17/07/2015 - 15:17

Các ứng dụng và thiết bị điện tử giúp hạn chế bia rượu

"Điện thoại thông minh có thể theo dõi mức độ tiêu thụ bia rượu của ai đó rất nhanh và dễ dàng. Ứng dụng trên điện thoại cũng có nhiều triển vọng bởi chúng phổ biến và gắn liền với cuộc sống mọi người" - Danielle Ramo, Phó giáo sư tâm thần học tại Đại học California (Mỹ), khẳng định như vậy khi đề cập tới lợi ích của thiết bị số trong việc ngăn chặn những hành vi có hại sức khỏe, chẳng hạn như nghiện bia rượu.

Theo chuyên gia Ramo, "nghiện rượu bia không phải là thứ mà chúng ta có thể kiểm soát bằng ý chí". Nghiên cứu cho thấy so với việc gặp trực tiếp chuyên gia tư vấn, những biện pháp can thiệp bằng công nghệ đánh giá mức độ tiêu thụ bia rượu của một người chính xác hơn. Điển hình là những thiết bị và công cụ giám sát thức uống có cồn sau đây:

Các ứng dụng điện thoại thông minh

Được giới thiệu trên tạp chí BMJ Innovations mới đây, ứng dụng "The Alcohol Tracker" do các nhà nghiên cứu ở Singapore phát triển cho phép người dùng theo dõi từng ly rượu uống vào và đưa ra cảnh báo nếu họ uống tới ngưỡng khuyến cáo. Đây là ứng dụng Android miễn phí, trong đó có chương trình Alcohol Use Disorders Indentification Test giúp tự kiểm tra mức độ lạm dụng thức uống có cồn. Nhóm phát triển tin tưởng ứng dụng này có thể ngăn chặn hàng triệu trường hợp tử vong do các chứng bệnh liên quan đến bia rượu.

Một ứng dụng khác được chuyên gia Ramo đề xuất là A-CHESS (viết tắt của cụm từ Hệ thống hỗ trợ nâng cao sức khỏe toàn diện). Mỗi ngày A-CHESS sẽ gửi các thông điệp hỗ trợ và mỗi tuần thì đặt câu hỏi để đánh giá sự đấu tranh của bản thân với cơn nghiện rượu. Ngoài ra, ứng dụng này còn sử dụng hệ thống định vị toàn cầu (GPS) để phát cảnh báo nếu các "bợm nhậu" la cà gần quán xá. Nghiên cứu cho thấy sau 1 năm thử nghiệm điều trị chứng nghiện rượu, những người tham gia chương trình cai rượu bằng A-CHESS có nguy cơ tái nghiện thấp hơn 65% so với những người không dùng ứng dụng này.

Ảnh: thefix.com

Các cảm biến sinh học đeo trên người

Theo George Koob, giám đốc Viện nghiên cứu về lạm dụng rượu và nghiện rượu thuộc Viện Y tế Quốc gia (Mỹ), bên cạnh các thiết bị đeo giúp theo dõi bước chân, nhịp tim, thân nhiệt và những dữ liệu sức khỏe khác, các cảm biến sinh học di động đeo trên người sẽ cho chúng ta biết khi nào chúng ta đã uống đủ. Những cảm biến này có thể đeo ở cổ tay, kết nối Bluetooth với điện thoại thông minh và giúp theo dõi nồng độ cồn trong máu theo thời gian thực. "Sự chú ý và cơ chế tự giám sát sẽ giúp các cảm biến sinh học hoạt động hiệu quả" - ông Koob nói.

Máy đo nồng độ cồn bỏ túi

Tương tự máy đo nồng độ cồn của cảnh sát giao thông, những chiếc máy phiên bản tiêu dùng có thể biến điện thoại thông minh của bạn thành máy đo độ cồn cá nhân. Những thiết bị này kết nối với điện thoại qua Bluetooth hoặc khe cắm tai nghe, và người sử dụng có thể tải ứng dụng đi kèm để theo dõi nồng độ cồn trong máu theo thời gian thực.

Khóa liên động với bộ đánh lửa

Loại khóa này được thiết kế nhằm ngăn chặn các bác tài cầm lái sau khi uống rượu. Theo đó, khóa được nối với hệ thống đánh lửa trên ôtô, chỉ khởi động khi tài xế thổi hơi vào thiết bị đo nồng độ cồn và được xác nhận là không say xỉn. Nói cách khác, nếu hệ thống phát hiện nồng độ cồn của bác tài cao hơn ngưỡng quy định, xe sẽ không nổ máy. Theo Trung tâm ngăn ngừa và kiểm soát dịch bệnh (Mỹ), khóa liên động với bộ đánh lửa khi lắp đặt trên xe đã giúp giảm khoảng 70% số lỗi tái phạm do lái xe trong khi say xỉn.

THẢO NGUYÊN (Theo CNN)

Chia sẻ bài viết