16/08/2019 - 11:20

“Tái lập trình” vị giác để thích ăn rau hơn 

Đừng vội nói “không” với măng tây. Nghiên cứu mới cho thấy vị giác là giác quan có thể “tái lập trình” và mọi người sẽ cảm thấy thích vị hơi đắng của măng tây nếu ăn chúng thường xuyên. Thông tin này đặc biệt hữu ích với những phụ huynh muốn tập cho con trẻ thích ăn rau hơn, cũng như những người đang chuyển sang chế độ ăn chứa nhiều rau quả để giảm cân.

Bông cải xanh, măng tây và bắp cải tí hon có vị hơi đắng nhưng tốt cho sức khỏe.

Bông cải xanh, măng tây và bắp cải tí hon có vị hơi đắng nhưng tốt cho sức khỏe.

Nghiên cứu của các chuyên gia tại Đại học Buffalo (Mỹ) tiến hành trên chuột cho thấy ăn nhiều loại thực phẩm có vị đắng - đặc biệt là những loại có trong chế độ ăn uống lành mạnh – làm thay đổi các prôtêin trong nước bọt vốn ảnh hưởng đến cách chúng ta cảm nhận vị của thức ăn. Những thực phẩm đó bao gồm các loại rau họ cải, như bông cải xanh, bắp cải tí hon, cải bắp, cải xoăn, củ cải… mà nhiều trẻ em không thích.

Theo đó, các nhà nghiên cứu đã đổ đầy hai chai nước bằng các dung dịch có vị khác nhau và huấn luyện chuột (một số được biến đổi gien có prôtêin nước bọt giống như những người đã quen ăn thực phẩm có vị đắng) chọn chai nước có vị đắng hay ngọt. Tiến sĩ Ann-Marie Torregrossa, phó giám đốc của Trung tâm Nghiên cứu Hành vi Tiêu hóa của trường Buffalo, cho biết những con chuột có prôtêin nước bọt tiết ra vị đắng đã không nhận ra vị đắng ở nồng độ cao hơn, so với đồng loại không có prôtêin hoạt hóa này. Nói cách khác, khi các prôtêin này hiện diện, nước có vị đắng cũng giống như nước thường.

Nghiên cứu, công bố trên tạp chí Chemical Senses, kết luận việc tiếp xúc nhiều lần với thực phẩm đắng có thể làm thay đổi prôtêin trong nước bọt, về cơ bản là làm dịu sự chán ghét ban đầu đối với vị đắng cũng như các vị khó tiếp nhận khác (như chua, cay). “Nếu chúng ta có thể thuyết phục mọi người dùng thử bông cải xanh, rau xanh và thực phẩm đắng, họ nên biết rằng bằng cách tiêu thụ chúng nhiều lần, họ sẽ cảm thấy ngon hơn nhờ dần dần điều chỉnh các prôtêin này” - bà Torregrossa nói thêm. Mặc dù chuột và người khác nhau rất nhiều về nhiều mặt, nhưng nghiên cứu này cung cấp cái nhìn sâu sắc về cách thức mà khẩu vị của chúng ta có thể thích nghi với các loại thực phẩm nếu ăn thường xuyên.

Các chuyên gia nói rằng việc cho ăn lặp đi lặp lại cũng như lôi kéo trẻ nhỏ tham gia quá trình nấu ăn là những cách chắc chắn giúp thay đổi suy nghĩ - hoặc ít nhất là nước bọt - của những đứa trẻ khó ăn. Catherine Brennan, một chuyên gia dinh dưỡng thường viết bài cho trang FeelingFullNutrec.com, cũng đề nghị mọi người nên làm theo lời khuyên của hầu hết chuyên gia dinh dưỡng nhi khoa: Thử cho trẻ ăn một loại thực phẩm mới 10 lần trở lên trước khi từ bỏ. Bằng sự lặp đi lặp lại, bộ não của chúng ta có thể quen với món mới, và nếu không được ăn nữa, chúng ta sẽ có cảm giác thèm. Tuy nhiên, bà khuyến cáo cách này chỉ nên áp dụng khi tập ăn thực phẩm lành mạnh.

HOÀNG ĐIỂU (Theo MedicalNewsToday)

Chia sẻ bài viết