10/10/2016 - 20:24

“Vào mùa” bệnh tay chân miệng

Đầu tháng 9-2016 đến nay, bệnh tay chân miệng (TCM) có dấu hiệu tăng nhanh. Theo Bệnh viện Nhi đồng (BVNĐ) TP Cần Thơ, 9 tháng năm 2016, bệnh viện điều trị nội trú cho 1.659 bệnh nhi, tăng 13,2% so với cùng kỳ. Riêng tháng 9, bệnh viện điều trị nội trú 400 ca bị TCM.

* Có thể mắc nhiều lần

Chị Dương Thu Hồng, ở phường Xuân Khánh, quận Ninh Kiều, đang nuôi con 31 tháng tuổi bị bệnh TCM ở Khoa Nhiễm - Thần kinh, BVNĐ TP Cần Thơ, cho biết: "Bé bị sốt, tôi đưa đi khám và lấy thuốc uống. Khuya cùng ngày, bé sốt cao đột ngột, ói, đau bụng, gia đình gấp rút đưa vô nhập viện cấp cứu. Bác sĩ khám, soi họng thấy có nổi mụn. Qua ngày hôm sau, mụn nổi đầy miệng bé". Lúc hơn 3 tháng tuổi, bé Dương Hoài Nam, con chị Thu Hồng cũng bị TCM nên lần này chị không nghĩ con mình tái lại bệnh này. Chị Thu Hồng nói: "Vì bé nổi mụn trong họng nên tôi không nhìn thấy, chỉ nghĩ con bị sốt thông thường". Cũng như chị Thu Hồng, mẹ bé Trần Đắc Nguyên Khanh, ở phường Bình Thủy, quận Bình Thủy, không nghĩ con mình bị TCM. Bởi bé chỉ bị sốt, trong miệng nổi 2 mụn nhỏ. Do uống thuốc không hạ sốt nên gia đình đưa bé nhập viện điều trị. Gia đình rất bất ngờ khi bác sĩ nói bé bị TCM, bởi cách nay 1 tháng, bé Nguyên Khang cũng bị TCM, nổi mụn ở tay, chân.

Điều dưỡng hướng dẫn cho thân nhân bệnh nhi cách lau mát cho trẻ bị TCM sốt cao.

Nhiều bậc cha mẹ thấy con bị nổi mụn trong miệng, cứ tưởng trẻ bị đẹn miệng. Đến khi trẻ sốt cao, nôn, ói, nhập viện mới biết con mình bị TCM. Bác sĩ Nguyễn Phước Trung, Khoa Nhiễm - Thần kinh, BVNĐ TP Cần Thơ, cho biết: "Bệnh TCM có biểu hiện rất điển hình đó là nổi hồng ban, bóng nước ở tay, chân, miệng. Khi bệnh độ I, tức là sốt dưới 1 ngày hoặc sốt nhẹ, nổi hồng ban, bóng nước thì điều trị tại nhà. Khi bệnh TCM có biểu hiện như sốt cao liên tục, đáp ứng kém với thuốc hạ sốt, uống thuốc không hạ hoặc chỉ hạ 1 giờ đến 2 giờ là sốt cao trở lại, ngủ giật mình chới với, nôn ói nhiều, bỏ bú. Ở những trẻ lớn hơn, có tình trạng đi đứng loạng choạng, yếu tay chân... phải đưa đến cơ sở y tế có chuyên khoa nhi ngay". Bác sĩ Nguyễn Phước Trung lý giải việc trẻ có thể mắc TCM nhiều lần như sau: "Bệnh TCM do nhiều chủng vi rút gây bệnh khác nhau và khi mắc bệnh trẻ chỉ có miễn dịch tạm thời. Vì thế, trẻ có thể mắc bệnh nhiều lần".

Theo thông tin Khoa Nhiễm - Thần kinh, khoa hiện có 64 giường nhưng ngày 3-10-2016, tiếp nhận 92 bệnh; trong đó có 86 ca bệnh TCM. Theo các điều dưỡng, trước đây mỗi ngày khoa điều trị khoảng 35-40 ca TCM. Khoảng 1 tháng nay, lượng trẻ bị TCM nhập viện đột ngột tăng cao.

* Phân biệt giữa đẹn miệng và bệnh TCM

Bệnh TCM thể nhẹ thường lui bệnh sau 7-10 ngày nhưng có thể diễn biến nặng như: viêm màng não, viêm não, viêm cơ tim, phù phổi cấp..., dẫn đến tử vong. Bệnh nặng thường do virut EV71 gây ra. Theo ước tính của bác sĩ Khoa Nhiễm - Thần kinh, tỷ lệ bệnh nặng (độ IIB trở lên) chiếm từ 5-15%. Khoa có buồng bệnh nặng dành riêng cho trẻ bị TCM nặng hoặc trẻ có tiên lượng sẽ diễn tiến nặng để theo dõi thường xuyên. Những trẻ này được khám 4-6 giờ/lần. Nếu bệnh nhẹ, bác sĩ khám 2 lần/ngày. Tình hình bệnh nhi bị TCM năm nay cũng diễn biến phức tạp, hàng ngày, khoa đều có ca nặng, phải chuyển đến điều trị tại Khoa Hồi sức tích cực và Chống độc.

Để phân biệt giữa hồng ban, bóng nước của bệnh TCM và đẹn, bác sĩ Nguyễn Phước Trung chỉ dẫn như sau: "Đẹn thường có màu trắng, hay tái phát và không kèm nổi bóng nước ở lòng bàn tay, chân. Trong khi sang thương của bệnh TCM là vết loét đỏ, hay phỏng nước đường kính 2-3mm ở niêm mạc miệng, lợi, lưỡi, vỡ ra thành vết loét miệng gây đau miệng, bỏ ăn, bỏ bú, tăng tiết nước bọt và thường kèm theo sốt (đẹn thông thường không sốt). Vì bệnh do virus gây ra nên không có điều trị đặc hiệu, chủ yếu là điều trị triệu chứng như: hạ sốt, dinh dưỡng. Tuy nhiên, một số ít ca TCM có diễn biến rất nhanh, vì thế, cha mẹ cần theo dõi chặt chẽ tình trạng bệnh và chăm sóc y tế kịp thời nếu trẻ sốt cao, li bì, mất tỉnh táo, đi đứng yếu…". Về chăm sóc trẻ bệnh, điều dưỡng khoa Nhiễm - Thần kinh khuyên không nên bôi thuốc lên vết loét. Cha mẹ tắm rửa sạch sẽ cho trẻ để giảm tình trạng ngứa và ngừa bội nhiễm các vết loét; không kiêng cử, ăn thức ăn mềm, lỏng, dễ tiêu hóa, có thể chia làm nhiều bữa nhỏ... Khi trẻ sốt cao, lau mát cho trẻ và cần kịp thời đưa trẻ đến cơ sở y tế khi có dấu hiệu nặng.

Theo bác sĩ Trần Văn Tuấn, Trưởng khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm và Vắc xin sinh phẩm, TTYTDP TP Cần Thơ, Trung tâm cấp cho các quận, huyện 90 băng rôn, 90 áp phích và 875 kg hóa chất cloramin B để khử khuẩn. Từ đầu năm 2016 đến ngày 6-10-2016, toàn thành phố ghi nhận 638 ca TCM, tăng 30 ca so với cùng kỳ năm 2015. Đặc biệt từ tháng 9-2016 đến nay, bệnh TCM có dấu hiệu tăng dần, các phụ huynh cần lưu ý tích cực phòng bệnh cho trẻ.

Bài, ảnh: H.Hoa

Chia sẻ bài viết