29/04/2013 - 20:12

CHUẨN BỊ THI TỐT NGHIỆP THPT NĂM 2013

Các trường “chạy nước rút”

Còn khoảng một tháng nữa, học sinh lớp 12 ở TP Cần Thơ bước vào kỳ thi quan trọng: thi tốt nghiệp THPT năm 2013. Vì thế, hiện nay được xem là giai đoạn "nước rút" mà các trường THPT, học sinh và phụ huynh phải chuẩn bị để ứng thí. Để nâng cao chất lượng kết quả của kỳ thi, đòi hỏi sự phối hợp của bộ ba "nhà trường - học sinh - phụ huynh".

Giờ học ôn tập môn Hóa học của học sinh lớp 12, Trường THPT Nguyễn Việt Dũng (quận Cái Răng). 

Giờ ôn tập môn Toán nâng cao cho học sinh khối 12, Trường THPT Chuyên Lý Tự Trọng, do thầy Đặng Bảo Hòa, Phó Hiệu trưởng nhà trường phụ trách giảng dạy, diễn ra khá nghiêm túc. Theo thầy Hòa, trường thực hiện 2 nhiệm vụ là tập trung giảng dạy ôn thi tốt nghiệp THPT và giảng dạy chương trình nâng cao, để giúp học sinh có thêm kiến thức dự thi đại học. Do mặt bằng trình độ chung của học sinh khá tốt nên việc chuẩn bị thi và ôn tập cho học sinh khá nhẹ nhàng. Ngay từ đầu học kỳ II năm học, trường đã tổ chức tăng thêm 1 tiết dạy/tuần ở 3 môn Văn, Toán, Ngoại ngữ. Khi Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố 6 môn thi tốt nghiệp THPT, trường chỉ đạo cho các tổ bộ môn tăng tiết cho 3 môn còn lại, giúp học sinh chuẩn bị tốt bài vở cho kỳ thi. Trường THPT Chuyên Lý Tự Trọng hiện có 316 học sinh lớp 12 ở khối chuyên và khối không chuyên. Vì thế, tùy vào mức độ học tập của học sinh mà trường có kế hoạch bồi dưỡng, giảng dạy phù hợp. Trường tập trung phụ đạo cho những học sinh có sức học yếu và dạy chương trình nâng cao đối với học sinh khá, giỏi. Những lớp ôn thi tốt nghiệp THPT, trường sắp xếp buổi sáng để giảng dạy và buổi chiều phụ đạo cho học sinh yếu. Trường cố gắng phấn đấu giữ vững tỷ lệ 100% học sinh đậu tốt nghiệp THPT; 1 thủ khoa trường đại học và 15 thủ khoa các ngành đại học trong kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2013.

Trường THPT Bình Thủy cũng đang "chạy nước rút" chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT sắp tới, với 267 học sinh dự thi. Từ đầu năm học 2012-2013, trường có kế hoạch bố trí giảng dạy phù hợp, để kết thúc chương trình các môn học vào cuối tháng 3. Thầy Đinh Quốc Khánh, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Bình Thủy, nói: "Trường chỉ đạo các tổ bộ môn tổ chức giảng dạy phải đúng, đủ chương trình, tuyệt đối không cắt xén chương trình học. Đầu tháng 4, trường tập trung ôn tập 6 môn thi tốt nghiệp, tăng bình quân 2 tiết/ tuần/ môn học. Qua kết quả thi học kỳ I năm học 2012-2013, trường lập danh sách học sinh yếu để có kế hoạch phụ đạo. Giáo viên chủ nhiệm phối hợp với phụ huynh học sinh để tạo điều kiện cho các em học đầy đủ". Để giúp các học sinh thi tốt nghiệp THPT đạt kết quả cao, trường chỉ đạo các tổ bộ môn lập kế hoạch và thực hiện đề cương chi tiết; đề cương này phải được sự góp ý, thống nhất của các thành viên trong tổ bộ môn và tùy theo từng đối tượng học sinh mà có kế hoạch bồi dưỡng phù hợp. Đi đôi với phân công giáo viên dự giờ lẫn nhau để trao đổi, rút kinh nghiệm, Ban Giám hiệu nhà trường còn phân công dự giờ đột xuất, nhằm góp ý những mặt hạn chế, nâng cao chất lượng giờ dạy. Thầy Khánh nói: "Chúng tôi huy động các nguồn lực, kể cả lực lượng Đoàn thanh niên, giám thị để kiểm tra nề nếp sinh hoạt học tập của các em. Đồng thời tăng cường hơn nữa công tác phối hợp với phụ huynh học sinh để động viên, nhắc nhở các em học tốt".

