Ấn Độ đang phải đối mặt với quyết định được cho có thể định hình tương lai quốc phòng của nước này, đó là chấp nhận lời đề nghị của Mỹ về chiến đấu cơ tàng hình F-35 tiên tiến nhất hay sẽ dựa vào mối quan hệ lịch sử với Nga để lựa chọn Sukhoi Su-57 thế hệ thứ năm.

Chiến đấu cơ tàng hình tiên tiến F-35 của Mỹ. Ảnh: AF
Trong cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tại Nhà Trắng mới đây, nhà lãnh đạo xứ cờ hoa tuyên bố sẵn sàng bán F-35 cho Ấn Độ. Nếu đề xuất này trở thành hiện thực thì Ấn Độ sẽ nằm trong số ít quốc gia có quyền tiếp cận độc quyền chiến đấu cơ tiên tiến này. “Bắt đầu từ năm nay, chúng tôi sẽ tăng doanh số bán vũ khí cho Ấn Độ lên nhiều tỉ USD. Chúng tôi cũng đang mở đường để cuối cùng có thể cung cấp cho Ấn Độ chiến đấu cơ tàng hình F-35” - ông Trump nhấn mạnh trong một cuộc họp báo chung với ông Modi.
Tuyên bố trên được ông Trump đưa ra chỉ ít lâu sau khi Nga đề nghị bán chiến đấu cơ tàng hình Sukhoi Su-57 thế hệ thứ năm cho Không quân Ấn Độ. Đặc biệt, Tập đoàn xuất khẩu vũ khí quốc gia Rosoboronexport của Nga cho biết chiến đấu cơ này có thể được đưa vào sản xuất tại Ấn Độ trong năm nay và được chuyển giao một số công nghệ tiên tiến liên quan nếu New Delhi chấp nhận lời đề nghị đó.
Dmitry Shugayev, Giám đốc Cơ quan Hợp tác Kỹ thuật và Quân sự liên bang Nga cho rằng nếu Ấn Độ chấp nhận đề xuất về việc sản xuất Su-57 tại nước này thì có thể giúp mở rộng đáng kể năng lực sản xuất chiến đấu cơ nội địa của New Delhi và làm sâu sắc thêm mối quan hệ quốc phòng với Mát-xcơ-va. Ngoài ra, việc sản xuất Su-57 cũng có thể củng cố ngành công nghiệp quốc phòng của quốc gia Nam Á này và phù hợp với sáng kiến “Sản xuất tại Ấn Độ” nhằm thúc đẩy sản xuất phần cứng quân sự trong nước.
Trong nhiều năm qua, Nga là nhà cung cấp vũ khí chính cho Ấn Độ, trong đó gồm tiêm kích Su-30MKI và hệ thống tên lửa đất đối không S-400. Tuy nhiên, cuộc xung đột kéo dài hơn 3 năm qua tại Ukraine đã khiến khả năng xuất khẩu vũ khí của Mát-xcơ-va trong những năm gần đây suy yếu, buộc New Delhi phải tìm đến các đối tác phương Tây. Theo báo cáo của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI, Thụy Điển) hồi năm ngoái, thị phần xuất khẩu vũ khí của Nga sang Ấn Độ giảm xuống còn 36% hồi năm 2023 từ mức 76% vào năm 2009.
Song, Olli Pekka Suorsa, phó giáo sư chuyên nghiên cứu về an ninh và quốc phòng châu Á tại Học viện Rabdan (Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất), cho rằng Ấn Độ sẽ không được phép mua cả F-35 và Su-57 bởi những quy định nghiêm ngặt. Theo ông Suorsa, nếu New Delhi chọn Su-57 của Nga, điều này có nghĩa là Ấn Độ vi phạm Đạo luật chống các đối thủ của Mỹ thông qua trừng phạt (CAATSA) do chính quyền Tổng thống Trump ban hành hồi năm 2017. Trước đây, Mỹ cũng từng sử dụng CAATSA để trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ, nước đã bị Washington loại khỏi chương trình F-35 sau khi Ankara cố gắng mua hệ thống phòng không S-400 của Nga.
“Giống như trường hợp của Thổ Nhĩ Kỳ, Mỹ rất ngại chia sẻ thông tin nhạy cảm về F-35 và các hệ thống bí mật của nó với Ấn Độ. Ám chỉ của Tổng thống Trump về cơ hội New Delhi được tiếp cận với F-35 có thể là một con bài mặc cả trong nỗ lực của ông nhằm đưa Ấn Độ tránh xa ảnh hưởng của Nga” - phó giáo sư Suorsa cho biết. Ông Suorsa nhận định, việc Ấn Độ mua được F-35 sẽ mang lại “bước tiến đáng kể về năng lực cho Không quân Ấn Độ” trong bối cảnh New Delhi tiếp tục đa dạng hóa hoạt động mua sắm vũ khí của nước này. Trong những năm gần đây, Ấn Độ tăng cường mua sắm vũ khí từ phương Tây, trong đó gồm Dassault Rafale, chiến đấu cơ đa năng của Pháp.
Đồng quan điểm, Kriti Upadhyaya, cố vấn chiến lược tại công ty chuyên cung cấp các giải pháp quốc phòng toàn cầu C2Ci Inc, cho rằng sẽ không hợp lý khi Ấn Độ mua cả F-35 và Su-57. “Su-57 tương đối mới hơn, là thử nghiệm đầu tiên của Nga đối với công nghệ tàng hình và vẫn chưa được thử nghiệm trong các hoạt động triển khai bên ngoài nước Nga. Ngược lại, F-35 sở hữu thành tích đã được công nhận, bởi các quốc gia như Israel, Ý, Nhật Bản, Anh, Úc, Đan Mạch và Hàn Quốc đều từng sử dụng.” - bà Upadhyaya cho hay.
F-35 là máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm một động cơ tiên tiến nhất do tập đoàn Lockheed Martin (Mỹ) phát triển. F-35 sở hữu tốc độ tối đa Mach 1,6 (tương đương 1.976km/giờ), có tầm chiến đấu 1.500km và có giá từ 80-110 triệu USD/chiếc. Trong khi đó, Sukhoi Su-57 là chiến đấu cơ tàng hình 2 động cơ do Nga phát triển, có tốc độ tối đa Mach 2 (khoảng 2.470km/giờ) và tầm chiến đấu 1.900km. Ước tính, Su-57 có giá tầm 35-40 triệu USD/chiếc.
TRÍ VĂN (Tổng hợp)