05/08/2022 - 07:30

Anh chưa sẵn sàng cho mục tiêu “siêu cường khoa học” 

Việc thiếu một kế hoạch tổng thể trong khi cơ cấu quản lý cồng kềnh có thể biến Anh thành “siêu cường quan liêu”, thay vì tham vọng “siêu cường khoa học - công nghệ” mà Luân Đôn đang hướng tới.

Thủ tướng Johnson thăm Viện Crick Francis, cơ quan đầu não quốc gia về nghiên cứu y sinh.

Thủ tướng Johnson thăm Viện Crick Francis, cơ quan đầu não quốc gia về nghiên cứu y sinh.

Năm ngoái, Văn phòng Nội các Anh xác định khoa học - công nghệ tiên tiến đóng vai trò thiết yếu đối với thịnh vượng của đất nước ở thời đại kỹ thuật số. Trong đó, Chiến lược Kỹ thuật số mà chính phủ đặt ra hướng tới mục tiêu đưa Anh trở thành “siêu cường khoa học - công nghệ “ vào năm 2030 tập trung vào 6 trụ cột mà họ tin là cần thiết cho “tăng trưởng kỹ thuật số bền vững”, bao gồm cơ sở hạ tầng, sở hữu trí tuệ, kỹ năng, tài chính, nâng tầm dịch vụ công và nâng cao vị thế toàn cầu. Tham vọng này dựa trên cam kết thúc đẩy quỹ nghiên cứu và phát triển trong nước lên 2,4% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) vào năm 2027.

Lĩnh vực số của Anh đóng góp 151 tỉ bảng cho kinh tế đất nước vào năm 2019 và chiếm 9% lực lượng lao động quốc gia. Các thành tựu khác bao gồm sở hữu nền kinh tế dữ liệu lớn nhất châu Âu; có nhiều nhà đầu tư và “kỳ lân” khởi nghiệp hơn Pháp, Đức và có thuế doanh nghiệp thấp nhất trong Nhóm các nền kinh tế phát triển nhất thế giới (G7). Đánh giá gần đây của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) cho thấy, chiến lược số của Anh là chiến lược toàn diện thứ 2 trong khối, chỉ sau Thụy Sĩ.

Không nhất quán, rõ ràng

Tuy nhiên, khó khăn trước mắt là nâng chi tiêu 2,4% GDP cho công nghệ. Để đạt con số này đòi hỏi nỗ lực hơn nữa từ chính phủ để đảo ngược xu hướng giảm ngân sách từ 1,84% GDP xuống 1,74% kéo dài từ năm 1985 đến năm 2019. Ủy ban Thượng viện điều tra chính sách công còn phát hiện “rất nhiều chiến lược” của chính phủ trong hàng loạt lĩnh vực không liên quan nhau hoặc không phù hợp với một kế hoạch tổng thể. Bên cạnh đó, Anh hiện có nhiều cơ quan nhưng trách nhiệm không rõ ràng hoặc chồng chéo, và thường không rõ ai chịu trách nhiệm gì. Đơn cử như việc thành lập Hội đồng Khoa học và Công nghệ Quốc gia mới cùng Văn phòng Chiến lược Khoa học và Công nghệ, trong khi đã có các cơ quan như Nghiên cứu và Đổi mới.

Giáo sư John Krebs cho rằng lập quá nhiều tổ chức mới có nguy cơ biến Anh thành “siêu cường quan liêu” thay vì cường quốc về công nghệ. Ông cũng lo ngại các bộ trưởng có thể âm thầm giảm bớt hoặc lược bỏ những cam kết tài trợ cần thiết để đạt được mục tiêu. Trong đó, cách tiếp cận của Anh đối với hợp tác khoa học quốc tế đang bị chỉ trích nhiều nhất khi giảm hàng loạt viện trợ ở nước ngoài. Đặc biệt, quyết định không tham gia chương trình nghiên cứu và đổi mới Horizon Europe trị giá 82 tỉ bảng của Liên minh châu Âu (EU) được cảnh báo sẽ khiến danh tiếng quốc tế của Anh tổn hại hơn nữa sau khi rời khối. “Sự im lặng” của các ứng viên thủ tướng thay thế ông Boris Johnson hiện nay đối với mảng khoa học công nghệ cũng là một trong những yếu tố buộc giới chuyên môn nghi ngờ cam kết của chính phủ.

Ủy ban Thượng viện cho rằng vị thế “siêu cường khoa học” chỉ là khẩu hiệu trống rỗng trừ phi chính phủ cụ thể hóa những gì họ muốn đạt được và công bố một tiến trình thực hiện rõ ràng với từng mục tiêu có thể nắm bắt. Trước mắt, báo cáo đề xuất thủ tướng sắp tới bổ nhiệm khẩn cấp bộ trưởng khoa học và đưa lĩnh vực này vào danh mục đầu tư cấp nội các. Nhà nước cũng cần chú trọng hơn hợp tác cùng doanh nghiệp để đạt được con số 2,4% GDP; cải thiện vai trò của các hội đồng nghiên cứu và trường đại học trong tài trợ các lĩnh vực chiến lược. Nếu không sẵn sàng cải cách chính sách khoa học, an ninh quốc gia và vai trò lãnh đạo địa chính trị của Anh sẽ gặp nguy hiểm - tổ chức tư vấn Onward cảnh báo.

MAI QUYÊN (Theo Guardian, FT)

Chia sẻ bài viết