04/02/2008 - 22:28

Báo động tình trạng học sinh THPT bỏ học

Thời gian qua, tại một số Trường THPT trên địa bàn TP Cần Thơ - nhất là những trường thuộc vùng khó khăn, vùng ven - tình trạng học sinh bỏ học ngày càng tăng, vượt qui định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Đây đang là nỗi lo chung của nhiều giáo viên, cán bộ quản lý. Nguyên nhân khách quan, chủ quan đã được phân tích khá cặn kẽ nhưng để khắc phục xem ra vẫn còn trầy trật...

Kết thúc năm học 2006-2007, Trường THPT Hà Huy Giáp, huyện Cờ Đỏ, có 59 học sinh bỏ học trong tổng số 1.077 học sinh, tỷ lệ bỏ học là 5,48%. Tỷ lệ này vượt 2,48% so với chỉ tiêu “khống chế tỷ lệ học sinh bỏ học” do Bộ Giáo dục và Đào tạo giao đối với bậc THPT là từ 3% trở xuống. Thầy Nguyễn Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Hà Huy Giáp, cho biết: “Năm học 2006-2007, Trường THPT Hà Huy Giáp đạt và vượt hầu hết các chỉ tiêu được giao. Kết quả thi tốt nghiệp THPT, trường đứng thứ 3 toàn thành phố, chỉ sau Trường THPT Châu Văn Liêm và Trường THPT Chuyên Lý Tự Trọng. Tuy nhiên, do tỷ lệ học sinh bỏ học cao hơn qui định nên trường không đạt được danh hiệu thi đua nào”.

Cách Trường THPT Hà Huy Giáp gần 20 km là Trường THPT Trung An, huyện Thốt Nốt. Năm học vừa qua, trường có 55 học sinh THPT nghỉ học, chiếm gần 3% tổng số học sinh toàn trường. Tuy nhiên, số học sinh kém, sau khi thi lại không đạt, phần lớn bỏ học, đã nâng tỷ lệ học sinh bỏ học lên khoảng 5%. Tuy nằm trên địa bàn có truyền thống hiếu học nhưng trong học kỳ 1, năm học 2007-2008, Trường THPT Thạnh An cũng có đến 30 học sinh THPT bỏ học trong tổng số 1.906 học sinh. Đây là số lượng học sinh bỏ học nhiều so với cùng kỳ các năm học trước.

Trường THPT Trung An luôn cố gắng duy trì sĩ số  các lớp học đến cuối năm học. 

Ở các trường ngoài công lập, tỷ lệ học sinh bỏ học tăng đến mức báo động. Năm học vừa qua, trên 11% học sinh Trường THPT Bán công Thốt Nốt, tức trên 100 học sinh của trường, bỏ học. Bước sang năm học 2007-2008, chỉ mới hơn 2 tháng đầu năm học, trường tiếp tục có thêm 20 học sinh bỏ học. Ở Trường THPT Bán công Nguyễn Việt Dũng, quận Ninh Kiều, chỉ trong học kỳ 1 năm học 2007-2008, trong tổng số 1.369 học sinh của trường, đã có 37 học sinh xin nghỉ học.

Theo ông Nguyễn Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Hà Huy Giáp, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng tỷ lệ học sinh bỏ học tăng. Ông Phú phân tích: “Chẳng hạn, toàn cụm thị trấn Cờ Đỏ chỉ có 1 trường THPT là Trường THPT Hà Huy Giáp. Không có trường bán công, trường nghề..., không thể thực hiện phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS, kết quả là học sinh cứ dồn vào Trường THPT Hà Huy Giáp, chất lượng đầu vào thấp. Học yếu, mất căn bản nên khi vào học lớp 10, học sinh không theo kịp chương trình, đành bỏ học”. Tình trạng này cũng xảy ra tại Trường THPT Trung An và một số trường vùng ven, vùng khó khăn khác.

