Quốc gia Đông Âu đang “đánh cược” tư cách thành viên Liên minh châu Âu (EU) khi đề xuất cải cách tư pháp của chính quyền Warsaw bị cảnh báo có thể vi phạm luật pháp khối 28 nước thành viên.

Người dân Ba Lan biểu tình phản đối cải cách tư pháp. Ảnh: Getty Images
Kế hoạch cải cách tư pháp gây tranh cãi được đảng bảo thủ Pháp luật và Công lý Ba Lan (PiS) khởi xướng kể từ khi lên nắm quyền vào cuối năm 2015. Theo dự thảo luật, các thẩm phán sẽ bị trừng phạt nếu chất vấn điều chỉnh tư pháp của chính phủ. Cụ thể, họ có thể bị xử phạt hành chính hoặc miễn nhiệm nếu tham gia vào các hoạt động mang "tính chất chính trị" hoặc gây hại cho hệ thống tư pháp, chẳng hạn như nghi ngờ tính hợp pháp của những thẩm phán do Hội đồng Tư pháp Quốc gia (NCJ) đề cử. NCJ trước đây được mệnh danh là cơ quan bảo vệ sự độc lập của ngành tư pháp Ba Lan. Nhưng năm 2018, đảng PiS cầm quyền tiến hành cải cách và kết quả là phần lớn thẩm phán trong NCJ đều do hạ viện (nằm dưới sự kiểm soát của PiS) bổ nhiệm. BBC cho biết tư cách thành viên của NCJ trong hệ thống Hội đồng Tư pháp châu Âu sau đó bị đình chỉ với lý do cơ quan này không còn độc lập về chính trị.
Quốc hội Ba Lan dự kiến thảo luận dự thảo luật nói trên vào hôm nay 19-12. Trong tuyên bố, Tòa án Tối cao Ba Lan quan ngại kế hoạch của chính phủ đe dọa tính ưu việt của luật pháp EU. Hơn nữa, cơ quan này cho rằng dự luật được đề xuất để “bịt miệng” ngành tư pháp nước nhà với mục tiêu rõ ràng nhằm cho phép Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda (vốn được coi là đồng minh của PiS) chọn người mới lãnh đạo Tòa án Tối cao trước cuộc tổng tuyển cử dự kiến diễn ra vào tháng 5-2020.
Tuyên bố của Tòa án Tối cao Ba Lan được đưa ra sau khi Tòa án Công lý châu Âu yêu cầu cơ quan này xem xét liệu các đề mục cải cách của chính quyền Warsaw có thoát khỏi ảnh hưởng chính trị hay không. EU từng nhiều lần cáo buộc PiS đang chính trị hóa bộ máy tư pháp trong khi đảng này khẳng định việc điều chỉnh là cần thiết để giải quyết tham nhũng và đại tu hệ thống tư pháp. Đảng cầm quyền Ba Lan cũng tố ngược Brussels vượt quá quyền hạn khi ép Warsaw phải nhượng bộ. Được biết năm 2017, Ủy ban châu Âu (EC) lần đầu tiên trong lịch sử của khối đã nhất trí kích hoạt điều 7 Hiệp ước thành lập về cơ chế áp đặt lệnh trừng phạt nhằm buộc Ba Lan sửa đổi cải cách. Nhưng nếu lần này đảng cầm quyền PiS quyết không nhượng bộ, Tòa án Tối cao Ba Lan dự báo Warsaw rất có khả năng bị EU trừng phạt vì không tôn trọng các cam kết, sau cùng phải rời khỏi khối.
Hiện thời không có cơ chế nào để EU trục xuất một quốc gia thành viên, nhưng cuộc điều tra của EC về pháp lý đối với Ba Lan cùng Hungary có thể dẫn đến quyết định đình chỉ quyền bầu cử của hai nước này trong liên minh. Theo giới quan sát, tuy sự ủng hộ trong khối đối với tư cách thành viên của Ba Lan vẫn cao nhưng kèm theo đó là căng thẳng dai dẳng giữa Brussels và PiS. Cách đây vài ngày, Warsaw tại hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo EU cũng đi ngược lại các thành viên khác khi tìm mọi cách trì hoãn Thỏa thuận Xanh châu Âu hướng tới mục tiêu giảm lượng khí thải carbon bằng 0 vào năm 2050.
MAI QUYÊN (Theo Reuters, Deutsche Welle)