Giáo dục đóng vai trò quan trọng đối với trẻ em, đặc biệt là các em có bệnh tự kỷ. Hiện nay, nhiều trường tại Mỹ được công nhận thành công với mô hình giáo dục dành cho trẻ tự kỷ. Điểm chung của các trường là tỷ lệ giáo viên và học sinh cao, chương trình đào tạo linh động, được thiết kế theo kiểu "đo ni đóng giày", kết hợp giữa dạy học với giáo dục các kỹ năng hành vi, ngôn ngữ, xã hội... Sau đây là một số trường và trung tâm tiêu biểu:
1. Học viện dành cho trẻ tự kỷ (AAL) tại Toledo, bang Ohio
AAL thành lập năm 2001 bởi phụ huynh của trẻ tự kỷ nhưng được chính phủ tài trợ, với mô hình giáo dục quanh năm, mục tiêu là thúc đẩy sự tự tin, lòng tin và sự thành công cho các em bị tự kỷ. Mô hình giáo dục của AAL được thiết kế để mang đến cho mỗi học sinh nền tảng thích hợp về các mảng học thuật, kiểm soát hành vi, kỹ năng sống hàng ngày, kỹ năng nghề nghiệp và tính độc lập. Đặc biệt, đội ngũ giáo viên và nhân viên hỗ trợ của trường có sự phối hợp chặt chẽ để tạo ra môi trường thích hợp, linh động thay đổi các hoạt động học tập và dạy nghề cho phù hợp với nhu cầu riêng của từng học sinh.

Giáo dục trẻ tự kỷ cần có sự tập trung và chuyên biệt cho từng đối tượng.
Ảnh: Lovetoknow
Tuy tương đương về số ngày đi học của trẻ em tại các trường truyền thống (học 10 tháng/năm), nhưng học sinh của AAL được phân bố lịch học suốt 12 tháng. Nhiều phương pháp giáo dục được vận dụng linh hoạt, bao gồm hệ thống giao tiếp bằng trao đổi hình ảnh (PECS), huấn luyện chức năng giao tiếp, phân tích hành vi ứng dụng (ABA), huấn luyện kỹ năng xã hội, chương trình đọc hiểu Edmark, công nghệ hỗ trợ, các môn vận động dưới nước, trị liệu chức năng và lời nói (OST) cùng nhiều cơ hội tập huấn hướng nghiệp dựa trên thực tập thực tế và cộng đồng. Những người sáng lập AAL mong muốn ngôi trường này là nơi thúc đẩy cuộc sống chất lượng hơn và sự công nhận về phát triển trí tuệ và kỹ năng xã hội của học sinh bị tự kỷ.
2. Học viện Land Park (LPA) tại Sacramento, California
Ngôi trường tư thục này thành công với chương trình giáo dục dựa trên hoạt động hành vi dành cho học sinh bị tự kỷ, từ 3-22 tuổi. Với tỷ lệ 1,5 giáo viên/học sinh, LPA là nơi chăm sóc và cung cấp dịch vụ toàn diện cho học sinh. Điều tạo nên sự khác biệt ở LPA là các phương pháp để thu hút học sinh tự kỷ hợp tác, thông qua cách tư vấn hành vi của các chuyên gia về tự kỷ, phương pháp OST dựa trên ngữ cảnh thực tế... Các kỹ năng hoạt động theo nhóm và lớp được chú trọng để hỗ trợ cho các em có thể thành công trong môi trường giống như học ở trường công lập.
Giáo viên LPA có kỹ năng và hoạt động theo chương trình giảng dạy được thiết kế riêng biệt cho từng học sinh. Chương trình này dựa trên sự đánh giá về thể chất, những kỹ năng còn thiếu (như cảm xúc - xã hội, giao tiếp trang trọng, kỹ năng học hành...), thái độ, hành vi ảnh hưởng đến việc học và chức năng thích nghi chung của từng em. Nhờ đó, giáo viên có thể can thiệp một cách tích cực vào hành vi ứng xử, tạo môi trường giáo dục ít bị hạn chế nhất cho sự phát triển và tăng cường tối đa khả năng hoạt động độc lập của học sinh, giúp chúng có được cuộc sống chất lượng hơn.
3. Trung tâm Victory tại Florida
Đây là trung tâm phi lợi nhuận dành cho trẻ tự kỷ hoặc các bệnh tương tự từ 3-15 tuổi. Với tỷ lệ 1 giáo viên/học sinh, trung tâm mang đến liệu pháp điều trị toàn diện, chuyên sâu và riêng biệt cho từng học sinh. Dựa trên nguyên lý của ABA, đặc biệt là những vấn đề liên quan đến phân tích hành vi qua lời nói, Trung tâm Victory cung cấp phương pháp giáo dục này chủ yếu kết hợp với chương trình huấn luyện tại nhà của các phụ huynh. Chương trình huấn luyện cường độ cao này còn kết hợp với các hoạt động trong nhóm nhỏ, giúp học sinh thường xuyên có cơ hội tương tác xã hội trong lớp học hoặc ở các khuôn viên vui chơi, sinh hoạt dành cho trẻ sắp tới tuổi đến trường. Nhờ đó, các em dễ dàng hình thành các kỹ năng giao tiếp và xã hội.
Ngoài ra, trung tâm còn có các buổi sinh hoạt, hội thảo huấn luyện kỹ năng chăm sóc và nuôi dạy trẻ em tự kỷ cho các phụ huynh và người giữ trẻ nhằm hỗ trợ công tác giáo dục tại nhà.
4. Học viện Imagine (IA) tại Brooklyn, New York
Trường được thiết kế chuyên biệt để giảng dạy đối tượng từ 5-21 tuổi bị chẩn đoán rối loạn phổ tự kỷ (ASD), rối loạn phát triển lan tỏa (PDD) và hội chứng Asperger (rối loạn phát triển hành vi và ngôn ngữ). Trường áp dụng phương pháp "một giáo viên - một học sinh", vận dụng nhiều hình thức giáo dục mới với chương trình dạy học toàn diện, như ABA, DIR/Floortime (dựa trên sự phát triển, khác biệt cá nhân và mối quan hệ thông qua các hoạt động cùng học, cùng chơi), OST và các trị liệu về thể chất như yoga, điều trị bằng âm nhạc và giáo dục nghệ thuật. Đồng thời, để các em có thể tiếp tục phát triển tại nhà, khóa huấn luyện dành cho cha mẹ và gia đình cũng nằm trong chương trình hàng ngày của IA.
Tuy nhiên, các chuyên gia giáo dục tự kỷ tại Mỹ cho rằng trẻ em tự kỷ cũng không nhất thiết phải vào trường dành riêng cho người bị tự kỷ. Riêng các trường thì cần có những tiêu chí như tỷ lệ giáo viên-học sinh cao (để đảm bảo giáo viên có sự tập trung cho từng học sinh và hỗ trợ khi cần thiết), các dịch vụ trị liệu hỗ trợ (về ngôn ngữ, nghề nghiệp, thể chất, giáo dục đặc biệt...), chương trình giáo dục được cá nhân hóa cho từng học sinh cùng chính sách giáo dục chống bắt nạt và phân biệt đối xử với trẻ tự kỷ. Phụ huynh nên tham khảo ý kiến chuyên gia điều trị và giáo viên để tìm được môi trường giáo dục thích hợp nhất cho các em.
THUẬN HẢI
(Theo Lovetoknow, AAL, LPA, The Victory Center, IA)