Cuộc tấn công đẫm máu mới đây của tổ chức tự xưng Nhà nước Hồi giáo (IS) ở phía Tây Nam Pakistan một lần nữa làm dấy lên mối đe dọa an ninh đối với sáng kiến “Vành đai, Con đường (BRI)” của Trung Quốc.

Biểu tình tại Pakistan đòi công lý cho những nạn nhân bị IS sát hại. Ảnh: AP
Những kẻ tấn công hôm 3-1 đã bắt cóc 11 công nhân khai thác than ở thị trấn Mach, cách Quetta (thủ phủ tỉnh Balochistan) 48km về phía Ðông. Chúng bịt mắt sau đó rạch cổ họ. Ít lâu sau, nhóm IS tỉnh Khorasan (ISKP) lên tiếng nhận trách nhiệm về vụ tấn công. Chúng thậm chí còn tung lên mạng hình ảnh vụ thảm sát.
Vụ việc trên dẫn đến biểu tình lớn ở Quetta. Những người biểu tình không chịu chôn cất các nạn nhân xấu số nhằm gây áp lực buộc Chính phủ Pakistan phải triển khai các biện pháp đảm bảo an ninh trong tương lai. Cuộc biểu tình chấm dứt hôm 9-1 sau khi chính quyền tỉnh Balochistan đồng ý thành lập ủy ban điều tra.
Vụ tấn công của IS nói trên đã làm “hồi sinh” mối đe dọa an ninh đối với Hành lang Kinh tế Trung Quốc - Pakistan (CPEC) - dự án trị giá 60 tỉ USD thuộc BRI. Trước đó, IS hồi tháng 5-2017 từng bắt cóc rồi xử tử 2 công dân Trung Quốc ở Quetta.
Theo giới chuyên gia, vụ tấn công đã khiến Balochistan không còn an toàn cho các dự án thuộc BRI trong tương lai. “Tình hình đang xấu đi ở Balochistan có khả năng tạo ra nhiều khó khăn hơn cho việc triển khai các dự án thuộc CPEC ở tỉnh này. Vụ tấn công cũng có thể cản trở các sáng kiến tiếp theo để thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Balochistan” - Jeremy Garlick, Phó Giáo sư về quan hệ quốc tế tại Ðại học Kinh tế Prague (Cộng hòa Séc), nhận định.
Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng Bắc Kinh sẽ không trì hoãn các dự án tại Balochistan. Michael Kugelman, Phó Giám đốc Chương trình châu Á tại Trung tâm Wilson (Mỹ) nói rằng Bắc Kinh từ lâu cho thấy khả năng chấp nhận rủi ro lớn khi rót vốn vào những khu vực bất ổn về an ninh, không chỉ ở Pakistan mà còn các khu vực đầy biến động ở châu Phi và Ðông Nam Á.
Bàn tay đối nghịch của Ấn Độ và Trung Quốc?
Trong khi IS nhận trách nhiệm vụ tấn công, giới chức Pakistan vẫn tin rằng Ấn Ðộ đứng đằng sau đạo diễn nhằm gây bất ổn nước này. Thời gian qua, các nhóm ly khai ở Balochistan không ngừng tấn công vào các dự án thuộc BRI. Ðơn cử, lực lượng Quân đội Giải phóng Balochistan (BLA) hồi năm 2018 đã thành lập một đơn vị đặc nhiệm, chuyên thực hiện các cuộc tấn công liều chết nhằm vào lợi ích của Trung Quốc. Aslam Baloch, chỉ huy chủ chốt của BLA còn chủ mưu các cuộc tấn công nhằm vào lãnh sự quán Trung Quốc ở thành phố Karachi, cũng như nhằm vào chuyến xe buýt chở các kỹ sư Trung Quốc ở Balochistan.
Balochistan đến nay đã chứng kiến nhiều vụ ám sát nhằm vào thành viên các nhóm ly khai tại khu vực. Không những vậy, các tay súng ly khai và gia đình họ dù chạy qua Afghanistan lánh nạn, chủ yếu tại tỉnh Kandahar, vẫn thường xuyên bị tấn công. Sanauallah Noorzai, một tộc trưởng tại Kandahar, cho rằng “ngành công nghiệp ám sát” ở tỉnh này nhằm vào các phiến quân Balochistan và gia đình họ có liên quan đến nhiều thành phần như đầu nậu thuốc phiện, Taliban... “Chỉ cần trả tiền thuê sát thủ là có thể giết bất kỳ ai trong vùng”, ông Noorzai bình luận.
Taliban phủ nhận có liên quan đến những vụ ám sát liên tục nhằm vào phiến quân từ Pakistan, nhưng giới phân tích tin rằng Trung Quốc đã thuê họ tiêu diệt các tay súng Balochistan. Nhiều nhà phân tích cho biết Bắc Kinh thiết lập quan hệ với Taliban nhằm mượn bàn tay của lực lượng này triệt hạ các mục tiêu Balochistan, đồng thời cắt đứt mối liên kết giữa Taliban và các nhóm Hồi giáo ly khai tại Tân Cương.
TRÍ VĂN (Theo Nikkei, Asia Times)