19/02/2013 - 14:32

Thủ tướng Anh thăm Ấn Độ:

“Sứ mạng thương mại” của ông Cameron

Thủ tướng Cameron dẫn đầu phái đoàn Anh thăm Ấn Độ. Ảnh: itv.com

Sau chuyến thăm của Tổng thống Pháp Francois Hollande, Ấn Độ bắt đầu đón tiếp Thủ tướng Anh David Cameron, người dẫn đầu phái đoàn thương mại rầm rộ nhất trong lịch sử công cán nước ngoài của nhà lãnh đạo xứ sương mù. Đây thật sự là “sứ mạng thương mại” giữa các quốc gia châu Âu đang chìm ngập nợ nần muốn cạnh tranh tìm kiếm lợi ích tại một trong những nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới.

Thủ tướng Cameron, 4 bộ trưởng, 9 đại biểu quốc hội và đại diện hơn 100 doanh nghiệp hàng đầu Vương quốc Anh đã đặt chân xuống thành phố sầm uất Mumbai sáng 18-2 để bắt đầu chuyến thăm 3 ngày lần thứ hai tại Ấn Độ, trong đó trọng tâm là cuộc gặp thượng đỉnh với Thủ tướng nước chủ nhà Manmohan Singh tại Thủ đô New Delhi.

Nhiều cơ hội đầu tư

Báo chí Anh cho biết chính phủ nước này đã xác định 8 lĩnh vực đang có nhu cầu lớn mà giới doanh nghiệp xứ sương mù nên tăng cường đầu tư vào Ấn Độ gồm kết cấu hạ tầng, dịch vụ tài chính, nghiên cứu và sáng tạo, công nghiệp chế tạo tân tiến, năng lượng, chăm sóc y tế, giáo dục và đào tạo nghề. Chỉ tính riêng lĩnh vực đầu tư kết cấu hạ tầng trong vòng 5 năm tới ở Ấn Độ có giá trị lên đến 1.000 tỉ USD . Ông Cameron kỳ vọng có thể nhận được hợp đồng phát triển hệ thống tàu điện ngầm đô thị, hay đầu tư xây dựng hàng loạt khách sạn mới tại Ấn Độ.

Trong bài phát biểu đầu tiên trước giới doanh nghiệp và nhân viên tại công ty Hindustan Unilever ở Mumbai, Thủ tướng Anh cho biết ông mong muốn các công ty Anh hỗ trợ Ấn Độ phát triển các thành phố và thị trấn mới nằm dọc hành lang dài 1.000km giữa Mumbai và Bangalore có tổng giá trị 25 tỉ USD. Ông cũng muốn hai nước nâng kim ngạch thương mại song phương từ 18 tỉ USD năm 2010 lên 23 tỉ USD vào năm 2015.

Ấn Độ, quốc gia Nam Á đông dân thứ hai hành tinh, có nền kinh tế lớn thứ 10 thế giới và có thể vươn lên thành nền kinh tế lớn thứ ba toàn cầu vào năm 2050. Cơ hội kinh doanh ở tiểu lục địa với 40% dân số là tầng lớp trung lưu này trong vài thập niên tới vì thế được coi là “vô hạn”. Hiện nay, Anh là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ 5 tại cựu thuộc địa. Trả lời phỏng vấn của tờ Hindustan Times (Ấn Độ), ông Cameron nói rằng Anh-Ấn có “mối quan hệ đặc biệt”, cụm từ thường được dùng trong quan hệ Anh-Mỹ nhưng đang ngày càng thay đổi sâu sắc. Ông cho rằng Anh-Ấn có thể trở thành “một trong những cặp đối tác vĩ đại trong thế kỷ 21”. Ông cũng gọi cường quốc đang lên Ấn Độ là một đối tác chiến lược trọng yếu trong “cuộc chạy đua toàn cầu”.

Tranh hợp đồng chiến đấu cơ

Ngoài chuyện tìm kiếm cơ hội đầu tư cho các doanh nghiệp, Thủ tướng Cameron muốn thuyết phục New Delhi mua máy bay chiến đấu Eurofighter Typhon của châu Âu mà nước Anh có phần lợi lớn trong đó, thay cho những chiếc Dassault Rafale của Pháp. Theo báo chí Anh, Tổng thống Pháp Hollande đã thất bại trong kế hoạch hoàn tất thỏa thuận bán 126 chiến đấu cơ Rafale trị giá 14 tỉ USD cho Ấn Độ trong chuyến thăm 2 ngày hồi cuối tuần qua tại nước này và đây là cơ hội cho ông Cameron “ve vãn” New Delhi. Ngoài ra, tập đoàn chế tạo vũ khí BAE  Systems của Anh hy vọng có thể bán được 145 khẩu pháo M777 Howitzer trị giá khoảng 500 triệu USD cho Ấn Độ.

Thế nhưng,  hãng tin Reuters nhận định công việc “thuyết khách” của ông Cameron tại Ấn Độ để nước này mua nhiều trang thiết bị quân sự là không dễ dàng. Reuters thậm chí đánh giá thời điểm Thủ tướng Anh đi thăm Ấn Độ là “không lý tưởng”. Bởi chính quyền New Delhi mới đây đã đòi hủy bỏ hợp đồng mua 12 chiếc máy bay lên thẳng trị giá 750 triệu USD do công ty liên doanh Anh-Ý AgustaWestland (thuộc tập đoàn Finmeccanica của Ý) chế tạo vì nghi án đưa hối lộ. Các quan chức Ấn Độ muốn ông Cameron phải có câu trả lời đầy đủ về việc chính quyền Anh có biết rõ vụ xì-căng-đan này hay không.

 ĐỨC TRUNG (Tổng hợp)

Thủ tướng Cameron dẫn đầu phái đoàn Anh thăm Ấn Độ. Ảnh: itv.com

Chia sẻ bài viết