04/03/2021 - 08:53

Bảo đảm phúc lợi văn hóa của nhân dân trong quá trình hội nhập quốc tế và phát triển bền vững đất nước 

“Phúc lợi văn hóa” là một nguyên tắc vận hành có sẵn trong nền tảng văn hóa dân tộc Việt Nam, một luận điểm lý luận quan trọng trong đường lối văn hóa của Đảng ta và trong tư tưởng Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, vấn đề này vẫn cần được tìm hiểu thấu đáo cả về phương diện lý luận và thực tiễn, đặc biệt cần được đặt đúng tầm hơn nữa trong chiến lược và chính sách phát triển, nhất là trong chính sách an sinh xã hội và chính sách phát triển văn hóa - con người gắn với quá trình hội nhập quốc tế và phát triển bền vững đất nước.

Một số quan điểm lý luận và kinh nghiệm lịch sử

“Phúc lợi” hiểu theo nghĩa chung nhất, là các nỗ lực giúp đỡ, hỗ trợ, cung ứng của nhà nước dành cho con người trong xã hội của quốc gia đó, bao gồm cả công dân của quốc gia đó và những người khác đang sinh sống trên lãnh thổ của đất nước đó. “Phúc lợi” thường được hiểu là sự bảo đảm các nhu cầu thiết yếu, dân sinh của con người, như ăn, mặc, ở và một số dịch vụ xã hội thiết yếu, như chăm sóc sức khỏe, giáo dục, dạy nghề,... ở mức độ tối thiểu. Theo cách đó, “phúc lợi” thường được hiểu với nghĩa tương ứng với “phúc lợi xã hội”, tức là sự phân phối ngoài lao động nhằm bảo đảm nhu cầu thiết yếu, cơ bản về vật chất và tinh thần của con người.

Văn hóa, dù định nghĩa theo cách nào đi nữa, cũng đều phải thừa nhận rằng: văn hóa là sản phẩm sáng tạo của con người nhằm đáp ứng các nhu cầu có tính chất lịch sử của đời sống con người. Trên nền tảng nhận thức như vậy, giới nghiên cứu chủ yếu tiếp cận phúc lợi văn hóa từ cách tiếp cận nhân học văn hóa và cách tiếp cận sản xuất nghệ thuật. Cách tiếp cận thứ nhất nhấn mạnh đến các thành tố hợp phần của văn hóa dễ được chia sẻ trong cộng đồng, như thái độ, đức tin, phong tục, truyền thống, giá trị, trải nghiệm... Còn cách tiếp cận thứ hai nhấn mạnh đến những vật phẩm văn hóa, những tổ chức và những ngành công nghiệp văn hóa(1).

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng dâng hương tại điện Kính Thiên và trồng cây lưu niệm tại Khu Di tích Hoàng Thành Thăng Long _Ảnh: TTXVN

Trong văn hóa truyền thống Việt Nam, cha ông ta đã hiển nhiên thừa nhận hưởng thụ văn hóa là một nhu cầu tự thân, tất yếu của con người. Thứ nhất, sự hiện diện phổ biến của những sinh hoạt văn hóa cộng đồng vô cùng đa dạng và phong phú cho thấy nhu cầu thụ hưởng văn hóa rất cao, rất đa dạng của dân tộc ta và nhu cầu đó đã được thừa nhận như một tất yếu của đời sống cộng đồng. Thứ hai, cha ông ta từ ngàn xưa đã lưu tâm đến việc tổ chức các sinh hoạt văn hóa, nghệ thuật, tâm linh vô cùng phong phú để đáp ứng nhu cầu của cộng đồng, của toàn thể người dân, không phân biệt giàu nghèo, trai gái, già trẻ, thậm chí không phân biệt người lạ, người quen. Ngay cả những sinh hoạt văn hóa dưới hình thức nghi lễ hiến tế thần linh cũng hướng tới việc thỏa mãn nhu cầu thụ hưởng văn hóa của người dân.

