05/02/2024 - 20:14

Thủ tướng Phạm Minh Chính:

Các tập đoàn, tổng công ty nhà nước phải tái cấu trúc và tập trung cho đầu tư phát triển 

(TTXVN) - Sáng 5-2, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính làm việc với Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp (gọi tắt là Ủy ban) và 19 tập đoàn, tổng công ty trực thuộc Ủy ban về sản xuất, kinh doanh năm 2024 và thúc đẩy đầu tư phát triển kinh tế - xã hội.

Thủ tướng Phạm Minh Chính làm việc với Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và 19 tập đoàn, tổng công ty. Ảnh: Dương Giang-TTXVN

Năm 2023, tổng doanh thu công ty mẹ của 19 tập đoàn, tổng công ty đạt gần 1,135 triệu tỉ đồng, bằng 105,15% kế hoạch năm 2023. Lợi nhuận trước thuế đạt 53.256 tỉ đồng (không tính Tập đoàn Điện lực Việt Nam - EVN), bằng 166,09% kế hoạch năm 2023 và bằng 110,92% so với cùng kỳ năm 2022. Các tập đoàn, tổng công ty nộp ngân sách nhà nước đạt hơn 79.252 tỉ đồng, bằng 199,96% kế hoạch năm 2023 và bằng 120,22% so với cùng kỳ năm 2022. 

Tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá cao kết quả hoạt động của Ủy ban cùng 19 tập đoàn, tổng công ty, góp phần thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong năm 2023. Thủ tướng Chính phủ cũng chỉ rõ những hạn chế, yếu kém và nguyên nhân; đồng thời cho biết yêu cầu, nhiệm vụ của năm 2024 cao hơn năm 2023.

Thủ tướng nhấn mạnh Ủy ban và 19 tập đoàn, tổng công ty phải nắm chắc tình hình và quán triệt, bám sát các kết luận, nghị quyết của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ, cụ thể hóa để triển khai các mục tiêu, nhiệm vụ năm 2024 với chủ đề: "Kỷ cương trách nhiệm, chủ động kịp thời, tăng tốc sáng tạo, hiệu quả bền vững"; các doanh nghiệp nhà nước phải hoạt động theo cơ chế thị trường định hướng Xã hội chủ nghĩa.

Thủ tướng chỉ đạo Ủy ban xây dựng, triển khai chiến lược phát triển của các tập đoàn, tổng công ty, thể hiện rõ hơn vai trò dẫn dắt, tạo động lực, mở đường, thúc đẩy các thành phần kinh tế khác phát triển; đồng thời thường xuyên, kịp thời tổng hợp khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn trong sản xuất, kinh doanh, đầu tư, tái cơ cấu, cổ phần hóa, thoái vốn, sắp xếp lại nhà, đất...; khẩn trương giải quyết những vấn đề thuộc thẩm quyền, kịp thời tham mưu, kiến nghị giải quyết những vấn đề vượt thẩm quyền; hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh, góp phần bảo đảm các cân đối lớn cho nền kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm nguồn thu cho ngân sách nhà nước, giải quyết việc làm cho người lao động. 

Trong đó, Thủ tướng yêu cầu tập trung tháo gỡ khó khăn về mặt pháp lý; cắt giảm các thủ tục hành chính và phát huy tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, nhất là của người đứng đầu. Tập trung cho đầu tư phát triển, có trọng tâm, trọng điểm, tập trung cho 3 đột phá chiến lược của Đảng, Nhà nước là hoàn thiện thể chế, phát triển hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực; làm mới 3 động lực tăng trưởng là đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng; bổ sung các động lực mới là phát triển xanh, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, kinh tế chia sẻ; tái cấu trúc lại các tập đoàn, tổng công ty, trong đó tập trung tái cấu trúc về quản trị, tài chính, nguyên liệu đầu vào và các ngành nghề theo xu hướng phát triển. Tích cực phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm và tư tưởng trông chờ ỷ lại; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người lao động; làm tốt công tác an sinh xã hội.

Các bộ, ngành và Ủy ban phối hợp chặt chẽ, tháo gỡ, giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc liên quan doanh nghiệp. Các Phó Thủ tướng Chính phủ theo lĩnh vực phân công theo dõi, chỉ đạo; Văn phòng Chính phủ, Ủy ban chủ động bám sát tình hình, tham mưu để xử lý kịp thời các vấn đề liên quan. Thủ tướng cũng có những yêu cầu cụ thể với các tập đoàn, nhấn mạnh Ủy ban và các tập đoàn, tổng công ty phải nghiêm túc thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, với mục tiêu hiệu quả kinh doanh, đầu tư, đóng góp ngân sách, làm công tác an sinh xã hội, chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí năm 2024 phải hiệu quả cao hơn năm 2023.

Phạm Tiếp

Chia sẻ bài viết