Ngày 8-11, Tổng Tham mưu trưởng quân đội Anh David Richards (ảnh) cho biết quân đội Anh sẽ không bắt đầu rút khỏi Afghanistan vào năm tới và tiến trình này cũng không thể diễn ra sớm hơn năm 2012. Không chỉ bác bỏ hoàn toàn khả năng cắt giảm quân số tại Afghanistan năm 2011, ông Richards còn khẳng định sau năm 2015 vẫn còn ít nhất 1.000 binh sĩ Anh ở lại thực hiện nhiệm vụ huấn luyện lực lượng an ninh Afghanistan. Tướng Richards cho rằng “điều tệ hại nhất đối với Anh là phải rút lui trước khi hoàn thành nhiệm vụ”. Anh hiện có 9.500 quân tham gia Lực lượng Hỗ trợ an ninh quốc tế tại Afghanistan (ISAF) do NATO dẫn đầu, nhiều thứ hai sau Mỹ.
Tuyên bố của Tướng Richards trái với phát biểu của Thủ tướng David Cameron hồi tháng 7 rằng quân Anh có thể bắt đầu rút khỏi Afghanistan vào năm 2011 và hoàn tất nhiệm vụ chiến đấu vào năm 2015, năm diễn ra cuộc bầu cử ở Anh. Do vậy, như để tránh gây ra tranh cãi về sự bất nhất này, số 10 phố Downing (phủ Thủ tướng Anh) lập tức ra tuyên bố Thủ tướng Cameron tôn trọng ý kiến của Tướng Richards về vấn đề Afghanistan.
Bên kia bờ Đại Tây Dương, Canada cũng nhiều lần tuyên bố nước này sẽ rút quân vào năm tới vì lo ngại về số binh sĩ thiệt mạng gia tăng hàng ngày ở Afghanistan. Kể từ khi đưa quân ủng hộ Mỹ tấn công Afghanistan năm 2001, khoảng 150 quân Canada đã thiệt mạng và 1.500 binh sĩ bị thương. Canada hiện có khoảng 3.000 quân ở Afghanistan.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Quốc phòng Canada Peter MacKay tuyên bố hôm 7-11 rằng nước này đang xem xét đề nghị của Mỹ tiếp tục giữ quân ở lại Afghanistan sau năm 2011. Khoảng 900-950 binh sĩ Canada sẽ ở lại Afghanistan cho tới muộn nhất là năm 2014 trong vai trò huấn luyện sau khi nhiệm vụ chiến đấu kết thúc năm 2011. Sự thay đổi quan điểm của chính quyền Thủ tướng Stephen Harper được các nhà phân tích cho là nhằm “xoa dịu” đảng Tự do đối lập, vốn đang giục chính phủ giữ cam kết về vai trò của quân đội Canada (huấn luyện và không tham gia chiến đấu), khi hạn chót rút quân năm 2011 sắp đến gần.
Anh và Canada là hai nước ủng hộ Mỹ nhiệt tình trong cuộc chiến ở Afghanistan, nhưng vì sức ép trong nước phải đưa ra kế hoạch rút quân. Nay cũng vì những vấn đề nội bộ khác nhau mà các nhà lãnh đạo hai nước này buộc phải “nói lại”, bất kể điều tiếng là trước sau và trên dưới bất nhất.
N. KIỆT
(Theo Telegraph, UKPA, Reuters và TTXVN)