22/03/2009 - 10:01

Anh hùng tạo thời thế !

Ông Patrick Moon sẽ đại diện Mỹ tham dự hội nghị của SCO.
Ảnh: VOA

Tổ chức Hợp tác Thượng hải (SCO) được thành lập năm 2001 theo sáng kiến của Nga và Trung Quốc nhằm tạo đối trọng với sự hiện diện của Mỹ ở khu vực Trung Á sau khi Washington đưa quân tới Afghanistan. Từ đó đến nay, SCO không nhận được sự ủng hộ và thừa nhận của Mỹ và các đồng minh phương Tây, cụ thể là Tổ chức Hiệp ước Bắc Tây Dương (NATO). Cách đây mấy năm, ngay cả khi SCO dọa sẽ kết nạp thêm các nước thành viên mới như Iran, Mông Cổ, Ấn Độ, Pakistan cũng không làm Mỹ chột dạ. Thậm chí chính quyền George Bush năm 2005 đã từ chối lời mời dự hội nghị và tham gia nhóm quan sát viên của SCO.

Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 19-3 thông báo sẽ cử ông Patrick Moon, Phó Trợ lý Ngoại trưởng phụ trách các vấn đề Trung và Nam Á đến tham dự hội nghị của SCO bàn về tình hình Afghanistan, được tổ chức ngày 27-3 tới tại Thủ đô Mát-xcơ-va của Nga. Đặc biệt, lần đầu tiên, hội nghị có mặt Tổng thư ký NATO Jaap de Hoop Scheffer. Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc (LHQ) Ban Ki-moon cũng có kế hoạch tham gia hội nghị. Điều đáng nói là Mỹ và NATO chấp nhận lời mời tham dự hội nghị này khi chỉ vài ngày sau đó, cụ thể ngày 31-3, sẽ diễn ra hội nghị quốc tế về Afghanistan do LHQ bảo trợ tại La Haye (Hà Lan). Cũng cần nói thêm hội nghị La Haye sẽ có sự hiện diện của các nước thành viên lẫn quan sát viên của SCO. Theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Robert Wood, Nhà Trắng rất vui khi được mời tham gia hội nghị vì đây là cơ hội quan trọng để xem xét liệu cộng đồng quốc tế nên làm điều gì tốt đẹp hơn cho nhân dân Afghanistan.

Theo giới phân tích, tương lai ở Afghanistan dường như đang phụ thuộc vào sự hợp tác tích cực của SCO và một số nước quan sát viên của tổ chức này. SCO không chỉ bao gồm Nga và Trung Quốc, mà tập hợp 4 quốc gia Trung Á: Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan và Uzbekistan. Các quan sát viên SCO cũng có thể đóng vai trò then chốt như Iran, Ấn Độ và Pakistan. Trước đây, có lẽ Mỹ cũng nhận thấy ảnh hưởng đó của SCO nhưng không mảy may cần tới vì họ còn có đồng minh Pakistan và căn cứ quân sự tại Kyrgyzstan. Thế nhưng, hiện nay, tình hình chính trị và an ninh Pakistan không đáng tin cậy, trong khi do sự tác động chiến lược của Nga, Mỹ không còn căn cứ quân sự hậu cần nào tại Trung Á để tiếp ứng cho chiến trường khốc liệt Afghanistan.

Người ta thường nói thời thế tạo anh hùng, nhưng Nga đã biết cách tạo ra vị thế mới không chỉ cho mình mà cho cả SCO. Anh hùng quả thật đã tạo thời thế. Và Mỹ đang rất cần “sân chơi” của SCO không chỉ vì vấn đề phức tạp ở Afghanistan mà vì Mỹ đang muốn cải thiện quan hệ với đối thủ “khó chịu” Iran. Bởi tuy không xác nhận nhưng phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ cũng không bác bỏ khả năng giới chức ngoại giao Mỹ và Iran sẽ có các cuộc trao đổi bên lề hội nghị của SCO lẫn hội nghị về Afghanistan sắp tới. Đặc biệt hôm 20-3 vừa qua, Tổng thống Barack Obama phát đi thông điệp đề nghị “một khởi đầu mới” với Iran trong đoạn băng video gửi nhân dân nước này trên website Nhà Trắng.

PHÚC GIA AN
(Theo Xinhua, Moscowtimes, VOA, Sana)

Ông Patrick Moon sẽ đại diện Mỹ tham dự hội nghị của SCO. Ảnh: VOA

Chia sẻ bài viết