Ngoài nguyên nhân học lực yếu, không ít học sinh còn bỏ học do hoàn cảnh gia đình khó khăn, nhà xa trường trong khi nhiều tuyến giao thông nông thôn chưa đi lại được bằng xe đạp, phải đi bộ. Thêm vào đó là nhận thức về việc học tập của phụ huynh, học sinh chưa cao. Ông Đoàn Tiến Nghĩa, Hiệu trưởng Trường THPT Trung An, nói: “Có những nơi cả xóm không có ai thành đạt bằng con đường học vấn nên không có người làm gương để các học sinh khác phấn đấu. Thay vào đó là tình trạng khan hiếm nhân công vào mùa thu hoạch nên các em nghỉ một vài ngày cùng gia đình đi làm kiếm tiền, sau đó thì nghỉ luôn”. Nói về vấn đề này, ông Nguyễn Thanh Phú bộc bạch: “Một số phụ huynh, học sinh do cái lợi trước mắt mà chưa nghĩ đến tương lai con em sau này nên cứ cho các em nghỉ học, đi làm kiếm tiền”.

Tuy chưa có con số thống kê đầy đủ, nhưng thực trạng tỷ lệ học sinh bỏ học ngày càng tăng sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tình hình phổ cập giáo dục bậc trung học của TP Cần Thơ trong thời gian tới. Ông Đoàn Tiến Nghĩa lo lắng: “Hiện nay, tỷ lệ thanh niên trong độ tuổi 18- 21 tuổi tốt nghiệp THPT của địa phương là 36,4%. Trong khi đó, để đạt chuẩn phổ cập giáo dục bậc trung học, tỷ lệ này là 75% và thời gian qui định để Thốt Nốt đạt chuẩn là năm 2009”.

* * *

Trước tình hình học sinh bỏ học ngày càng nhiều, các trường THPT tăng cường các biện pháp hỗ trợ, giúp đỡ các em. Ông Nguyễn Thanh Phú cho biết: “Để giảm tỷ lệ học sinh bỏ học, ngay từ đầu năm, trường yêu cầu giáo viên chủ nhiệm, giám thị tăng cường khảo sát, nắm tình hình học sinh. Học sinh nào học yếu, trường sẽ tổ chức phụ đạo cho các em; đối với học sinh nghèo, trường kết hợp cùng ban thường trực hội phụ huynh hỗ trợ cơm trưa cho các em ở lại học, khi các em có yêu cầu...”.

Trường THPT Trung An cũng thực hiện nhiều biện pháp hỗ trợ học sinh nghèo, học sinh yếu... nhằm giảm bớt tình trạng học sinh bỏ học. Theo ông Đoàn Tiến Nghĩa, ngoài phụ đạo cho học sinh yếu, trường còn khuyến khích, hỗ trợ các em học tổ, học nhóm... Các tổ chức Đoàn, Đội tổ chức câu lạc bộ hỗ trợ việc học tập cho học sinh. Bên cạnh thường xuyên quan tâm động viên, tặng quà đầu vào năm học và dịp Tết, trường còn vận động giáo viên, học sinh, các mạnh thường quân đóng góp mua xe đạp tặng những học sinh nhà xa, có hoàn cảnh khó khăn...

Kết thúc học kỳ 1 năm học 2007-2008, Trường THPT Trung An có 7 học sinh bỏ học; Trường THPT Hà Huy Giáp có 12 học sinh bỏ học. Tuy tỷ lệ học sinh bỏ học ở 2 trường có giảm so với cùng kỳ năm trước, nhưng hầu hết cán bộ quản lý đều lo lắng, trăn trở bởi “mùa” mà học sinh nghỉ học nhiều nhất là sau Tết Nguyên đán. Thời điểm này, ở các huyện vùng ven là mùa thu hoạch rộ vụ đông - xuân, thiếu nhân công nên học sinh thường ở nhà phụ giúp gia đình. Sau một thời gian nghỉ học, khi đi học lại, các em sẽ không theo kịp chương trình nên thường chán nản và lại tiếp tục bỏ học...

* * *

Trong tiến trình xây dựng, phát triển thành phố, chất lượng nguồn nhân lực là một trong những vấn đề quan trọng hàng đầu. Số lượng học sinh THPT bỏ học ngày càng nhiều sẽ ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nhân lực. Thực trạng trên đòi hỏi ngành giáo dục, các ban, ngành chính quyền, đoàn thể các địa phương cần tiếp tục có những giải pháp chủ động và quyết liệt hơn... để hạ thấp tỷ lệ học sinh bỏ học.

Bài, ảnh: HÀ THANH

Chia sẻ bài viết