17/09/2023 - 08:17

ASEAN hóa giải cạnh tranh địa chính trị tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương 

ĐỨC TRUNG (Tổng hợp)

Tại Hội nghị cấp cao Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) lần thứ 43 và các hội nghị cấp cao liên quan diễn ra ở thủ đô Jakarta của Indonesia hồi đầu tháng 9, Diễn đàn ASEAN - Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (AIPF) lần đầu tiên đã được tổ chức theo sáng kiến của nước chủ nhà Indonesia. Diễn đàn này được đánh giá là một bước tiến tích cực, biểu hiện cụ thể của việc thực hiện Tầm nhìn ASEAN về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (AOIP) vốn đã  được các nhà lãnh đạo ASEAN thông qua cách đây 4 năm.

Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương là khu vực nằm ven bờ Ấn Độ Dương và phía Tây Thái Bình Dương cùng các vùng biển nối liền hai đại dương này, bao gồm các quốc gia ở Đông Bắc Á, Đông Nam Á, Nam Á cùng nhiều quốc gia thuộc Trung Đông và châu Phi. Khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương với dân số chiếm gần một nửa dân số thế giới, có nhiều nguồn tài nguyên phong phú và nhiều tuyến đường biển yết hầu quan trọng của kinh tế, thương mại toàn cầu. Đây cũng là một trong những khu vực năng động bậc nhất về kinh tế, có thể hỗ trợ, thúc đẩy lẫn nhau giữa các nền kinh tế phát triển và đang phát triển.

Khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương hiện có 3 nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản; tạo ra 62% GDP toàn cầu, chiếm 46% tổng thương mại quốc tế và 50% tổng lượng vận chuyển hàng hải; có 2 quốc gia tỉ dân hàng đầu thế giới là Ấn Độ và Trung Quốc; 7 trong số 10 lực lượng quân đội có quy mô lớn nhất toàn cầu là Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Pakistan và Úc. Bên cạnh đó, đây cũng là khu vực nằm ở vị trí trung tâm của các lợi ích chiến lược chính trị và kinh tế của thế giới.

Vì thế, khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương ngày càng đóng vai trò quan trọng trong thế kỷ XXI và trên thực tế, khu vực này đang là nơi chứng kiến sự cạnh tranh khốc liệt về địa chiến lược, về các nguồn tài nguyên thiên nhiên, tạo nguy cơ các điểm nóng chiến lược. Các cường quốc như Nga, Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Anh, Pháp, Đức, đặc biệt là Mỹ đều có chiến lược nhằm tăng cường ảnh hưởng và bảo vệ lợi ích của mình tại khu vực. Nhiều nhà phân tích cho rằng ai  kiểm soát được Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương về cơ bản sẽ kiểm soát được thế giới.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và các nhà lãnh đạo ASEAN tại lễ khai mạc Diễn đàn ASEAN - Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (AIPF). Ảnh: TTXVN

Thủ tướng Phạm Minh Chính và các nhà lãnh đạo ASEAN tại lễ khai mạc Diễn đàn ASEAN - Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (AIPF). Ảnh: TTXVN

Tầm nhìn  và nguyên tắc cơ bản của ASEAN

Đối với ASEAN, trước khi thông qua Tầm nhìn về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (AOIP) hồi tháng 6-2019, thuật ngữ “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương” vẫn chưa được sử dụng trong các tuyên bố và tài liệu chính thức của khối. ASEAN định nghĩa “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương” không hẳn là một không gian được phân định rõ ràng về mặt lãnh thổ, mà là một khu vực phụ thuộc lẫn nhau, liên kết chặt chẽ, không xác định rõ ràng biên giới với ASEAN và ASEAN đóng vai trò trung tâm.

Chính vì vậy, AOIP chủ yếu tập trung vào các mục tiêu và chuẩn mực chung hơn là những đề xuất cụ thể, hướng tới thực tiễn để giải quyết các vấn đề. Theo AOIP, lợi ích chính của ASEAN là xác định cấu trúc kinh tế và an ninh bảo đảm mang lại hòa bình, an ninh, ổn định và thịnh vượng cho người dân Đông Nam Á. Trên cơ sở đó, ASEAN nhấn mạnh các yếu tố cần thiết, như “đối thoại và hợp tác thay vì ganh đua” và “phát triển và thịnh vượng cho tất cả mọi người dân”. Do vậy, Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương” như một khái niệm kết nối được mở rộng cho tất cả quốc gia trong khu vực, bao gồm cả Trung Quốc, nên AOIP thậm chí không đề cập đến tên của một quốc gia cụ thể nào.

Về cơ bản, AOIP lặp lại và nhấn mạnh các nguyên tắc cốt lõi lâu đời của nhóm 10 quốc gia Đông Nam Á và duy trì vai trò trung tâm của ASEAN, đó là làm sâu sắc hơn các quá trình hội nhập khu vực, duy trì trật tự khu vực dựa trên luật lệ, giải quyết xung đột bằng các biện pháp hòa bình, chủ nghĩa đa phương và tôn trọng luật pháp quốc tế. Hơn nữa, do nhấn mạnh vào “phương thức ASEAN” nên AOIP cung cấp một không gian khái niệm cho tất cả các bên, với điều kiện các bên sẵn sàng chấp nhận cấu trúc an ninh khu vực đa phương với ASEAN là trung tâm.

