13/10/2024 - 08:37

Ấn Ðộ phô trương sức mạnh kinh tế 

Trong bối cảnh tình hình chính trị ở các nước láng giềng bất ổn, chính quyền Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã sử dụng một “tài sản” tương đối mới để cạnh tranh ảnh hưởng với Trung Quốc, đó chính là nguồn lực tài chính đi kèm với nền kinh tế đang phát triển một cách nhanh chóng.

Thủ tướng Ấn Ðộ Modi (phải) và Tổng thống Maldives Muizzu trong cuộc gặp hôm 7-10. Ảnh: AP

Theo tờ Thời báo New York, sau khi cuộc nội chiến ở Sri Lanka kết thúc hồi năm 2009, Trung Quốc đã thiết lập sự hiện diện lớn ở đó, tài trợ cho các dự án phát triển cơ sở hạ tầng xa hoa của quốc đảo này. Giới chức Sri Lanka khi đó phàn nàn rằng hoạt động tiếp cận Colombo của New Delhi là quá chậm chạp. Song, khi Sri Lanka rơi vào cuộc khủng hoảng kinh tế cách đây 2 năm, phần lớn là do quản lý yếu kém và mạnh tay chi tiêu, quan điểm đó đã được thay đổi. Trong khi Trung Quốc do dự về việc tái đàm phán các điều khoản nợ của Sri Lanka, Ấn Độ nắm bắt cơ hội, chi 4 tỉ USD dưới nhiều hình thức hỗ trợ khác nhau.

Tại quốc gia láng giềng nhỏ bé Bhutan, Thủ tướng Modi năm nay cũng đã quyết định tăng gấp đôi viện trợ, lên mức 1 tỉ USD trong vòng 5 năm. Còn tại Bangladesh, New Delhi đã cung cấp hàng tỉ USD cho các dự án phát triển cơ sở hạ tầng của Dhaka.

Tuy nhiên, nước hưởng lợi nhiều nhất từ sự “hào phóng” của Ấn Độ có lẽ là Maldives. Theo tờ Al Jazeera, quan hệ Ấn Độ - Maldives trở nên căng thẳng sau khi đảng Tiến bộ Maldives của Tổng thống Mohamed Muizzu trước thềm cuộc bầu cử 2023 tuyên bố trục xuất những binh sĩ Ấn Độ được triển khai tại đây để hỗ trợ sơ tán nhân đạo và y tế do cho rằng ảnh hưởng của New Delhi là mối đe dọa đối với chủ quyền của đất nước. Song, điều này dường như bị lãng quên hôm 7-10 khi ông Muizzu đến thăm Ấn Độ và nhận hơn 750 triệu USD viện trợ từ Ấn Độ dưới hình thức hoán đổi tiền tệ để cứu Maldives khỏi tình trạng căng thẳng về tài chính. “Ấn Độ là đối tác quan trọng trong quá trình phát triển cơ sở hạ tầng và kinh tế xã hội của Maldives; sát cánh cùng Maldives trong thời điểm chúng tôi cần” - Tổng thống Muizzu tuyên bố.

Theo Ngân hàng Thế giới, kinh tế Ấn Độ tăng trưởng khoảng 7% trong khi Trung Quốc và các nước láng giềng khác đang phải vật lộn để có thể đạt mức tăng trưởng thời trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát. Giới lãnh đạo chính trị và doanh nghiệp ngày càng coi Ấn Độ là đối tác thú vị để ký các thỏa thuận và hiệp định thương mại.

Và đòn bẩy trên ngày càng trở nên hữu ích với Ấn Độ, đặc biệt là trong bối cảnh New Delhi nhiều lần thất bại về mặt ngoại giao trong khu vực, nơi mà ảnh hưởng truyền thống của Ấn Độ suy yếu trước ảnh hưởng của Trung Quốc. Chỉ trong vòng 1 năm qua, các nhà lãnh đạo thân Ấn Độ ở ít nhất 3 nước đã bị bãi nhiệm hoặc bị lật đổ trong các cuộc biểu tình.

“Hiện Ấn Độ có thể phô trương quyền lực ở khu vực và sức mạnh kinh tế của họ mạnh hơn nhiều so với trước đây. Nhưng tôi nghĩ rằng lợi ích chính trị gắn kết chúng ta với khu vực lân cận là không đổi” - cựu Ngoại trưởng Ấn Độ Nirupama Menon Rao cho hay. Theo bà Rao, các nhà lãnh đạo khu vực hiểu được sức mạnh kinh tế và vị thế ngày càng tăng mà Ấn Độ đang nắm giữ trên trường quốc tế. Đổi lại, so với trước đây, New Delhi đang có cách tiếp cận thực tế hơn đối với một số nước láng giềng.

Bà Rao cho rằng mối quan hệ truyền thống giữa Ấn Độ với các nước láng giềng kết hợp với nguồn tài chính ngày càng tăng của New Delhi sẽ giúp ích cho nước này trong cuộc cạnh tranh với Trung Quốc. “Trung Quốc tiếp tục phô trương sức mạnh kinh tế nhưng tôi nghĩ rằng Bắc Kinh chưa thực sự chứng minh được năng lực để trở thành nơi phản ứng đầu tiên như New Delhi khi nói về các tình huống khủng hoảng mà các nước láng giềng phải đối mặt. Đó là một yếu tố rất quan trọng” - bà Rao nhấn mạnh.

TRÍ VĂN (Tổng hợp)

 

Chia sẻ bài viết