Có thể coi đại chúng, cởi mở và nhân văn chính là nguyên tắc, là triết lý về phúc lợi văn hóa của dân tộc Việt Nam được gửi gắm trong các lễ hội và các hình thức sinh hoạt văn hóa cộng đồng khác. Nhờ có triết lý này mà những hình thức sinh hoạt văn hóa đó có sức sống mãnh liệt, trường tồn cùng dân tộc Việt Nam, cho dù trải qua nhiều cú “sốc”, nhiều sức ép, va đập và những chuyển biến thì cái triết lý, cái hồn cốt đó vẫn không biến đổi.

Trong lịch sử Việt Nam, có ba thời kỳ đất nước bị xâm lược và đô hộ bởi các thế lực ngoại bang, đó là thời kỳ Bắc thuộc (khoảng 208 TCN - 938), thời kỳ Minh thuộc (1407 - 1427) và thời kỳ Pháp thuộc (1884 - 1945). Trong hai lần trước, các thế lực ngoại bang phương Bắc luôn tìm cách tận diệt văn hóa Việt bằng nhiều thủ đoạn khác nhau, thậm chí thấy bia phải đục phá, thấy sách phải đốt bỏ, bắt hết người tài, cưỡng chế dân Việt thay đổi phong tục để đồng hóa, nhưng cuối cùng, ảnh hưởng văn hóa mà họ áp đặt cũng chỉ có tác động bề mặt, dân tộc Việt Nam không chỉ giữ gìn được bản thể văn hóa Việt mà còn biết lựa chọn cái phù hợp, cái hay của ngoại bang để tiếp thu và củng cố thêm bản thể văn hóa của chính mình.

Đến thời Pháp thuộc, nhân danh thực hiện sứ mệnh “khai hóa văn minh”, người Pháp ra sức thực hiện các chính sách thực dân văn hóa, mục đích tạo ra một môi trường văn hóa lai căng, mất gốc ở các xứ thuộc địa. Tuy nhiên, nằm ngoài toan tính của thực dân Pháp, một quá trình giao lưu, tiếp biến văn hóa liên tục và sâu sắc đã diễn ra với một hệ quả “kép”: một mặt, dân tộc Việt Nam vẫn bảo lưu được những truyền thống văn hóa tốt đẹp, nhưng gạn lọc, loại bỏ dần các thói hư, tật xấu, các hủ tục; mặt khác, chủ động tiếp thu có chọn lọc các thành tựu văn hóa, văn minh phương Tây để cải biến nhiều sinh hoạt văn hóa truyền thống (tuồng, chèo, đờn ca tài tử) và sáng tạo ra nhiều loại hình văn hóa - nghệ thuật mới (thi ca mới, văn chương mới, kịch nói, điện ảnh, nhiếp ảnh, hội họa...), qua đó kiến tạo nền tảng cho một nền văn hóa Việt Nam hiện đại, nhằm đáp ứng yêu cầu hưởng thụ của nhân dân Việt Nam.

Đại chúng, cởi mở và nhân văn là nguyên tắc, triết lý về phúc lợi văn hóa của dân tộc Việt Nam được gửi gắm trong các lễ hội và các hình thức sinh hoạt văn hóa cộng đồng (Trong ảnh: Bảo tồn, phát huy Di sản văn hóa phi vật thể Dân ca Quan họ Bắc Ninh) _Ảnh: Tư liệu

Từ năm 1943, Đảng Cộng sản Việt Nam đã đưa ra Đề cương Văn hóa Việt Nam, trong đó khẳng định ba nguyên tắc của nền văn hóa Việt Nam là: “a) Dân tộc hóa (chống mọi ảnh hưởng nô dịch và thuộc địa, khiến cho văn hóa Việt Nam phát triển độc lập); b) Đại chúng hóa (chống mọi chủ trương hành động làm cho văn hóa phản lại đông đảo quần chúng hoặc xa đông đảo quần chúng); c) Khoa học hóa (chống lại tất cả những cái gì làm cho văn hóa trái khoa học, phản tiến bộ)”(2). Ba nguyên tắc gắn bó mật thiết với nhau, trong đó, đáng chú ý là nguyên tắc thứ hai - nguyên tắc “đại chúng hóa”, đã chỉ ra chủ nhân của nền văn hóa mới phải là toàn thể dân tộc Việt Nam, và văn hóa phải hướng tới phục vụ, đáp ứng các yêu cầu thụ hưởng văn hóa của “đại chúng”, của toàn thể nhân dân Việt Nam.

