24/09/2017 - 04:41

Bầu cử ở Đức: Nỗi lo về sự trỗi dậy của phe cực hữu bài ngoại 

Trong nỗ lực cuối cùng nhằm ngăn chặn sự trỗi dậy của các lực lượng theo chủ nghĩa dân túy chống nhập cư, đương kim Thủ tướng Đức Angela Merkel và đối thủ chính Martin Schulz hôm qua đã quay về các căn cứ quê nhà để kêu gọi cử tri tham gia cuộc tổng tuyển cử (diễn ra hôm nay 24-9).

Theo kết quả thăm dò công bố hôm 22-9 của 2 viện nghiên cứu INSA và Enmid, tỷ lệ người có ý kiến ủng hộ đảng Liên minh Dân chủ Thiên Chúa giáo và Liên minh Xã hội Thiên Chúa giáo Bavaria (CDU/CSU) của bà Merkel là từ 34-36%, trong khi đảng Dân chủ Xã hội (SPD) đối lập của ông Schulz nhận được từ 21-22%. Các đảng truyền thống gồm Die Linke nhận được 10-11%, Dân chủ Tự do (FDP) được 9% và đảng Xanh được 8%.

Hai ứng viên đứng đầu của AfD - bà Alice Weidel và ông Alexander Gauland. Ảnh:  Netnebraska.org

Mặc dù Thủ tướng Merkel có khả năng chiến thắng cao do CDU/CSU vẫn tiếp tục duy trì vị thế dẫn đầu điểm số so với đảng về nhì SPD, song hồi chuông báo động dành cho các đảng chính thống Đức là việc kết quả mới nhất cũng chỉ ra sự ủng hộ dành cho đảng “Sự lựa chọn thay thế vì nước Đức” (AfD), với tỷ lệ 11-13%. Điều mà nếu trở thành hiện thực thì AfD sẽ trở thành đảng cực hữu đầu tiên trong hơn nửa thế kỷ vượt qua được yêu cầu là đạt ít nhất 5% tỷ lệ phiếu bầu để chính thức bước vào Quốc hội Đức.

Tờ Guardian nhận định nếu kết quả dự đoán là chính xác, AfD có khả năng giành được từ 60-85 ghế Quốc hội và sẽ trở thành nhóm đối lập lớn nhất trong Quốc hội có tổng cộng 598 ghế của Đức trong trường hợp 2 đảng chính là CDU/CSU và SPD chấp nhận tiếp tục thành lập “đại liên minh” cầm quyền. Và một trong số quyền lợi mà AfD nhận được sẽ là một ghế thành viên có ảnh hưởng trong Ủy ban ngân sách cũng như các vị trí hàng đầu trong tất cả tổ chức chính trị quan trọng, cũng như được đến tham dự các buổi họp mặt của các tổ chức quốc tế với tư cách là đại diện của Bundestag (Quốc hội Đức).

Được thành lập hồi năm 2013 trong suốt cuộc khủng hoảng tại khu vực đồng tiền chung euro (Eurozone), AfD gần như trở thành lực lượng suy yếu vào năm 2015. Song chính một quyết định cùng thời điểm của Thủ tướng Merkel là cho phép hơn 1 triệu dân nhập cư vào Đức đã mang sức mạnh trở lại cho đảng cực hữu, bài ngoại này. Và bất chấp có nhiều bê bối, chính đảng mới 4 tuổi vẫn tiếp tục gia tăng sức mạnh trong thời gian qua.

Mặt khác do khoảng 1/3 số cử tri vẫn chưa đưa ra quyết định sau cùng, một số hãng thăm dò cảnh báo rằng kết quả thật sự dành cho AfD có thể cao hơn con số 13%. Bởi số cử tri chưa đưa ra quyết định ủng hộ đảng này có thể vì không tin tưởng vào các hãng thăm dò, hoặc là những người không muốn tiết lộ quyết định bỏ phiếu hoặc chọn cách nói dối về lá phiếu sau cùng của họ. Thực tế là trước thềm cuộc bầu cử khu vực tại Đức hồi năm ngoái, các viện thăm dò từng đánh giá thấp sự ủng hộ dành cho AfD tại bang Saxony Anhalt khi chỉ đưa ra dự đoán 18%, nhưng tỷ lệ cuối cùng lại là 24%.

Được biết trong suốt 2 tháng tranh cử kéo vừa qua, bà Merkel đã thúc đẩy chương trình nghị sự về sự ổn định và thịnh vượng, còn ông Schulz lại tranh thủ sự ủng hộ của các cử tri với cam kết về một sự bình đẳng xã hội lớn hơn. Trong khi đó, AfD đã làm phân tán sự chú ý của các cử tri Đức. 

ĐÔNG PHONG (Theo Reuters, AFP)

Chia sẻ bài viết