25/02/2012 - 20:22

Bước lùi mạo hiểm

Serbia và Kosovo, một tỉnh vốn tách ra từ Serbia, đã đạt được một thỏa thuận mà dư luận cho là có thể mở đường giúp Serbia giành lấy quy chế “ứng viên” chính thức để gia nhập Liên minh châu Âu (EU).

Thỏa thuận đạt được sau cuộc đàm phán căng thẳng tại Brussels (Bỉ) hôm 24-2, bao gồm các điều kiện cho phép Kosovo có đại diện tại các hội nghị quốc tế mà không vấp phải sự tẩy chay của Serbia như bấy lâu nay. Thỏa thuận còn đề cập chi tiết cách thức quản lý đường biên giới chung giữa Serbia và Kosovo.

Thỏa thuận nêu rõ từ “Cộng hòa” sẽ không được viết bên cạnh từ “Kosovo” trên bất cứ một văn kiện hay bảng tên nào chỉ sự hiện diện của người Kosovo ở các diễn đàn quốc tế mà Serbia cũng tham dự. Thay vào đó là phần chú thích theo kiểu “nước đôi” trích từ Nghị quyết 1244 của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc- vốn không nói đến quyền độc lập của Kosovo- và phán quyết của Tòa Công lý Quốc tế (ICJ) rằng tuyên bố độc lập của Kosovo năm 2008 là hợp pháp.

Nhiều người hy vọng rằng thỏa thuận về những vấn đề biên giới sẽ kéo giảm tình trạng bạo lực như những vụ xảy ra trong những tháng gần đây khi cộng đồng người Serbia sống ở Bắc Kosovo một mực cự tuyệt quyền lãnh đạo của Pristina - Thủ phủ của Kosovo.

Giới ngoại giao phương Tây cho rằng thỏa thuận sẽ cho Serbia cơ hội khai thông bế tắc trong tiến trình gia nhập “mái nhà chung châu Âu”, khi người đứng đầu chính phủ các nước thành viên EU nhóm họp ở Brussels vào ngày 1-3 tới để quyết định xem liệu Serbia đã hội đủ các điều kiện cần thiết để hưởng quy chế “ứng viên” hay không - bước đệm cho quá trình mà báo New York Times của Mỹ nhận định “có thể phải mất nhiều năm”.

“Thỏa thuận này là một bước đi quan trọng hướng về phía trước”-Cao ủy phụ trách đối ngoại của EU, bà Catherine Ashton, trong tuyên bố chung hôm 24-2, nhận xét. “Nó quan trọng không chỉ cho Serbia và Kosovo, mà còn cho sự ổn định của khu vực và vì vậy cho cả EU”- bà Ashton nói.

Còn Belgrade, thỏa thuận được người Serbia xem là “một sự nhượng bộ không thể tránh được” trên đường gia nhập EU. Bratislav Grubacic, biên tập viên hãng tin VIP và là một nhà bình luận chính trị ở Belgrade, đã nhận định như thế khi đề cập đến sức ép từ EU.

Còn nhớ cách đây không lâu, Đức đã nhất quyết không để EU mời Serbia dự hội nghị của khối diễn ra hồi tháng 12 năm rồi, thời điểm binh sĩ gìn giữ hòa bình của Đức bị người Serbia tấn công ở Bắc Kosovo. Hội nghị khi ấy đã từng định xem xét quy chế ứng viên của Serbia sau khi Belgrade bắt được Tướng Ratko Mladic - nhân vật bị truy nã vì “tội ác chống lại loài người” trong cuộc chiến ở Nam Tư cũ. Tuy nhiên, Đức vẫn phong tỏa đường vào EU của Serbia, cho rằng họ muốn thấy có sự tiến triển hơn trong các cuộc đàm phán giữa Serbia và Kosovo.

Có lẽ vì thế mà sau khi đạt được thỏa thuận với Kosovo hôm 24-2 vừa qua, trưởng nhóm đàm phán của Serbia, ông Borislav Stefanovic đã thốt lên rằng tất cả những đòi hỏi của Hội đồng châu Âu liên quan đến quy chế ứng viên của Serbia giờ đã được đáp ứng.

Thế nhưng, nhà bình luận chính trị Grubacic cho rằng sự hồ hởi của Stefanovic là hơi vội bởi vẫn chưa lường hết những phản ứng ở Serbia về thỏa thuận nói trên. Theo Grubacic, vấn đề Kosovo luôn là “vấn đề nóng” trên chính trường Serbia. Quốc gia này sẽ tổ chức cuộc bầu cử quốc hội vào tháng 5 năm nay và liên minh trung tả cầm quyền coi chuyện giành được quy chế ứng viên EU là có ý nghĩa quan trọng giúp họ duy trì quyền lực. Tuy nhiên, như Grubacic nói: “Vẫn chưa rõ cử tri Serbia coi quy chế ứng viên EU quan trọng đến cỡ nào”. Cho nên, dưới góc nhìn của Grubacic, thỏa thuận vừa qua của chính quyền Serbia với Kosovo là “một bước lùi mạo hiểm”.

NHẬT QUANG

Chia sẻ bài viết