Cũng trong thời gian này, lãnh tụ Hồ Chí Minh đã nêu quan điểm về văn hóa: “Vì lẽ sinh tồn cũng như mục đích của cuộc sống, loài người mới sáng tạo và phát minh ra ngôn ngữ, chữ viết, đạo đức, pháp luật, khoa học, tôn giáo, văn học, nghệ thuật, những công cụ cho sinh hoạt hằng ngày về mặc, ăn, ở và các phương thức sử dụng. Toàn bộ những sáng tạo và phát minh đó tức là văn hóa. Văn hóa là sự tổng hợp của mọi phương thức sinh hoạt cùng với biểu hiện của nó mà loài người đã sản sinh ra nhằm thích ứng những nhu cầu đời sống và đòi hỏi của sự sinh tồn”(3). Nhiều người xem đây là định nghĩa của Hồ Chí Minh về văn hóa. Như vậy, văn hóa không nằm ngoài cuộc sống con người và cũng nhằm thỏa mãn các yêu cầu của cuộc sống con người.

Hồ Chí Minh còn chỉ ra: “Năm điểm lớn xây dựng nền văn hóa dân tộc”, trong đó, điểm thứ ba nêu: “3. Xây dựng xã hội: mọi sự nghiệp có liên quan đến phúc lợi của nhân dân trong xã hội”(4), tức là, phải coi phúc lợi văn hóa của người dân là điểm căn cốt của mọi “sự nghiệp lớn”. Đây chính là những luận điểm lý luận quan trọng nhất để Đảng và Nhà nước ta xây dựng chiến lược, chính sách phát triển văn hóa nói chung và phát triển phúc lợi văn hóa nói riêng.

Thật kỳ diệu, tư tưởng Hồ Chí Minh đề xướng ra từ năm 1943 lại bao chứa cả hai cách tiếp cận chính của giới nghiên cứu trên thế giới ngày nay về phúc lợi văn hóa (cách tiếp cận nhân học văn hóa và cách tiếp cận sản xuất nghệ thuật).

Phúc lợi văn hóa nhìn từ thực tiễn Việt Nam trong bối cảnh nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và toàn cầu hóa

Năm 1437, tròn 10 năm sau đại thắng của Khởi nghĩa Lam Sơn đưa đất nước ra khỏi ách chiếm đóng của nhà Minh, Vua Lê Thái Tông sai quan Hành khiển Nguyễn Trãi và một số quan khác soạn ra nhạc khí, dạy tập nhạc vũ. Sau khi làm ra khánh đá, Nguyễn Trãi tâu lên nhà vua thời loạn dùng võ, thời bình chuộng văn, nay là lúc nên làm lễ nhạc. Song không có gốc thì không thể đứng vững, không có văn thì không thể lưu hành. Hòa bình là gốc của nhạc, thanh âm là văn của nhạc.

Đây là tư duy có tầm vóc xuyên thời đại, vượt thời gian của Nguyễn Trãi. Văn hóa nói chung và nghệ thuật nói riêng phải lấy hạnh phúc của người dân làm gốc. Vật phẩm văn hóa, tác phẩm nghệ thuật dù có cao siêu, hay ho đến mấy, nhưng không gắn với buồn vui, sướng khổ của nhân dân và không được nhân dân cảm thụ thì “không thể đứng vững” và “không thể lưu hành”. Một lần nữa, chúng ta lại thấy minh triết Việt Nam về văn hóa và phúc lợi văn hóa tỏa rạng trong tư duy nhân nghĩa, nhân văn của Ức Trai tiên sinh.

Ngày 2-9-1945, đọc bản Tuyên ngôn độc lập trước quốc dân đồng bào, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trang trọng dẫn lại những “lời nói bất hủ” trong Tuyên ngôn độc lập năm 1776 của nước Mỹ, trong đó nhấn mạnh quyền bình đẳng, “quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”(5).

Chỉ hơn một tháng sau, trong bức thư gửi ủy ban nhân dân các kỳ, tỉnh, huyện và làng, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì”(6). Người còn đặt ra nguyên tắc chính trị cho chính quyền cách mạng: “Việc gì lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân, ta phải hết sức tránh”(7).

