Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tuyên bố sẽ biến quốc gia Nam Á này thành nước phát triển có thu nhập cao vào năm 2047. Một số dự báo cũng cho thấy, New Delhi đang trên đường trở thành nền kinh tế lớn thứ ba thế giới trong vòng 6 năm tới. Song, liệu Ấn Độ có thể trở nên “giàu trước khi già” hay không hiện vẫn là hoài nghi của các nhà kinh tế.
Công nhân Ấn Độ trong một ca làm việc. Ảnh: BBC
Theo Ngân hàng Thế giới (WB), các nền kinh tế có thu nhập cao là nơi có thu nhập bình quân đầu người từ 13.846USD trở lên. Và với thu nhập bình quân đầu người 2.400USD, Ấn Độ nằm trong số các quốc gia có thu nhập trung bình thấp. Do đó, các nhà kinh tế cho rằng ngay cả ở mức tăng trưởng thu nhập bình quân đầu người hằng năm là 4%, thu nhập bình quân đầu người của Ấn Độ sẽ chỉ đạt khoảng 10.000USD vào năm 2060, thấp hơn mức thu nhập hiện tại của Trung Quốc.
Trong vài năm nay, nhiều nhà kinh tế cảnh báo rằng nền kinh tế Ấn Độ có thể rơi vào “bẫy thu nhập trung bình” - khái niệm được dùng để chỉ những quốc gia có thời gian tăng trưởng nhanh và nhanh chóng đạt tới ngưỡng thu nhập trung bình nhưng sau đó lại không thể vượt qua ngưỡng thu nhập trung bình để trở thành các nền kinh tế thu nhập cao. Báo cáo mới đây của WB cũng đưa ra lo ngại tương tự. Theo báo cáo, với tốc độ tăng trưởng hiện tại, Ấn Độ sẽ cần tới 75 năm nữa mới có thể đạt được ¼ thu nhập bình quân đầu người của Mỹ. Báo cáo cho hay, hơn 100 quốc gia, gồm Ấn Độ, Trung Quốc, Brazil và Nam Phi, phải đối mặt với “những trở ngại nghiêm trọng”, có thể cản trở nỗ lực trở thành quốc gia có thu nhập cao trong vài thập niên tới.
Để đi đến kết luận trên, các nhà nghiên cứu của WB theo dõi thu nhập của 108 quốc gia có thu nhập trung bình, vốn chiếm 40% tổng sản lượng kinh tế thế giới. Đây là nơi sinh sống của ¾ dân số thế giới và cũng là nơi có gần 2/3 dân số sống trong tình trạng cực kỳ nghèo khổ. Họ cho rằng những quốc gia này phải đối mặt với những thách thức lớn hơn trong việc thoát khỏi “bẫy thu nhập trung bình”, gồm tình trạng dân số già đi nhanh chóng, chủ nghĩa bảo hộ gia tăng ở các nền kinh tế tiên tiến và nhu cầu cấp thiết về chuyển đổi năng lượng.
“Tuy nhiên, quá nhiều quốc gia trong số này dựa vào các chiến lược lỗi thời để trở thành nền kinh tế tiên tiến.” - Indermit Gill, nhà kinh tế trưởng của WB và là một trong những tác giả của báo cáo, cho biết. Chưa kể, tốc độ phát triển của các doanh nghiệp ở các nước có thu nhập trung bình thường chậm. Chẳng hạn, các công ty ở Ấn Độ, Mexico và Peru hoạt động trong 40 năm thường chỉ có quy mô gấp đôi, trong khi các công ty ở Mỹ tăng trưởng gấp 7 lần trong cùng thời kỳ, qua đó cho thấy các doanh nghiệp ở các quốc gia có thu nhập trung bình gặp nhiều khó khăn trong tăng trưởng nhưng vẫn phải tồn tại trong nhiều thập niên.
Trong bối cảnh trên, giới chuyên gia cho rằng nếu Ấn Độ muốn gia nhập nhóm các nước phát triển, New Delhi cần phải có cách tiếp cận mới, như cần tập trung đầu tư nhiều hơn, tiếp thu các công nghệ mới từ khắp nơi trên thế giới và tăng cường đổi mới.
Báo cáo cho rằng Hàn Quốc là ví dụ điển hình cho chiến lược này. Năm 1960, thu nhập bình quân đầu người của Hàn Quốc chỉ là 1.200USD nhưng đến năm 2023, con số này lên tới 33.000USD. Ban đầu, Hàn Quốc đẩy mạnh đầu tư công tư. Vào những năm 1970, nước này chuyển sang chính sách công nghiệp để khuyến khích các doanh nghiệp trong nước áp dụng công nghệ nước ngoài và ứng dụng phương pháp sản xuất tiên tiến.
Các quốc gia như Ba Lan hay Chile cũng đi theo con đường tương tự. Trong khi Ba Lan tăng năng suất sản xuất bằng cách áp dụng công nghệ từ Tây Âu, Chile khuyến khích chuyển giao công nghệ để thúc đẩy đổi mới địa phương; áp dụng kỹ thuật nuôi cá hồi của Na Uy để trở thành nước xuất khẩu cá hồi hàng đầu thế giới.
Kể từ năm 1990, chỉ có 34 quốc gia có thu nhập trung bình chuyển sang trạng thái thu nhập cao. Đáng chú ý, hơn 1/3 trong số các nước này “phất lên” nhờ việc hội nhập vào Liên minh châu Âu hoặc từ trữ lượng dầu mỏ mới được phát hiện.
TRÍ VĂN (Theo BBC)