01/07/2019 - 13:17

Biến đổi khí hậu với cuộc đua vào Nhà Trắng 

Biến đổi khí hậu hiếm khi trở thành đề tài tranh luận trong các cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, nhưng cuộc đua vào Nhà Trắng năm 2020 đang thay đổi điều này. Trái với phe Cộng hòa, tất cả 20 ứng viên tiềm năng của đảng Dân chủ đều khẳng định hành động chống biến đổi khí hậu là chủ đề hàng đầu, trong đó nhiều vị còn vạch ra kế hoạch hẳn hoi.

Ảnh: Vox

► Dùng khí hậu làm “át chủ bài”

Thăm dò gần đây của Viện Chính trị Harvard đối với thanh niên trong độ tuổi 18-29 cho thấy tỷ lệ người muốn Chính phủ Mỹ phải nỗ lực hơn nữa để ngăn chặn biến đổi khí hậu đã tăng 14% so với thăm dò hồi năm 2015. Còn khảo sát hồi cuối tháng 4 của hãng tin CNN cho kết quả có đến 82% cử tri đảng Dân chủ khẳng định một ứng viên Dân chủ ủng hộ hành động quyết liệt để trì hoãn những tác động của biến đổi khí hậu là điều “rất quan trọng”. Xu hướng trên là lý do tại sao tất cả các nhân vật chạy đua giành vé đại diện đảng Dân chủ ra tranh cử tổng thống Mỹ đều tuyên bố biến đổi khí hậu là một trong những ưu tiên của họ.

Jay Inslee- Thống đốc Washington- đã hối thúc Ủy ban Quốc gia đảng Dân chủ (DNC) tổ chức một cuộc tranh luận sơ bộ mà chủ đề chỉ là biến đổi khí hậu. Thậm chí ông còn viết thư gửi Chủ tịch DNC Tom Perez thúc giục đảng này cam đoan “cuộc khủng hoảng khí hậu nằm trong chương trình nghị sự”. Chính khách 68 tuổi lập luận rằng ông có thể hiện thực hóa “Thỏa thuận Xanh Mới” thành chương trình hành động gồm hàng chục đề xuất trong 4 cương lĩnh chính sách khác nhau. Đó là kế hoạch 100% năng lượng sạch, chương trình tạo ra 8 triệu việc làm mới, chiến lược đưa Mỹ trở lại vị thế đầu tàu thế giới về khí hậu và cuối cùng là kế hoạch “Tránh xa nhiên liệu hóa thạch” vừa công bố hôm 24-6. Tất cả sẽ tiêu tốn 9.000 tỉ USD, trong đó một phần ngân sách được trích từ “phí ô nhiễm khí hậu” đánh vào ngành nhiên liệu hóa thạch. Hồi đầu năm nay, Inslee cũng đã ký vào bản cam kết không nhận tiền đóng góp từ lãnh đạo các công ty nhiên liệu hóa thạch.

Trong khi đó, cựu Phó Tổng thống Joe Biden (ảnh) vừa gây ngạc nhiên cho các nhà hoạt động và giới bình luận khi công bố cương lĩnh tranh cử đầu tiên liên quan đến khí hậu. Nội dung văn kiện này có những chi tiết khác xa so với quan điểm trước đây của ông và đề cao “Thỏa thuận Xanh Mới” là “khung chương trình mang tính sống còn”. Được giới thiệu tại Hạ viện vào tháng 2-2019 bởi Hạ nghị sĩ đảng Dân chủ Alexandria Ocasio-Cortez, kế hoạch năng lượng đầy tham vọng này sẽ góp phần chuyển đổi lưới điện của Mỹ sang 100% năng lượng tái tạo vào năm 2030. Ứng viên 76 tuổi nhắm tới mục tiêu giảm lượng phát thải khí nhà kính của xứ cờ hoa xuống mức bằng 0 vào năm 2050. Ông Biden dự báo kế hoạch “Công lý môi trường và cách mạng năng lượng sạch” sẽ cần ngân sách 1.700 tỉ USD trong 10 năm tới và lĩnh vực tư nhân, chính phủ cùng chính quyền địa phương phải đầu tư 3.300 tỉ USD. Đối với khía cạnh “công lý cho môi trường”, vị này muốn Quốc hội đặt ra những quy định bắt buộc các công ty nhiên liệu hóa thạch phải gánh toàn bộ chi phí ô nhiễm khí carbon mà họ thải ra.

Kế hoạch của các ứng viên khác cũng đề cập đến việc Washington cần có trách nhiệm trên trường quốc tế, chẳng hạn tái gia nhập Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu. Năm 2017, Tổng thống thuộc đảng Cộng hòa Donald Trump đã quyết định rút Mỹ ra khỏi thỏa thuận này vì cho rằng nó bất công đối với nền kinh tế lớn nhất thế giới.

► Che đậy nhiều nghiên cứu

Giữa lúc các ứng viên đảng Dân chủ đang tích cực theo đuổi vấn đề biến đổi khí hậu, đảng Cộng hòa lại ngó lơ. Thậm chí, chính quyền ông Trump ngừng thúc đẩy chương trình nghiên cứu về mức nhiệt cao có thể ảnh hưởng đến mùa vụ và đe dọa sức khỏe con người như thế nào. Cụ thể, Nhà Trắng bị cho là “ém” kết quả hàng chục nghiên cứu do chính phủ tài trợ, trong đó có những phát hiện như gạo mất đi các vitamin khi phát triển trong môi trường có nhiều khí carbon, hoặc biến đổi khí hậu có thể làm giảm chất lượng cỏ dành cho gia súc.

Các nhà nghiên cứu cho rằng Nhà Trắng đang tìm cách hạn chế lưu hành những bằng chứng về biến đổi khí hậu và tránh để truyền thông đưa tin, bởi điều này có thể đặt ra những hoài nghi về quan điểm của họ đối với vấn đề biến đổi khí hậu. Trả lời phỏng vấn trong chương trình “Chào buổi sáng nước Anh” hồi đầu tháng 6, ông Trump gây tranh cãi khi nói rằng biến đổi khí hậu xảy ra theo “cả hai cách”.

THANH BÌNH (Theo insideclimatenews, Politico)

Chia sẻ bài viết