Thêm một lần nữa, triết lý Việt Nam về văn hóa và phúc lợi văn hóa lại bừng lên trong tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đó là đặt việc dân được “hưởng hạnh phúc tự do” lên trên tất thảy, kể cả nền độc lập của dân tộc.

Tư tưởng này, triết lý này tiếp tục được thể hiện rất rõ trong đường lối văn hóa của Đảng và pháp luật của Nhà nước ta. Nghị quyết số 33-NQ/TW, ngày 9-6-2014, của Hội nghị Trung ương khóa XI, “Về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” đã khẳng định rõ quan điểm “Phát triển văn hóa vì sự hoàn thiện nhân cách con người và xây dựng con người để phát triển văn hóa”. Đồng thời, Nghị quyết cũng xác định mục tiêu của chiến lược và chính sách văn hóa là: “Xây dựng thị trường văn hóa lành mạnh, đẩy mạnh phát triển công nghiệp văn hóa, tăng cường quảng bá văn hóa Việt Nam; từng bước thu hẹp khoảng cách về hưởng thụ văn hóa giữa thành thị và nông thôn, giữa các vùng, miền và các giai tầng xã hội. Ngăn chặn và đẩy lùi sự xuống cấp về đạo đức xã hội”.

Trong Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013, tại khoản 2, Điều 60 cũng quy định rõ: “2. Nhà nước, xã hội phát triển văn học, nghệ thuật nhằm đáp ứng nhu cầu tinh thần đa dạng và lành mạnh của Nhân dân”.

Như vậy, cả về phương diện đạo lý, lý luận chính trị và pháp quyền, vấn đề bảo đảm phúc lợi văn hóa của nhân dân, bảo đảm quyền thụ hưởng văn hóa của người dân đã rất rõ ràng. Trách nhiệm bảo đảm cho người dân có quyền và có điều kiện thực hiện được quyền đó trước hết là của Đảng và Nhà nước, đồng thời cũng là trách nhiệm của toàn xã hội, của chính người dân. Cao hơn cả, đó là nguyên tắc chính trị của chế độ ta, là đạo lý của dân tộc ta.

Ngay cả trong điều kiện lý tưởng nhất, việc hưởng thụ văn hóa của nhân dân luôn có những mâu thuẫn, những giới hạn và những vấn đề khó giải quyết.

Vấn đề thứ nhất là mâu thuẫn, khoảng cách giữa quyền, nhu cầu thụ hưởng với năng lực thụ hưởng của người dân. Điều hiển nhiên là người dân không ngang bằng nhau về năng lực hưởng thụ các sản phẩm và dịch vụ văn hóa, ngay cả đối với các sản phẩm và dịch vụ văn hóa mang tính đại chúng nhất. Phần lớn các sản phẩm và dịch vụ văn hóa đều là sản phẩm của sáng tạo, nhất là các tác phẩm nghệ thuật, trong đó có nhiều tác phẩm mang tính trường phái, tính biểu tượng, tính ẩn dụ, tính hàn lâm,... rất cao, và chỉ những ai hiểu được ngôn ngữ nghệ thuật phù hợp thì mới có thể thu nhận được thông điệp, hưởng thụ được giá trị và cảm xúc mà các vật phẩm đó mang lại. Cho nên, để bảo đảm phúc lợi văn hóa cho người dân, một mặt, phải quán triệt quan điểm “đại chúng hóa”, tức là phải có quá trình “xã hội hóa” phù hợp, giúp cho các sản phẩm văn hóa tiếp cận được với đông đảo người dân, khiến cho họ ít gặp trở ngại nhất trong việc tiếp cận và thụ hưởng chúng; mặt khác, phải tạo điều kiện thuận lợi để người dân nâng cao năng lực thụ hưởng văn hóa thông qua nhiều giải pháp, từ giáo dục văn hóa - thẩm mỹ - nghệ thuật trong nhà trường và gia đình, đến truyền thông văn hóa trong xã hội.