Không riêng gì hai trường trên mà hầu hết các trường THPT từ nội ô đến vùng ven thành phố đều chuẩn bị chu đáo cho kỳ thi ngay từ đầu năm học; ngay cả học sinh, phụ huynh cũng chuẩn bị tâm thế sẵn sàng cho kỳ thi. Bạn Bùi Tấn Tài, học sinh lớp 12B1, Trường THPT Nguyễn Việt Dũng (quận Cái Răng), cho biết: "Em đăng ký dự thi vào ngành Thiết kế của Trường Đại học Kiến trúc TP Hồ Chí Minh (cơ sở ở Cần Thơ) năm 2013. Song, em phải cố gắng ôn luyện để thi đậu tốt nghiệp THPT, mới có cơ hội dự thi đại học; đồng thời không phải phụ lòng công ơn của thầy cô, cha mẹ". Theo thầy Trịnh Nguyễn Thi Bằng, Quyền Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Việt Dũng, ngoài sự chuẩn bị của nhà trường, nỗ lực học tập của học sinh thì phụ huynh cần "tiếp sức", để giúp các em "vượt vũ môn" tốt.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2013, học sinh thuộc hệ giáo dục THPT thi 6 môn: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, Hóa học, Địa lý và Sinh học. Trong đó, các môn: Ngoại ngữ, Hóa học, Sinh học thi theo hình thức trắc nghiệm. Với môn Ngoại ngữ, thí sinh phải thi một trong các thứ tiếng: Tiếng Anh, Tiếng Nga, Tiếng Pháp, Tiếng Trung Quốc, Tiếng Đức, Tiếng Nhật. Đối với hệ giáo dục thường xuyên, các môn: Hóa học, Sinh học, Vật lý sẽ thi theo hình thức trắc nghiệm, còn lại sẽ thi theo tự luận. Các học sinh thi vào các ngày 2, 3 và 4-6-2013.

Nhằm chuẩn bị tốt kiến thức, kỹ năng và tâm lý cho học sinh, trước khi bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2013, lãnh đạo ngành giáo dục thành phố đã có văn bản số 535 về việc tổ chức ôn thi tốt nghiệp, yêu cầu các trường THPT trong thành phố phải hoàn thành chương trình lớp 12 theo đúng kế hoạch; chủ động triển khai công tác chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT. Đồng thời, các trường cần thực hiện các giải pháp hiệu quả tổ chức ôn tập cho học sinh lớp 12 phù hợp với từng trường, từng nhóm đối tượng học sinh để nâng cao chất lượng kỳ thi tốt nghiệp THPT. Trong đó, ngoài việc tổ chức ôn tập cho học sinh, nhà trường và giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn phải thống nhất với học sinh và phụ huynh để sắp xếp thời gian ôn tập hợp lý, đảm bảo sức khỏe, ôn tập có hiệu quả nhưng không gây quá tải cho học sinh.

Rõ ràng, để nâng cao chất lượng, kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay, cần có sự phối hợp chặt chẽ của giáo viên- phụ huynh và học sinh. Giáo viên cần hệ thống hóa kiến thức, ôn tập cho học sinh, giúp các em nắm chắc kiến thức để thi tốt; song quan trọng hơn, mỗi thí sinh phải lập kế hoạch riêng để học đúng, học đủ chương trình và nắm vững kỹ năng làm bài thi. Đồng thời, trong giai đoạn nước rút này, sự quan tâm giám sát, động viên, nhắc nhở của phụ huynh với các em là một yếu tố cần thiết để các sĩ tử có thêm sức mạnh bước vào kỳ thi quan trọng này.

Bài, ảnh: B.Kiên

Chia sẻ bài viết