Biến cạnh tranh thành hợp tác

Nằm ở trung tâm khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, ASEAN khẳng định sẵn sàng trở thành trung tâm hoạt động kinh tế khu vực trong những thập kỷ tới. Do đó, Diễn đàn ASEAN - Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (AIPF) đặt mục tiêu tăng cường hợp tác và kết nối giữa các nước ASEAN và các đối tác trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, đưa ASEAN trở thành “tâm điểm của tăng trưởng”.

Các nhà lãnh đạo ASEAN đã thống nhất 4 lĩnh vực ưu tiên hợp tác của AOIP, bao gồm hợp tác hàng hải, kết nối, các mục tiêu phát triển bền vững, kinh tế và các lĩnh vực hợp tác khả thi khác.

Tại lễ khai mạc AIPF, Tổng thống Indonesia Joko Widodo cho biết trong bối cảnh kinh tế thế giới suy yếu, ASEAN đã chứng tỏ được khả năng phục hồi và tiếp tục phát triển vượt xa tốc độ tăng trưởng toàn cầu và các khu vực khác. Tuy nhiên, ASEAN không tránh khỏi các thách thức toàn cầu và sự cạnh tranh địa chính trị ngày càng gay gắt, đặc biệt là nguy cơ xung đột tiềm tàng ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Do đó, ông  Widodo nhấn mạnh AIPF được tổ chức để biến cạnh tranh ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương thành hợp tác hữu ích và xây dựng thói quen hợp tác theo công thức đôi bên cùng có lợi và không loại trừ bất kỳ ai.

AIPF có 3 chương trình nghị sự chính, gồm cơ sở hạ tầng xanh và chuỗi cung ứng linh hoạt, tài chính bền vững và đổi mới, chuyển đổi kỹ thuật số và nền kinh tế sáng tạo. Về cơ sở hạ tầng xanh và chuỗi cung ứng linh hoạt, ASEAN sẽ tăng trưởng mạnh mẽ hơn nhờ ngành công nghiệp chế biến hạ nguồn và phát triển hệ sinh thái xe điện là một ví dụ cụ thể về việc xây dựng chuỗi cung ứng khu vực. Về nguồn tài chính bền vững và sáng tạo, ước tính ASEAN cần 29.400 tỉ USD cho quá trình chuyển đổi năng lượng và cần có các kế hoạch tài chính sáng tạo, thông qua các quan hệ đối tác có lợi và bền vững. Về chuyển đổi kỹ thuật số và nền kinh tế sáng tạo, nền kinh tế kỹ thuật số ASEAN dự kiến đạt 1.000 tỉ USD vào năm 2030 và việc áp dụng đổi mới kỹ thuật số cần được tăng cường để hỗ trợ nền kinh tế sáng tạo cũng như các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa.

Cuối cùng, Tổng thống Joko Widodo cho rằng việc ASEAN và các đối tác đã dành tổng cộng 56 tỉ USD cho 93 dự án hợp tác và 73 dự án tiềm năng thể hiện cam kết hành động nhằm biến Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương thành khu vực hòa bình, ổn định và thịnh vượng.

Vì vậy, tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 43 và các hội nghị cấp cao liên quan vừa qua, không chỉ Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc thông qua tuyên bố chung về hợp tác trong khuôn khổ AOIP mà cả Trung Quốc cũng nhất trí thúc đẩy hợp tác với ASEAN trong tất cả 4 lĩnh vực ưu tiên của AOIP. Đây là sự kiện đáng chú ý, bởi Trung Quốc lâu nay luôn mạnh mẽ phản đối chiến lược “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở” (FOIP) của Mỹ và một số nước đồng minh. Bắc Kinh cho rằng chiến lược FOIP là nhằm kiềm chế và “vây hãm” Trung Quốc, rằng chiến lược tạo ra đối đầu này sẽ thất bại.

Ngày 7-9, phát biểu tại phiên bế mạc Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 43 và các hội nghị cấp cao liên quan, Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã kêu gọi xây dựng khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương thành “sân khấu hòa bình và bao trùm”. Ông Widodo cho rằng điều này sẽ đóng vai trò là nền tảng quan trọng, mở ra tương lai tốt đẹp hơn cho người dân ASEAN và thế giới. Nhà lãnh đạo Indonesia nhấn mạnh điều này cũng chính là tinh thần của nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN năm 2023 mà Indonesia đảm nhiệm, với chủ đề “ASEAN Tầm vóc: Tâm điểm của tăng trưởng”. Tổng thống Indonesia nhấn mạnh rằng sứ mệnh của ASEAN vẫn chưa kết thúc, đồng thời cho rằng khu vực Đông Nam Á sẽ tiếp tục phải đối mặt với nhiều biến động, phức tạp và thách thức do toàn cầu hóa tạo ra. Vì vậy, ông cho rằng ASEAN phải chung tay biến thách thức thành cơ hội, biến cạnh tranh thành hợp tác, biến độc quyền thành sự bao trùm và biến sự khác biệt thành sự thống nhất. Bên cạnh đó, ASEAN cũng phải là “thuyền trưởng con tàu của chính mình”. 
Chia sẻ bài viết