Các cô gái người Mông trong trang phục truyền thống du xuân, đón Tết, với nhiều nghi lễ, phong tục độc đáo, đặc sắc _Ảnh: TTXVN

Vấn đề thứ hai là khác biệt về sự lựa chọn văn hóa và sở thích cá nhân. Hiện nay ở Việt Nam có một thực tế là: nhiều người, nhất là giới trẻ đang quay lưng với nhiều sản phẩm văn hóa truyền thống của dân tộc (như hát chèo, tuồng, cải lương, dân ca, trò chơi dân gian...) khiến cho nhiều loại hình hoạt động văn hóa rơi vào bế tắc, nhiều sản phẩm văn hóa truyền thống trở nên ế ẩm. Tương tự là tình trạng thờ ơ của một bộ phận nhân dân, nhất là giới trẻ với các sản phẩm văn hóa truyền thống cách mạng. Có những bộ phim về các sự kiện lịch sử rất quan trọng của dân tộc, như về chiến dịch Điện Biên Phủ, về Cách mạng Tháng Tám,... được xây dựng, sản xuất rất công phu nhưng chỉ thu hút được rất ít sự quan tâm của khán giả. Nhiều bảo tàng, từ các bảo tàng lịch sử đến mỹ thuật đều vắng bóng khách tham quan là người Việt Nam. Trong khi đó, hàng triệu người dân Việt Nam, nhất là giới trẻ, lại đang rất say sưa với nhiều sản phẩm văn hóa nước ngoài, như nhạc Hàn Quốc, phim Hàn Quốc, nhạc Mỹ, phim Mỹ, phim Trung Quốc... Thậm chí, một số người bị cuốn theo những sản phẩm văn hóa đồi trụy.

Vấn đề ở đây là sự lựa chọn văn hóa.

Một trong những yếu tố quyết định sự lựa chọn chính là sở thích. Sở thích có tính khuynh hướng sẽ tạo nên trào lưu, còn sở thích có tính cá nhân là lựa chọn của những trường hợp đơn lẻ. Quan trọng nhất: đối với sở thích, người ta chỉ có thể tác động bằng cách gây ảnh hưởng, định hướng một cách gián tiếp, kiên trì chứ không thể võ đoán, áp đặt.

Vấn đề thứ ba là cơ chế thị trường và mâu thuẫn giữa nhu cầu với điều kiện, giữa kinh doanh và phụng sự xã hội.

Đây có lẽ là vấn đề nóng bỏng và phức tạp nhất.

Nếu như trước kia phần lớn các sinh hoạt văn hóa cộng đồng đều được tổ chức theo nguyên tắc đại chúng, miễn phí và dành cho tất cả mọi người thì ngày nay nếu muốn tham dự các sự kiện văn hóa và hưởng thụ các sản phẩm văn hóa thì hầu hết đều phải trả tiền, thậm chí là trả rất nhiều tiền. Các sản phẩm văn hóa càng “cao cấp”, phí hưởng thụ càng lớn. Đây có thể được coi là một trở ngại trong việc thực hiện quyền công bằng về hưởng thụ văn hóa của nhiều nhóm cư dân và tổ chức triển khai phúc lợi văn hóa của nhiều chính phủ, trong đó có Việt Nam.

Nếu tiếp tục duy trì và mở rộng phạm vi của các hoạt động văn hóa đại chúng với nhiều vật phẩm văn hóa miễn phí thì đương nhiên giúp cho đông đảo người dân có thêm cơ hội tiếp cận với các sinh hoạt và thụ hưởng phúc lợi văn hóa, song, điều đó cũng có nghĩa là thu hẹp thị trường các sản phẩm và dịch vụ văn hóa, đánh mất lợi thế phát triển công nghiệp văn hóa, giảm thiểu, thậm chí triệt tiêu nhiều nguồn lực văn hóa. Ngày nay, điều này chỉ có thể tiếp tục duy trì trong những chế độ chính trị - xã hội đặc biệt, khép kín. Còn ở những nước đã và đang trải qua quá trình toàn cầu hóa thì chính sách nói trên đồng nghĩa với việc làm cho các hoạt động văn hóa và sản phẩm văn hóa quốc nội ngày càng nghèo nàn, kém chất lượng và mất tính hấp dẫn.

