29/11/2009 - 22:07

Bớt quyền để giữ quyền

Vẻ đăm chiêu của Tổng thống Zardari. Ảnh: AFP 

Tổng thống Pakistan Asif Ali Zardari tối 28-11 đã tuyên bố giao quyền kiểm soát kho vũ khí hạt nhân nước này cho Thủ tướng Yousaf Raza Gilani. Ngoài ra, ông còn cho biết sắp tới có thể sẽ từ bỏ quyền giải tán quốc hội và quyền bổ nhiệm các tướng lĩnh chủ chốt.

Dĩ nhiên là không phải vô duyên vô cớ mà ông Zardari lại “hào phóng” như vậy. Uy tín của tổng thống Pakistan hiện ở mức rất thấp do kinh tế khó khăn trong khi các cuộc giao tranh khốc liệt giữa quân đội chính phủ với các tay súng Taliban chưa biết khi nào mới kết thúc. Quan hệ giữa ông với quân đội, thế lực chi phối chính trường nước này, cũng hục hặc. Phe đối lập và quân đội đang gia tăng sức ép đòi ông từ chức, và quyết định trên được ông đưa ra chỉ vài giờ sau khi sắc lệnh ân xá do cựu Tổng thống Pervez Musharraf ban hành cách đây hai năm hết hiệu lực. Sắc lệnh này, có tên gọi chính thức là Sắc lệnh hòa hợp dân tộc, cho phép ông Zardari và vợ là cựu Thủ tướng Benazir Bhutto trở về nước sau thời gian sống lưu vong mà không bị truy tố tội danh tham nhũng (nhiều đồng minh chính trị của ông Zardari cũng được “ăn theo” sắc lệnh này). Nhờ đó mà sau khi bà Bhutto bị ám sát vào cuối năm 2007, ông Zardari lên nắm ghế đồng chủ tịch Đảng Nhân dân Pakistan (PPP) cùng với con trai Bilawal Bhutto Zardari, rồi trở thành tổng thống một năm sau.

Dù sắc lệnh ân xá đã hết hiệu lực, nhưng ông Zardari vẫn còn quyền miễn tố dành cho tổng thống. Do đó, để có thể hạ bệ ông, Tối cao Pháp viện Pakistan (vốn có cảm tình với cựu Thủ tướng Nawaz Sharif, đối thủ đáng gờm nhất của ông Zardari) dự kiến sẽ xem xét tính hợp pháp của việc ông Zardari đảm nhận chức danh tổng thống, viện dẫn rằng sắc lệnh ân xá của cựu Tổng thống Musharraf chưa từng được ký thành luật.

Trước áp lực của phe đối lập và quân đội, ông Zardari cương quyết không từ chức nhưng đành phải ngậm ngùi chấp nhận chuyển bớt một số đặc quyền cho thủ tướng và quốc hội. Nói cách khác, ông đang chơi chiến thuật “bớt quyền để giữ quyền”. Chiêu này từng được người tiền nhiệm Musharraf áp dụng khi thôi chức tham mưu trưởng quân đội hồi tháng 11-2007, nhưng chỉ kéo dài thời gian làm tổng thống thêm 9 tháng. Trước mắt thì ông Zardari không mất mát nhiều như ông Musharraf, bởi không giống như nhiều nước khác, quyền quản lý kho vũ khí hạt nhân ở Pakistan thực chất nằm trong tay quân đội chứ không phải chính quyền dân sự. Mặt khác, ông cũng ít gặp rủi ro khi “buông” bớt quyền lực vì PPP hiện là đảng lớn nhất trong quốc hội.

LÊ DÂN

Chia sẻ bài viết