Các thảm họa liên quan đến biến đổi khí hậu làm gia tăng nguy cơ xảy ra xung đột vũ trang. Nghiên cứu của nhà khoa học Đức cho thấy gần ¼ các cuộc xung đột ở những quốc gia có sự chia rẽ sắc tộc bắt nguồn từ thời tiết cực đoan.

Biến đổi khí hậu được cho là một trong những nguyên nhân gây ra chiến tranh. Ảnh: Independent
Mỗi cuộc xung đột chắc chắn là kết quả tổng hợp của nhiều yếu tố như nghèo đói, quản lý yếu kém, có lịch sử xung đột và tranh chấp các nguồn tài nguyên. Nay nghiên cứu mới phát hiện rằng thảm họa thiên nhiên có thể châm ngòi cho những căng thẳng xã hội, nhất là ở những quốc gia có tình trạng chia rẽ sắc tộc. Để có được kết luận trên, nhóm nghiên cứu do Tiến sĩ Carl Schleussner thuộc Viện Nghiên cứu Ảnh hưởng Khí hậu Potsdam (PIK- Đức) dẫn đầu đã sử dụng biện pháp thống kê để phân tích dữ liệu về sự bùng nổ xung đột vũ trang và các thảm họa thiên nhiên liên quan đến khí hậu giai đoạn 1980-2010. Nghiên cứu đăng trên tạp chí Viện Hàn lâm khoa học quốc gia Mỹ nhận thấy 23% cuộc xung đột vũ trang ở những quốc gia chia rẽ sắc tộc trên toàn cầu có liên quan đến các thảm họa thời tiết. Theo Giáo sư John Schellnhuber, đồng nghiên cứu và là giám đốc PIK, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu có tác động không cân đối lên các nhóm, các sắc dân, do nơi ở hoặc mức độ nghèo đói. Điều này khiến họ xung đột lẫn nhau. Sự kết hợp giữa biến đổi khí hậu và căng thẳng sắc tộc hình thành nên cái gọi là "hỗn hợp thuốc nổ".
Những nghiên cứu gần đây về hậu quả xã hội do hạn hán kéo dài ở Syria và Somalia chỉ ra rằng các hiện tượng thời tiết này có thể đã "tiếp tay" cho xung đột nổ ra hoặc tiếp diễn ở cả hai quốc gia. Điều tương tự cũng xảy ra ở Afghanistan. "Thảm họa khí hậu không trực tiếp gây ra xung đột, nhưng nó có thể làm tăng nguy cơ xung đột bùng phát ở những hoàn cảnh cụ thể"- ông Schleussner nhận định. Nghiên cứu của Giáo sư Solomon Hsiang tại Đại học California- Berkeley (Mỹ) hồi năm 2011 cũng cho thấy biến đổi khí hậu liên quan đến 20% cuộc nội chiến trên thế giới kể từ năm 1950.
Chuyên gia Schellnhuber cho rằng mối liên hệ khí hậu- xung đột thậm chí còn chặt chẽ hơn trong tương lai. Trong 50 năm tới, 80- 90% thảm họa xảy ra do biến đổi khí hậu. Khi đó, nhiều vùng trên thế giới dễ xảy ra xung đột như Bắc và Trung Phi cũng như Trung Á đặc biệt mong manh trước biến đổi khí hậu. Vì thế, nghiên cứu của Schellnhuber có thể giúp vạch ra các chính sách an ninh trong tương lai đối với tình trạng nóng lên toàn cầu, kéo theo những nguy cơ xung đột và di cư. Nghiên cứu mới cũng có thể được sử dụng để dự báo những nơi nhiều khả năng xảy ra bạo lực trong tương lai, qua đó có biện pháp ngăn chặn.
THANH BÌNH (Theo Guardian, phys.com, Independent)