Tuy nhiên, nếu “thả nổi” toàn bộ hoạt động văn hóa và môi trường văn hóa cho thị trường tự do thì điều không tránh khỏi là: một mặt, số đông dân chúng sẽ bị gạt ra ngoài lề các sinh hoạt văn hóa và đời sống văn hóa do không có đủ tiền để chi trả cho tiêu dùng các sản phẩm và dịch vụ văn hóa; do bất cập về năng lực hưởng thụ; do không phù hợp với sở thích; mặt khác, bộ phận dân chúng còn lại sẽ bị cuốn sâu vào việc lệ thuộc, “nghiện” các sản phẩm văn hóa ngoại lai. Kết quả là dân tộc đó sẽ dễ bị hòa tan, bị nô dịch về văn hóa thông qua tác động của cơ chế thị trường và hội nhập toàn cầu. Đây chính là tình hình đang diễn ra ở nước ta trong những năm gần đây, với mức độ ngày càng trầm trọng hơn.

Tình hình trên đây càng trở nên phức tạp và nghiêm trọng khi một số lễ hội và các sinh hoạt văn hóa truyền thống bị thương mại hóa và việc phát triển du lịch ở một số nơi còn thiếu trách nhiệm. Do sức ép của kinh tế thị trường, sinh hoạt văn hóa cộng đồng truyền thống, trong đó có lễ hội đã bị thương mại hóa, không còn là nơi để dân làng vừa là người sản xuất, vừa là người thụ hưởng với tính cách là một sản phẩm văn hóa mà chỉ còn là nơi thu hút khách du lịch để kiếm tiền. Vì mục tiêu đó, một số nơi ta sẵn sàng “sân khấu hóa”, sao chép, bổ sung thêm cho lễ hội nhiều hoạt động xa lạ, nhất là các trò “vui chơi có thưởng”, mê tín dị đoan. Thậm chí ngay cả nhiều lễ mật, hèm, lễ cúng người chết,... cũng bị biến thành hàng hóa, thành những “show diễn” để hút khách. Một số di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh cũng bị làm cho “biến dạng” do phát triển du lịch vô trách nhiệm. Một số phương tiện truyền thông đại chúng nhập khẩu các sản phẩm văn hóa ngoại lai để “câu view”, thu tiền quảng cáo. Hiện tượng “thực dân văn hóa” này đang ngày càng gây ảnh hưởng đến phúc lợi văn hóa của người dân Việt Nam, tước bỏ những cơ hội phát triển của nền công nghiệp văn hóa Việt Nam ngay từ lúc còn mới manh nha, làm xói mòn giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc.

Tăng cường giáo dục, bồi dưỡng nhằm nâng cao năng lực tham gia và thụ hưởng phúc lợi văn hóa của người dân và cộng đồng _Ảnh: Tư liệu

Một số giải pháp định hướng thời gian tới

Để bảo đảm tốt phúc lợi văn hóa cho nhân dân trong quá trình phát triển và bám sát định hướng và hội nhập quốc tế, các nhóm giải pháp phải được triển khai kiên trì, đồng bộ, hiệu quả.

Một là, trong bất kỳ hoàn cảnh nào, lĩnh vực, địa bàn văn hóa nào cũng phải quán triệt triết lý, đạo lý của dân tộc ta về văn hóa và phúc lợi văn hóa, đó là: lấy việc phụng sự nhân dân, góp phần làm cho người dân được thụ hưởng tốt nhất các giá trị văn hóa làm nguyên tắc chủ đạo. Đây cũng là điều đã được ghi trong Hiến pháp năm 2013, Công ước của Tổ chức Giáo dục, khoa học và văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) về việc bảo vệ di sản văn hóa và tự nhiên của thế giới (được thông qua tại kỳ họp 17 của Đại hội đồng UNESCO tại Paris ngày 16-11-1972).

Đây cũng là nguyên tắc để vận hành toàn bộ các thiết chế văn hóa, điều tiết các nguồn lực văn hóa, phát triển thị trường các sản phẩm và dịch vụ văn hóa trong bối cảnh đổi mới, hội nhập quốc tế và phát triển bền vững đất nước.

Hai là, trách nhiệm phát triển phúc lợi văn hóa, trước hết là của Đảng và Nhà nước. Đảng xác định chủ trương, đường lối; Nhà nước, đặc biệt là hệ thống chính quyền các cấp chịu trách nhiệm triển khai chiến lược phát triển phúc lợi văn hóa thông qua việc xác lập các thiết chế, huy động, phân phối và quản lý các nguồn lực, tổ chức và quản lý các hoạt động văn hóa, phát triển công nghiệp văn hóa và đặc biệt là bồi dưỡng, phát triển năng lực tham gia và thụ hưởng phúc lợi văn hóa của người dân và cộng đồng.

