24/01/2018 - 10:30

Ấn Độ muốn có vai trò lớn hơn trên thế giới 

Tại Hội nghị thường niên Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) lần thứ 48 khai mạc ở Davos (Thụy Sĩ) hôm 23-1, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi nỗ lực tìm kiếm vai trò lớn hơn trên toàn cầu cho quốc gia Nam Á, đồng thời cam kết với các nhà đầu tư rằng New Delhi sẽ thực hiện nhiều cải cách kinh tế hơn.

Ông Modi trở thành thủ tướng đầu tiên của Ấn Độ trong hai thập niên qua tham dự WEF. Theo Vijay Gokhale, quan chức ngoại giao hàng đầu phụ trách vấn đề kinh tế của Ấn Độ, thông điệp chính được Thủ tướng Modi đưa ra tại sự kiện này là Ấn Độ sẽ mở cửa cho các doanh nghiệp và nền kinh tế nước này có thể đóng góp vào sự phát triển của thế giới bởi mức sống tại đây đang được cải thiện. Ông Gokhale cho rằng tầm nhìn của Ấn Độ là kinh tế toàn cầu mở.

 Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi (trái) bắt tay Tổng thống Thụy Sĩ Alain Berset tại Davos. Ảnh: Hindustantimes

Trong khi nền kinh tế trị giá 2.000 tỉ USD của Ấn Độ được dự báo sẽ tăng trưởng với tốc độ chậm nhất kể từ năm 2014 sau một loạt thay đổi chính sách gây hỗn loạn, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho rằng tốc độ tăng trưởng của nước này sẽ trở lại mức gần 8% trong 4 năm tới. Ấn Độ thậm chí sẽ vượt qua Đức để trở thành nền kinh tế lớn thứ 4 thế giới vào năm 2022, qua đó mở ra cơ hội lớn cho những công ty trên toàn cầu muốn mở rộng thị trường. Với dự báo trên, các quan chức Ấn Độ cho biết nhiều giám đốc điều hành và nhà đầu tư đang tìm kiếm thông tin về lộ trình cải cách mà chính phủ nước này sẽ theo đuổi. Vì lẽ đó mà các quan chức tháp tùng Thủ tướng Modi trong chuyến đi trên như Bộ trưởng Công nghiệp và Thương mại Suresh Prabhu, Bộ trưởng Đường sắt Piyush Goyal và Bộ trưởng Dầu mỏ Dharmendra Pradhan sẽ có các cuộc gặp với lãnh đạo của nhiều công ty, từ hãng chế tạo máy bay Airbus cho đến tập đoàn xe hơi Mỹ General Motors để vạch ra chương trình nghị sự kinh tế, trong đó tập trung vào việc loại bỏ thái độ quan liêu và đảo ngược hình ảnh Ấn Độ bị cho là thị trường khó khởi đầu và làm ăn.

Thực ra, Ấn Độ đang phụ thuộc vào đầu tư nước ngoài do kinh tế nước này chịu thâm hụt kép ở ngân sách và tài khoản vãng lai. Quốc gia Nam Á đã thu hút lượng đầu tư trực tiếp nước ngoài trị giá 195 tỉ USD kể từ khi ông Modi trở thành thủ tướng năm 2014, mặc dù còn thua xa nước láng giềng Trung Quốc. Phần thưởng cho nỗ lực cải cách của Thủ tướng Modi là Ấn Độ đã tăng 30 bậc so với xếp hạng trước, lên vị trí 100 trong báo cáo Chỉ số thuận lợi kinh doanh 2018 của Ngân hàng Thế giới (WB). Nhưng chính sách cải cách thuế hàng hóa và dịch vụ hồi tháng 7 năm ngoái và lệnh cấm tiền giấy giá trị cao chưa từng có cuối 2016 đã ảnh hưởng đến nền kinh tế và tâm lý đầu tư của doanh nghiệp.

THANH BÌNH (Theo Bloomberg, conomictimes)

Chia sẻ bài viết