01/10/2012 - 21:34

Syrie

Bạo lực leo thang khiến các nhà tư bản công nghiệp điêu đứng

Bạo lực đã phá hủy hàng trăm cửa hiệu tại khu chợ di sản văn hóa thế giới ở Aleppo.
Ảnh: joshualandis
 

Hôm 30-9, các nhà hoạt động tại Syrie cho biết, giao tranh tại thành phố phía Bắc Aleppo giữa quân đội chính phủ và phe nổi dậy vẫn diễn ra ác liệt.

Trước đó một ngày, hỏa lực trong cuộc chiến giữa hai bên đã xé toạc thành phố Aleppo với ngôi chợ xưa tồn tại qua nhiều thế kỷ. Giao tranh đã phá hủy trung tâm di tích của thành phố và là di sản văn hóa thế giới của Syrie được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hiệp Quốc (UNESCO) công nhận.

Bên cạnh thương vong về người và của, bạo lực leo thang ở Syrie cũng đang quyết định sự sinh tồn của các doanh nghiệp, nhà tư bản công nghiệp tại đây. Tình cảnh ngày càng xấu đã buộc các nhà tư bản công nghiệp trên khắp đất nước Trung Đông này lên tiếng cầu cứu chính phủ phải có biện pháp can thiệp tích cực cũng như bảo vệ các cơ sở, xí nghiệp của họ nếu không họ sẽ phải phá sản.

Lời kêu gọi được đưa ra khi nhiều cửa hiệu tại khu chợ xưa ở Aleppo bị phá hủy trong cuộc giao tranh gần đây. Chủ tịch Phòng Công nghiệp Syrie tại Aleppo Fares al-Shihabi đã chỉ trích cái mà ông gọi là "sự thiếu quan tâm" từ chính phủ trước yêu cầu bảo vệ các khu vực công nghiệp của các doanh nghiệp nhằm chống lại "các cuộc chiến vũ trang diễn ra hàng ngày". Hầu hết các nhà tư bản công nghiệp và nhà đầu tư tại đây đều than phiền họ không có sự lựa chọn nào khác ngoài việc tạm thời đóng cửa các cơ sở kinh doanh, đồng thời cho các công nhân nghỉ việc do xung đột dữ dội.

Trong khi đó, Rami Martini, người đứng đầu Phòng Du lịch tại Aleppo cũng lên tiếng cảnh báo nguy cơ mất an toàn có thể tác động xấu đến lãnh vực du lịch và tất cả các cơ sở doanh nghiệp tại thành phố này đều đang "nằm dưới làn đạn".

Tình hình ở Thủ đô Damas cũng không mấy sáng sủa gì. Cách đây vài ngày, Văn phòng Công nghiệp tại đây đã đệ trình bản ghi nhớ lên Phó Thủ tướng Qadri Jamil, phụ trách các vấn đề kinh tế, với cảnh báo kịch liệt nếu những yêu cầu của các doanh nghiệp không được đáp ứng, họ sẽ bị phá sản.

Bản ghi nhớ thúc giục chính phủ xem xét yêu cầu gây sức ép buộc các ngân hàng Hồi giáo và tư nhân dành cho các doanh nhân Syrie khoảng thời gian không ít hơn 6 tháng và xác định lại thời gian biểu trả nợ cũng như trợ cấp cho các thương nhân, nhà tư bản công nghiệp và các cá nhân.

THANH BÌNH (Theo Xinhua, AP)

Chia sẻ bài viết