16/05/2017 - 09:49

Bắc Ireland nối gót Scotland đòi rời bỏ Anh?

Việc Anh rời Liên minh châu Âu (EU) không chỉ dấy lên tranh luận tại Scotland mà còn cả ở Bắc Ireland, khi những người theo chủ nghĩa dân tộc kêu gọi tiến hành trưng cầu dân ý về việc thống nhất đất nước Ireland sau gần 20 năm ký kết thỏa thuận hòa bình mang tính lịch sử.

Kể từ sau cuộc trưng cầu dân ý Anh rời khỏi EU (Brexit), các nhà hoạt động dân chủ của Ireland ngay lập tức kêu gọi tiến hành bỏ phiếu cho phép Bắc Ireland sáp nhập với Cộng hòa Ireland để tiếp tục hưởng quyền lợi thành viên EU. Được biết trong cuộc trưng cầu hồi tháng 6 năm ngoái, tỷ lệ đi bỏ phiếu ở Bắc Ireland ở mức thấp nhất (chỉ 63%) và khoảng 56% cử tri lựa chọn Anh ở lại EU. Hồi tháng rồi, giới lãnh đạo EU tại hội nghị thượng đỉnh ở Brussels (Bỉ) cũng đánh tiếng rằng Bắc Ireland sẽ được chào đón trở lại trong trường hợp họ bỏ phiếu trở thành một phần của Cộng hòa Ireland.

Khu vực biên giới chung giữa Bắc Ireland với Cộng hòa Ireland. Ảnh: AFP

Liên hiệp Vương quốc Anh hợp thành từ Anh, Scotland, Xứ Wales và Bắc Ireland. Bắc Ireland là bộ phận duy nhất của Vương quốc Anh có biên giới trên bộ với quốc gia khác là Cộng hòa Ireland. Do đó khi Anh rời EU (Brexit), khu vực đi lại chung này sẽ trở thành biên giới giữa một nước ngoài và trong EU.

Ngoài vấn đề biên giới, có lo ngại rằng tác động kinh tế, chính trị sau Brexit có thể khiến căng thẳng leo thang trở lại ở Bắc Ireland. Trong gần 30 năm, Bắc Ireland là nơi diễn ra các cuộc xung đột bạo lực khi những người theo đạo Thiên Chúa muốn Bắc Ireland sáp nhập vào Cộng hòa Ireland trong khi người theo Tin lành muốn Bắc Ireland ở lại Vương quốc Anh. Cuộc xung đột chỉ chấm dứt khi hai bên đạt được thỏa thuận "Ngày thứ Sáu tốt lành" vào năm 1998. Thỏa thuận trên cũng quy định khả năng tiến hành trưng cầu dân ý rời Vương quốc Anh của Bắc Ireland với điều kiện Chính phủ Anh thông qua quyết định này.

Tuy nói vậy, nhưng triển vọng tổ chức một cuộc trưng cầu vẫn còn rất xa vời. Trả lời phỏng vấn BBC hồi tuần rồi, Ngoại trưởng Ireland Charlie Flanagan xác nhận Brexit có thể là tiền đề cho một cuộc trưng cầu dân ý nhưng không phải ở thời điểm hiện tại. "Tôi không cho rằng chúng ta nên kết hợp vấn đề thống nhất đất nước Ireland với việc Anh rút khỏi EU" – Ngoại trưởng Flanagan khẳng định. Theo nhà bình luận chính trị Johnny Farrell, rất nhiều vấn đề sẽ phụ thuộc vào các thỏa thuận sau Brexit. "Nếu mọi thứ trở nên tồi tệ cho nước Anh, tình hình có thể nhanh chóng biến đổi vì Bắc Ireland có thể quyết định lợi ích kinh tế của họ dựa vào EU bằng cách bỏ phiếu cho một nước Ireland thống nhất" – vị này dự đoán.

Trong diễn biến có liên quan, Thủ hiến Scotland Nicola Sturgeon ngày 14-5 nói rằng Scotland có quyền lựa chọn độc lập thông qua trưng cầu dân ý khi điều khoản của Brexit được rõ ràng. Theo bà Sturgeon, Scotland có thể sẽ tìm cách gia nhập Hiệp hội Thương mại Tự do châu Âu (EFTA) trước khi nộp đơn để trở thành thành viên đầy đủ của EU. Nhưng hiện tại, Thủ hiến Sturgeon nhấn mạnh ưu tiên của đảng Quốc gia Scotland (SNP) là tập trung vào cuộc tổng tuyển cử sắp tới vì sự ủng hộ của công chúng sẽ giúp Scotland "có tiếng nói mạnh mẽ hơn" trong đàm phán Brexit. Hồi năm 2014, cử tri Scotland từng đi bỏ phiếu về việc tách khỏi Vương quốc Anh nhưng khi đó tỷ lệ ủng hộ chỉ là 44,7%.

MAI QUYÊN (Theo AFP)

Chia sẻ bài viết