Ba là, thúc đẩy phát triển nhanh, mạnh, hiệu quả công nghiệp văn hóa, bao gồm cả du lịch văn hóa, theo nguyên tắc “kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”. Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, đây là giải pháp then chốt nhất để chúng ta nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trên địa hạt văn hóa, phát huy hiệu quả nhất các nguồn lực văn hóa để giành lại thị trường và diễn đàn văn hóa quốc nội đang bị xâm chiếm bởi văn hóa ngoại nhập; quảng bá hình ảnh đất nước, con người và văn hóa Việt Nam ra nước ngoài.

Trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, toàn cầu hóa chỉ có phát triển tốt công nghiệp văn hóa thì mới có điều kiện thực hiện tốt phúc lợi văn hóa và bảo đảm phát triển bền vững đất nước.

Công nghiệp văn hóa chính là con thuyền lớn quảng bá và phát huy tốt nhất giá trị văn hóa Việt Nam và tinh hoa văn hóa nhân loại, nó chính là một bệ đỡ quan trọng của phúc lợi văn hóa trong thời đại ngày nay. Công nghiệp văn hóa cũng sản sinh ra nhiều vật phẩm - hàng hóa văn hóa mới, làm cho lựa chọn văn hóa và đời sống văn hóa của người dân vượt qua giới hạn của các mô hình lựa chọn truyền thống, ngày càng trở nên sinh động, phong phú hơn. Công nghiệp văn hóa cũng tạo ra nguồn lực tài chính và công nghệ to lớn, nhờ đó có thêm điều kiện để phát triển phúc lợi văn hóa.

Đương nhiên cần phải có các chính sách điều tiết cụ thể để giảm thiểu những tác động tiêu cực của phát triển thị trường các sản phẩm và dịch vụ văn hóa. Đây là điều không dễ dàng, nhất là khi Việt Nam còn rất thiếu kinh nghiệm trong giải quyết vấn đề này. Tuy nhiên, Việt Nam có thể tham khảo kinh nghiệm của một số nước đã thực hiện rất tốt, như Hàn Quốc, Nhật Bản, Đức, Hà Lan...

Bốn là, nâng cao năng lực tham gia và thụ hưởng phúc lợi văn hóa của người dân và của cộng đồng. Đây là vấn đề cơ bản, có ảnh hưởng quyết định đến tính bền vững và hiệu quả của phúc lợi văn hóa, xa hơn sẽ góp phần quyết định vào việc Việt Nam hội nhập quốc tế có thành công không, hay là bị hòa tan thông qua hội nhập. Ở đây có một số vấn đề cần được quan tâm đặc biệt:

Thứ nhất, bảo đảm quyền và trách nhiệm tham gia, thụ hưởng của người dân đối với phúc lợi văn hóa, tức là phải hoàn thiện các thiết chế liên quan.

Thứ hai, tạo điều kiện về thời gian, điều kiện vật chất để người dân và cộng đồng có thể tham gia và thụ hưởng các phúc lợi văn hóa.

Thứ ba, tăng cường giáo dục, bồi dưỡng nhằm nâng cao năng lực tham gia và thụ hưởng phúc lợi văn hóa của người dân và cộng đồng, thông qua đó định hướng lựa chọn văn hóa của cộng đồng và người dân hướng tới các giá trị, các hoạt động và vật phẩm văn hóa lành mạnh, tiến bộ, nhân văn của dân tộc và của nhân loại./.

---------------------------

(1) Drogomir, Octavian (2020), “Cultural Goods and Cultural Welfare: Some Paxeological and Proprientarian Notes”,  http://www.themarketforideas.com/cultural-goods-and-cultural-welfare-some-praxeological-and-proprietarian-notes-a217/
(2) Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, t. 7, tr. 319
(3), (4) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 3, tr. 458
(5) Văn kiện Đảng toàn tập, sđd, t. 7, tr. 434
(6), (7) Hồ Chí Minh: Toàn tập, sđd, t. 4, tr. 56, 57

Theo Tạp chí Cộng sản

Chia sẻ bài viết