng thất nghiệp. Theo đó, hàng triệu người trên khắp thế giới bị mất việc làm, phải đối mặt với việc bị cắt giảm lương trong khi hàng loạt doanh nghiệp nhỏ phải đóng cửa.

Sự tương phản quá lớn

Ngân hàng Thế giới (WB) trong báo cáo mới đây ước tính, đại dịch COVID-19 đã đẩy thêm từ 88-115 triệu người vào cảnh nghèo đói cùng cực hồi năm ngoái, nâng tổng số người nghèo hiện nay lên mức 150 triệu, gồm 34 triệu người chịu cảnh đói ăn. Chương trình Lương thực Thế giới cảnh báo, COVID-19 “đang khiến nạn đói lan rộng với tốc độ đáng lo ngại”.

Theo WB, COVID-19 và các biện pháp phong tỏa nhằm ngăn chặn sự lây lan của virus Corona đã khiến doanh thu các lĩnh vực quan trọng giảm mạnh, ảnh hưởng đến năng suất lao động và khiến khoảng 255 triệu người mất việc làm. “Ðại dịch COVID-19 và tình trạng suy thoái toàn cầu có thể khiến hơn 1,4% dân số thế giới rơi vào cảnh nghèo đói cùng cực. Ðể đảo ngược trở ngại nghiêm trọng này đối với quá trình phát triển và xóa đói giảm nghèo, các nước sẽ cần phải chuẩn bị cho một nền kinh tế khác thời hậu COVID-19, bằng cách cho phép nguồn vốn, lao động, kỹ năng và sự đổi mới chuyển sang các lĩnh vực kinh doanh mới” - Chủ tịch WB David Malpass nhấn mạnh.

Trẻ em nghèo xếp hàng chờ nhận thức ăn ở Nam Phi. Ảnh: EPA

Tuy nhiên, đối với giới tỉ phú, tình hình lại hoàn toàn khác. Khi SARS-CoV-2 lây lan, các ngân hàng trung ương trên khắp thế giới đã bơm tổng cộng 9.000 tỉ USD vào nền kinh tế để duy trì sự tăng trưởng. Phần lớn trong số đó “chảy” vào thị trường tài chính, làm tăng giá trị tài sản ròng của các tỉ phú. Theo báo cáo của WB, những người giàu có nhất thế giới trong năm ngoái đã “bỏ túi” thêm hơn 5.000 tỉ USD. Như vậy, chỉ 2.755 người giàu nhất hành tinh (tăng 660 người so với năm ngoái) đã tích lũy hơn 13.000 tỉ USD, mức tăng đột biến nhất từng được tạp chí danh giá Forbes ghi nhận. Theo Forbes, trung bình cứ 17 tiếng lại có một tỉ phú mới xuất hiện trong năm qua.

Chỉ tại virus Corona?

Trước đó, báo cáo mang tên “Virus bất bình đẳng” do Tổ chức phi lợi nhuận Oxfam công bố ngày 25-1 chỉ ra rằng 1.000 người giàu nhất hành tinh đã khôi phục những thiệt hại do COVID-19 gây ra đối với khối tài sản của họ chỉ trong vòng 9 tháng trong khi những người nghèo nhất thế giới có thể sẽ mất hơn một thập kỷ. “Virus Corona đã phơi bày và trầm trọng hóa tình trạng bất bình đẳng về của cải, giới và chủng tộc. Nó cũng phơi bày thực tế rằng nền kinh tế bất bình đẳng sâu sắc không thể mang lại lợi ích cho tất cả mọi người” - báo cáo của Oxfam nhấn mạnh.

Chính tình trạng bất bình đẳng giàu nghèo gia tăng giữa đại dịch một lần nữa làm dấy lên cuộc tranh luận về thuế tài sản. Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres hôm 21-6 trên trang cá nhân Twitter kêu gọi chính phủ các nước xem xét đánh thuế tài sản đối với những người đã thu lợi trong suốt thời gian bùng phát đại dịch COVID-19 nhằm giảm bớt tình trạng bất bình đẳng ngày càng nghiêm trọng.

COVID-19 cũng đã làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng tồn tại bấy lâu trên thị trường lao động. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) trong một báo cáo cho biết dù ai trong thời đại dịch cũng được xem là “lao động thiết yếu” và “cùng nhau làm việc” nhưng thực tế rõ ràng rằng tình trạng mất việc làm và giảm thu nhập do đại dịch chỉ ảnh hưởng nặng nề nhất đối với những lao động tay nghề thấp và không có trình độ học vấn, trong khi thu nhập của những người có trình độ cao không bị ảnh hưởng nhiều do họ có thể làm việc từ xa.

Ðáng chú ý là, hơn một năm kể từ khi COVID-19 bùng phát, đại dịch không chỉ ảnh hưởng đến 190 quốc gia, khiến kinh tế toàn cầu suy giảm 4,3%, mà còn nới rộng sự bất bình đẳng trên 3 phương diện, gồm bất bình đẳng trong tiếp cận vaccine, bất bình đẳng về sinh kế và mức sống và bất bình đẳng giới trong nhiều lĩnh vực. Nhiều báo cáo cho thấy, mức thu nhập bình quân đầu người ở các nước thu nhập thấp đã giảm 3,6% trong năm 2020, mức giảm cao nhất trong 30 năm qua.

TRÍ VĂN (Theo Times Now News)

Chia sẻ bài viết