19/01/2014 - 20:10

Ai Cập sắp thôi bất ổn?

Cùng với loan báo có tới 98,1% cử tri tán thành hiến pháp mới, Chính phủ Ai Cập được quân đội hậu thuẫn tự tin cho rằng điều đó thể hiện sự ủng hộ rất lớn của dân chúng đối với lộ trình dân chủ mà họ đã chọn sau khi lật đổ Tổng thống dân cử Mohamed Morsi hồi tháng 7 năm ngoái. Các phương tiện truyền thông trong nước cũng hồ hởi khẳng định thực hiện hiến pháp mới là con đường duy nhất để có ổn định sau 3 năm chao đảo chính trị và khó khăn kinh tế kể từ cuộc nổi dậy lật đổ Tổng thống có “thâm niên” 30 năm cầm quyền Hosni Mubarak năm 2011. Điểm nổi bật trong hiến pháp mới của Ai Cập là cấm các đảng Hồi giáo hoạt động, trong khi quyền lực của cảnh sát, cơ quan tư pháp và đặc biệt là quân đội được tăng cường. Theo đó, quân đội được phép bổ nhiệm bộ trưởng quốc phòng trong 8 năm tới, ngân sách của họ là “vùng cấm” đối với chính quyền dân sự và tòa án binh có quyền xét xử cả dân thường.

Tỷ lệ cử tri tham gia cuộc trưng cầu dân ý về hiến pháp vào tuần rồi (38,6%) tuy không cao như hồi ông Mubarak bị phế truất (41,9%) nhưng nhỉnh hơn so với cuộc bỏ phiếu dưới trào ông Morsi (32,9%).

Một số nhà phân tích cho rằng cuộc trưng cầu dân ý vừa rồi có vẻ như là nhằm bỏ phiếu cho giới lãnh đạo hiện thời hơn là nội dung hiến pháp. Ngay trước khi diễn ra cuộc bỏ phiếu, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Quốc phòng Abdel Fatah al-Sisi, người cầm đầu cuộc chính biến lật đổ ông Morsi, đã bóng gió rằng sẽ ra tranh cử tổng thống, dự kiến vào tháng 4 tới, nếu tỷ lệ cử tri đi bầu và số người ủng hộ hiến pháp cao. Theo Reuters, trong mắt nhiều người dân Ai Cập, Tướng Sisi là một nhà lãnh đạo mạnh mẽ, có khả năng ổn định đất nước đang trong tình trạng rối loạn. Trong một động thái có liên quan, Tổng thống lâm thời Adly Mansour mới đây thông báo chính phủ có thể thay đổi lộ trình chuyển tiếp chính trị, cụ thể là sau khi trưng cầu dân ý về hiến pháp sẽ tiến hành bầu cử tổng thống chứ không phải chọn quốc hội trước như kế hoạch ban đầu. Giới quan sát cho rằng sự điều chỉnh này, nếu có, là nhằm giúp tổng thống mới (nhiều khả năng là ông Sisi) kiểm soát quốc hội, chẳng hạn như thông qua việc thành lập một chính đảng hay một liên minh.

Thật ra con số gần như tuyệt đối cử tri ủng hộ hiến pháp mới không khỏa lấp nổi những chia rẽ trong lòng xã hội Ai Cập. Trong cuộc bỏ phiếu vừa qua, có sự khác biệt rõ rệt về tỷ lệ người đi bầu ở miền Nam và miền Bắc. Tại miền Nam, “sân nhà” của Huynh đệ Hồi giáo, số người đến thùng phiếu rất thấp. Tổ chức này lâu nay đấu tranh đòi phục chức cho ông Morsi dẫn tới nhiều cuộc đàn áp đẫm máu và bắt bớ hàng loạt. Kể từ khi ông Morsi bị phế truất đến nay đã có hơn 1.000 người thiệt mạng trong các cuộc đụng độ và hàng ngàn thành viên Huynh đệ Hồi giáo bị giam giữ. Tổn thất nặng nề và thậm chí bị chính phủ gán cho cái mác “khủng bố” nhưng chưa có dấu hiệu tổ chức chính trị Hồi giáo lớn nhất và lâu đời nhất Ai Cập này sẽ lùi bước, và điều đó chắc chắn sẽ tiếp tục là mối đe dọa đối với sự ổn định của xứ Kim tự tháp trong thời gian tới.

LÊ DÂN

Chia sẻ bài viết