11/02/2009 - 09:09

Bất ổn Madagascar!

Biểu tình chống chính phủ ở Thủ đô Antananarivo.
Ảnh: AP

Ngày 9-2, Bộ trưởng Quốc phòng Madagascar, bà Cecile Manorohanta, đã quyết định từ chức để phản đối việc các lực lượng an ninh chính phủ xả súng vào người biểu tình làm ít nhất 28 người chết và 212 người khác bị thương hồi cuối tuần trước. Điều đó cho thấy sự rạn nứt nghiêm trọng trong nội các của Tổng thống Marc Ravalomanana, trong khi phe đối lập tăng cường sức ép đòi thay đổi chế độ.

Bạo lực bùng phát ở đảo quốc nằm trên Ấn Độ Dương phía Đông châu Phi này xuất phát từ cuộc tranh giành quyền lực giữa Tổng thống Ravalomanana và lãnh đạo phe đối lập Andry Rajoelina, thị trưởng Thủ đô Antananarivo. Sự việc bắt đầu từ ngày 26-1, khi những người ủng hộ ông Rajoelina biểu tình chiếm đài phát thanh và truyền hình quốc gia, nhằm đáp trả việc chính phủ đóng cửa đài truyền thanh và truyền hình của ông Rajoelina. Nguyên do chính phủ đóng cửa đài truyền hình của ông Rajoelina vì đài này phát sóng chương trình phỏng vấn cựu Tổng thống Didier Ratsiraka. Ông Ravalomanana lên nắm quyền năm 2001, sau cuộc bầu cử tranh cãi với ông Ratsiraka. Khi đó, cả hai ông đều tuyên bố chiến thắng dẫn đến việc đất nước có 2 chính phủ và 2 thủ đô. Tuy không chấp nhận thất bại, nhưng đến tháng 6-2002, ông Ratsiraka đã trốn sang Pháp sau 23 năm nắm quyền. Ông Ravalomanana sau đó tiếp tục giành thắng lợi trong cuộc bầu cử năm 2006, dù bị 2 ứng viên đối lập phản đối.

Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon đã cử đặc phái viên Haile Menkerios tới Madagascar để giục hai bên ngồi vào bàn đàm phán. Tuy nhiên, ông Rajoelina cho biết chỉ chấp nhận thương lượng với điều kiện Madagascar tổ chức bầu cử trước thời hạn hoặc thành lập chính phủ chuyển tiếp. Ông Rajoelina tự tuyên bố đảm nhận toàn bộ công việc điều hành đất nước cho tới khi thành lập chính quyền chuyển tiếp. Đáp lại, hồi tuần rồi, Tổng thống Ravalomanana đã cách chức thị trưởng của ông Rajoelina. Như “thêm dầu vào lửa”, cuộc biểu tình do ông Rajoelina phát động biến thành các vụ bạo động và cướp phá, làm gần 100 người chết và hơn 300 người bị thương. Hiện còn hơn 5.000 người tập trung tại Thủ đô Antananarivo biểu tình trong hòa bình, trong khi chính phủ gia hạn lệnh giới nghiêm suốt đêm thêm một tuần nữa.

Các nhà phân tích cho rằng tranh giành quyền lực ở Madagascar là vấn đề không mới, nhưng lần này khác với những lần trước. Các phong trào chống đối trước đây chủ yếu nhằm yêu cầu cải cách dân chủ hoặc phản đối chính sách của chính phủ, còn lần này là sự bùng phát căm giận của người dân, nhất là dân nghèo. Theo Ngân hàng Thế giới (WB), thu nhập bình quân đầu người ở Madagascar chỉ khoảng 320 USD/năm và 2/3 dân số sống với chưa tới 2 USD/ngày, nhưng mới đây, ông Ravalomanana dám “tậu” một chiếc máy bay trị giá tới 60 triệu USD.

N.MINH (Theo AFP, AP, CNN)

Biểu tình chống chính phủ ở Thủ đô Antananarivo. Ảnh: AP

Chia sẻ bài viết