03/01/2014 - 08:50

Báo hiệu một năm bất an nữa tại Iraq

Các tay súng ăn mừng sau khi chiếm đồn cảnh sát, phóng thích tù binh tại Fallujah hôm 1-1. Ảnh: Reuters

2013 đã trở thành "năm chết chóc" nhất ở Iraq trong vòng 5 năm qua, và có nhiều dấu hiệu cho thấy năm mới 2014 có thể còn tồi tệ hơn.

Liên Hiệp Quốc (LHQ) cho biết có 7.818 thường dân Iraq thiệt mạng trong năm 2013, cao hơn đáng kể so với 4 năm trước đó. "Đây là một kỷ lục buồn và khủng khiếp - điều khẳng định một lần nữa yêu cầu khẩn cấp đối với chính quyền Iraq là giải quyết tận gốc tình trạng bạo lực để kiềm chế vòng địa ngục này" - ông Nickolay Mladenov, đặc phái viên LHQ, phát biểu.

Trong khi đó, Nhóm đếm xác Iraq (IBC) ghi nhận có 9.475 thường dân thiệt mạng tại Iraq trong năm ngoái. Tổ chức nhân quyền có trụ sở đặt tại Anh này thậm chí còn dự đoán rằng năm mới 2014 có thể sẽ là năm đẫm máu hơn cả năm 2013.

Theo các chuyên gia, có nhiều nguyên nhân làm bùng phát tình trạng bạo lực tại Iraq. Trong đó, đáng chú ý là cuộc trấn áp của chính phủ do người Hồi giáo dòng Shiite đứng đầu vào một trại biểu tình của người Hồi giáo dòng Sunni ở gần thị trấn Hawijiah hồi tháng 4-2013, khiến 49 người mất mạng. Chính những vụ giết người như thế đã làm phát sinh làn sóng tấn công trả thù người Shiite ở Thủ đô Baghdad và trên khắp quốc gia Hồi giáo này.

Mới hôm 1-1, các tay súng Hồi giáo dòng Sunni đã tấn công vào đồn cảnh sát chính ở thành phố Fallujah, tỉnh Anbar, ra lệnh cho các nhân viên rời khỏi trụ sở trước khi tấn công vào kho vũ khí rồi giải thoát cho 101 tù nhân. Các đồn cảnh sát khác tại Fallujah cũng đã bị phiến quân tấn công, trong khi hầu hết cảnh sát thành phố sợ hãi từ bỏ vị trí canh gác.

Trước đó, vụ đụng độ đẫm máu giữa lực lượng an ninh Iraq và quân nổi dậy diễn ra suốt hai ngày cuối năm 2013 tại thành phố Ramadi (cũng thuộc tỉnh Anbar) làm ít nhất 14 người thiệt mạng và tình trạng bạo lực vẫn đang tiếp diễn. Các tay súng đã đốt cháy 4 đồn cảnh sát và 2 xe quân đội tại đây.

Thủ tướng Iraq Nuri al-Maliki hôm 2-1 đã buộc phải hủy bỏ lệnh rút quân đội ra khỏi các thành phố thuộc tỉnh Anbar, đồng thời ra lệnh điều quân chi viện tới đây để giải quyết các cuộc tấn công của phiến quân. Được biết, rút quân ra khỏi Anbar và phóng thích ông Ahmed al-Alwani (một nghị sĩ nổi tiếng của người Sunni bị bắt với cáo buộc khủng bố) là yêu cầu của 44 nghị sĩ thuộc phái Sunni trong đơn từ nhiệm hôm 30-12-2013.

Mặt khác, làn sóng bạo lực tại Iraq có sự châm ngòi của nhóm phiến quân dòng Sunni có liên hệ với Al-Qaeda có tên gọi "Nhà nước Hồi giáo ở Iraq và Trung Đông". Theo báo Anh Guardian, nhóm này hoạt động mạnh ở các tỉnh phía Tây và Bắc Iraq, được tin là thế lực đứng đằng sau chiến dịch "hiệp đồng đánh bom" nhằm vào cộng đồng người Shiite trên khắp Iraq.

NGUYỆT CÁT (Theo Guardian, AFP)

 

Chia sẻ bài viết