13/02/2023 - 19:38

Ai sẽ kế nhiệm chức Tổng Thư ký NATO? 

HẠNH NGUYÊN (Theo AFP, DW)

Tổ chức Hiệp ước Bắc Ðại Tây Dương (NATO) ngày 12-2 xác nhận Tổng Thư ký Jens Stoltenberg sẽ kết thúc nhiệm kỳ vào cuối năm nay, kéo theo những đồn đoán mới về người kế nhiệm ông.

Tổng Thư ký Stoltenberg phát biểu tại trụ sở NATO. Ảnh: Reuters

Một số quốc gia thành viên đã xem xét kế hoạch kéo dài nhiệm kỳ của ông Stoltenberg đến tháng 4-2024 để giám sát phản ứng của NATO đối với cuộc khủng hoảng bùng phát do Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine.

Tuy nhiên, ngay sau khi Tổng Thư ký Stoltenberg trở về từ hội nghị cấp cao tại Washington (Mỹ), phát ngôn viên của ông xác nhận cựu Thủ tướng Na Uy sẽ chấm dứt nhiệm kỳ vào tháng 10 tới. “Nhiệm kỳ của Tổng Thư ký Stoltenberg đã được kéo dài 3 lần và ông đã phục vụ tổng cộng gần 9 năm”, người phát ngôn Oana Lungescu nói, đồng thời cho biết vị này không có ý định gia hạn nhiệm kỳ hiện tại.

Quyết định của ông Stoltenberg sẽ mở ra cuộc đua trong số các quan chức cấp cao của châu Âu nhằm thay thế chính khách 63 tuổi, trong đó nhiều chính phủ tỏ ra thận trọng khi đề xuất các ứng viên. Tổng Thư ký NATO luôn là người châu Âu, ngay cả khi trên thực tế Mỹ có lá phiếu quyết định về việc bổ nhiệm nhân vật này. Trong 7 thập niên qua, NATO được dẫn dắt bởi một loạt người đàn ông phương Tây và giới quan sát nghĩ rằng đây là lúc một phụ nữ hoặc một người ở phía Ðông tiếp quản ghế lãnh đạo.

Cơ hội cho các “bóng hồng”

Bốn tổng thư ký gần nhất của NATO dường như được chọn ở các nước quanh Biển Bắc theo hướng ngược chiều kim đồng hồ, bắt đầu là người Anh, rồi người Hà Lan, người Ðan Mạch và nay là người
Na Uy.

Trong khi đó, sự tập trung chiến lược của NATO đang chuyển sang sườn Ðông, nơi các thành viên mới của liên minh tại duyên hải Biển Baltic và Biển Ðen lại đang đối đầu với Nga. Ba Lan và các quốc gia vùng Baltic hiện đã nhận thấy những cảnh báo lâu nay về Mát-xcơ-va là có lý, nên kêu gọi vũ trang cũng như hỗ trợ Ukraine chống Nga. Ðiều này dẫn tới việc thúc giục NATO bổ nhiệm các nhân vật như nữ Thủ tướng Litva Ingrida Simonyte hoặc người đồng cấp Estonia Kaja Kallas làm tổng thư ký liên minh quân sự gồm 30 quốc gia thành viên.

Dù vậy, một số người lập luận rằng chỉ định một nhân vật ở vùng Baltic sẽ bị coi là quá khiêu khích với Nga, đẩy các đồng minh tới gần hơn cuộc xung đột trực tiếp với Mát-xcơ-va, trong bối cảnh các đồng minh này đang viện trợ vũ khí và tài chính cho Kiev.

Vậy nếu không phải một nhân vật “diều hâu” ở vùng Baltic, thì ứng viên nặng ký còn là những ai? Chưa ứng viên nào được công bố chính thức, song các nhà ngoại giao tại Brussels (Bỉ, nơi đặt trụ sở NATO) cho rằng Hà Lan sẽ giới thiệu bộ trưởng quốc phòng của họ, bà Kajsa Ollongren.

Trong khi đó, Anh đã đóng góp 3 tổng thư ký trong suốt chiều dài lịch sử NATO và lâu nay muốn tự xem mình như cầu nối giữa châu Âu và Mỹ. Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace thường được coi như ứng viên tiềm năng nhưng có thể sẽ không được hoan nghênh bởi 21 quốc gia thành viên NATO và cũng là thành viên Liên minh châu Âu (EU). Việc Anh rời EU đã gây tổn hại cho quan hệ giữa Luân Ðôn với các nước trong khối này.

Kịch bản trên khiến các nhân vật ở sườn Nam của NATO như cựu Thủ tướng Ý Mario Draghi và Tổng thống Romania Klaus Iohannis trở nên “sáng cửa”. Và điều gì xảy ra nếu NATO lần đầu tiên chọn một tổng thư ký không đến từ châu Âu mà ủng hộ một người Canada như Phó Thủ tướng Chrystia Freeland?

“Chưa có sự đồng thuận”, một quan chức NATO thừa nhận, giữa lúc các thông tin cho rằng Nhà Trắng chưa nghĩ nhiều đến chuyện tìm người kế nhiệm ông Stoltenberg. Tân Tổng Thư ký dự kiến sẽ lộ diện tại Hội nghị thượng đỉnh NATO diễn ra ở thủ đô Vilnius của Litva vào
tháng 7 tới.

Ông Stoltenberg trở thành người đứng đầu NATO vào tháng 10-2014 và lèo lái tổ chức qua nhiều cuộc khủng hoảng quốc tế. Ông là vị tổng thư ký đáng kính và đặc biệt đã trở thành cầu nối giữa các đồng minh châu Âu và Mỹ dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump, nhân vật thường xuyên chỉ trích NATO liên quan chi tiêu quốc phòng.

Chia sẻ bài viết