27/05/2023 - 21:57

Ảnh hưởng của Thổ Nhĩ Kỳ tại châu Phi 

TRÍ VĂN (Tổng hợp)

Ảnh hưởng của Thổ Nhĩ Kỳ ở châu Phi không ngừng gia tăng trong vòng 20 năm qua và bất kỳ ai giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống nước này vào ngày 28-5 đều sẽ phải cân nhắc về mối quan hệ trong tương lai giữa Ankara và lục địa đen.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan (trái) và người đồng cấp Senegal Macky Sall tại lễ khánh thành một sân vận động ở thủ đô Dakar hồi năm ngoái. Ảnh: BBC

Kể từ khi lên nắm quyền ở Thổ Nhĩ Kỳ cách đây 2 thập niên, dù với tư cách là thủ tướng hay tổng thống, ông Recep Tayyip Erdogan đều quan tâm đến châu Phi, bởi ông nhìn thấy các cơ hội về kinh tế, quân sự và ngoại giao của khu vực.

Giới phân tích nhận định, mối quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và châu Phi có thể sẽ càng bền chặt hơn nếu ông Erdogan tái đắc cử. Trong khi đó, đối thủ của ông là Kemal Kilicdaroglu lại để mắt tới phương Tây và ít có khả năng dành ưu ái cho châu Phi. “Ông Kilicdaroglu nhấn mạnh sự cần thiết phải điều chỉnh lại quan hệ với phương Tây và nói rằng ông ấy sẽ cố gắng khôi phục quá trình gia nhập Liên minh châu Âu” - Serkan Demirtas, chuyên gia về chính sách đối ngoại của Thổ Nhĩ Kỳ, cho biết. Theo ông Demirtas, ông Kilicdaroglu trong một cuộc phỏng vấn thậm chí còn nói rằng sẽ có sự thay đổi “180 độ” về chính sách đối ngoại. Tuy nhiên, ông Ece Goksedef của kênh truyền hình BBC cho rằng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ mất một thời gian dài mới có thể điều chỉnh chính sách đối ngoại đối với châu Phi.

Theo BBC, “hạt giống” cho mối quan hệ hợp tác giữa châu Phi và Thổ Nhĩ Kỳ đã được “gieo trồng” trong thời gian ông Erdogan làm thủ tướng, bắt đầu từ năm 2003. Nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ khi đó đã nhìn thấy lợi ích kinh tế tiềm năng khi hợp tác với châu Phi. “Vào đầu những năm 2000, kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ chứng kiến sự tăng trưởng liên tục nên Ankara phải tìm kiếm các thị trường mới. Và châu Phi, một thị trường đa dạng với hơn 50 quốc gia và hơn 1,2 tỉ người mang đến cơ hội sinh lời cho các nhà xuất khẩu và kinh doanh Thổ Nhĩ Kỳ” - ông Demirtas cho biết.

Theo số liệu từ Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ, kim ngạch thương mại hàng năm giữa Thổ Nhĩ Kỳ và châu Phi trong giai đoạn 2003-2021 đã tăng từ mức 5,4 tỉ USD lên con số 34,5 tỉ USD. Trong đó, hóa chất, thép và ngũ cốc chiếm phần lớn trong giao dịch giữa 2 bên.

Ngoài ra, các thỏa thuận bán vũ khí hay còn được gọi là “ngoại giao máy bay không người lái (UAV)” cũng giúp Ankara “kiếm bộn tiền”. Sau khi chứng tỏ giá trị ở Libya, Armenia và Ukraine, UAV Bayraktar TB-2 của Thổ Nhĩ Kỳ hiện đang được quảng bá là loại vũ khí hoàn hảo để nhắm mục tiêu các nhóm thánh chiến đang ẩn náu ở khu vực Sahel của Tây Phi. Gần đây nhất, hàng tá UAV Thổ Nhĩ Kỳ hồi tháng 3 đã được đưa đến Mali. Ngoài Mali, Thổ Nhĩ Kỳ còn bán UAV cho Burkina Faso, Togo và Niger, những quốc gia khu vực Sahel đang vật lộn chống lại sự trỗi dậy của các chiến binh Hồi giáo. Ngoài ra, Morocco, Tunisia, Ethiopia, Nigeria và Somalia cũng là những khách hàng “thân thiết” của UAV có vũ trang do Thổ Nhĩ Kỳ sản xuất.

Bên cạnh đó, Thổ Nhĩ Kỳ còn cung cấp cho châu Phi các loại khí tài quân sự khác, gồm phương tiện bọc thép và rà phá bom mìn, hệ thống cảm biến và giám sát cũng như súng trường. Theo báo cáo của Viện các vấn đề an ninh và quốc tế Ðức, tổng cộng 30 quốc gia châu Phi đã ký các thỏa thuận liên quan đến an ninh với Thổ Nhĩ Kỳ. Ước tính, xuất khẩu hàng không vũ trụ và quốc phòng của Thổ Nhĩ Kỳ sang châu Phi tăng hơn 5 lần, từ mức 83 triệu USD năm 2020 lên 461 triệu USD năm 2021.

Ngoài các thỏa thuận quân sự và thương mại, ông Erdogan rất tích cực trong việc củng cố quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ - châu Phi. Năm 2005, Thổ Nhĩ Kỳ trở thành quan sát viên của Liên minh châu Phi trước khi giữ vai trò đối tác chiến lược của lục địa đen năm 2008. Ðáng chú ý, kể từ năm 2014, ông Erdogan thực hiện 50 chuyến thăm chính thức tới khoảng 30 quốc gia châu Phi. Kết quả là, nhiều dự án phát triển cơ sở hạ tầng quan trọng được trao cho các công ty Thổ Nhĩ Kỳ.

Chia sẻ bài viết