30/01/2011 - 10:35

Ai Cập: Biểu tình vẫn tiếp diễn sau khi tổng thống sa thải nội các

Bài phát biểu của Tổng thống Mubarak không thể xoa dịu dư luận. Ảnh: Xinhua 

Sáng sớm 29-1, trong lần xuất hiện đầu tiên trên truyền hình kể từ khi bùng nổ làn sóng biểu tình tại nhiều thành phố làm ít nhất 51 người thiệt mạng và hơn 1.100 người bị thương, Tổng thống Ai Cập Hosni Mubarak thông báo ông đã sa thải nội các và trong hôm nay 30-1 sẽ thành lập chính phủ mới để thực hiện cải cách kinh tế, xã hội và chính trị. Tuy nhiên, ông tuyên bố không từ chức, cho rằng những khó khăn của đất nước không thể giải quyết bằng bạo lực, đồng thời ra lệnh cho lực lượng quân đội và an ninh áp dụng mọi biện pháp cần thiết để duy trì an ninh, lập lại trật tự. Trong bài phát biểu, Tổng thống Mubarak nhấn mạnh Ai Cập cần đối thoại, chứ không phải bạo lực. Ông nêu rõ con đường cải cách mà Ai Cập đã lựa chọn là không thể đảo ngược. Chính quyền mới sẽ thúc đẩy các bước đi mới nhằm hướng tới tự do và dân chủ hơn nữa, giải quyết tình trạng thất nghiệp và nâng cao mức sống của người dân, cải thiện chất lượng dịch vụ.

Bất chấp việc Tổng thống Mubarak sa thải nội các và cam kết tiến hành cải cách kinh tế và chính trị, sáng 29-1, hàng nghìn người vẫn tiếp tục xuống đường trong cuộc biểu tình chống chính phủ nay đã bước sang ngày thứ năm. Những người biểu tình tập trung tại quảng trường Tahrir ở Thủ đô Cairo đòi ông Mubarak từ chức. Trong khi đó, bạo lực cũng nổ ra tại thành phố cảng Ismailiya ở phía Đông Cairo với thành phần tham gia chủ yếu là công nhân cảng, khiến cảnh sát phải dùng đạn cao su và hơi cay để giải tán đám đông.

Biểu tình vẫn tiếp diễn ở Thủ đô Cairo hôm 29-1. Ảnh: Telegraph

Kênh truyền hình Al Jazeera đưa tin những người biểu tình trước đó cũng đã tấn công trụ sở Đài truyền hình quốc gia Ai Cập ở Cairo. Theo các nguồn tin, ít nhất 20 người thiệt mạng trong các vụ đụng độ với lực lượng an ninh trên khắp Ai Cập trong ngày 28-1 khi làn sóng biểu tình bước sang ngày thứ 4. Tại thành phố Suez, ít nhất 13 người thiệt mạng và 75 người bị thương, trong khi tại Cairo, ít nhất 5 người thiệt mạng và hàng trăm người bị thương. Đây là đỉnh điểm của vụ bất ổn đe dọa nghiêm trọng nhất đối với ông Mubarak trong vòng 3 thập kỷ ông cầm quyền.

Trong cuộc điện đàm 30 phút ngày 29-1 với ông Mubarak, Tổng thống Mỹ Barack Obama yêu cầu chính phủ Ai Cập không sử dụng vũ lực đối với người biểu tình, dọa sẽ xem xét lại khoản viện trợ 2 tỉ USD hằng năm cho Ai Cập, đồng thời yêu cầu ngừng phong tỏa dịch vụ Internet, đặc biệt là đối với hai trang mạng Twitter và Facebook. Cuộc họp cùng ngày của các quan chức an ninh Nhà Trắng đã dành tới 40 phút thảo luận về tình hình Ai Cập.

P.V (Theo AP, Reuters, TTXVN)

Phản ứng trước bài phát biểu của Tổng thống Mubarak, một người biểu tình ở thành phố cảng Alexandria nói: “Chúng tôi không quan tâm chuyện chính phủ có giải tán hay không, điều chúng tôi muốn là ông ấy (Tổng thống Mubarak) phải từ chức”. Trong khi đó, một sinh viên tham gia biểu tình cho biết vật giá vẫn tăng cao, các vấn đề thất nghiệp, tham nhũng... vẫn còn đó, chưa có vấn đề nào được giải quyết. “Ông ta nghĩ những lời nói của ông sẽ làm dịu tình hình nhưng chỉ làm mọi người giận dữ thêm thôi”, Kamal Mohammad, một người dân ở Cairo, nói trong nỗi thất vọng.

Các nhà quan sát cho rằng những cam kết về cải cách xã hội mà ông Mubarak đưa ra khá mơ hồ nhằm níu kéo quyền lực chứ không thể hiện quyết tâm giải quyết những vấn đề cấp bách mà Ai Cập đang đối mặt. Vì thế tình hình rối ren ở quốc gia Bắc Phi này sẽ còn diễn biến phức tạp, nhất là sau khi có tin nói rằng nhà vận động cải cách hàng đầu nước này, ông El-Baradei - cựu tổng giám đốc Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) từng đoạt giải Nobel Hòa bình năm 2005 - đang bị quản thúc tại gia không lâu sau khi trở về nước hôm 27-1.

Bài phát biểu của Tổng thống Mubarak không thể xoa dịu dư luận. Ảnh: Xinhua 

Chia sẻ bài viết