11/11/2021 - 09:00

“Nước giàu cũng khóc” do COVID-19 

Nguy cơ mất an ninh lương thực đang đe dọa một bộ phận người dân Singapore khi họ phải vật lộn để kiếm việc làm và thu nhập chạm đáy trong bối cảnh đại dịch COVID-19 tiếp tục hoành hành.

“Thắt lưng buộc bụng”

Trong đợt dịch bùng phát vào tháng 3-2020, Danny Goh bị mất công việc bồi bàn và gia đình gồm hai vợ chồng với 4 đứa trẻ trong 8 tháng sau đó sống chủ yếu dựa vào mì gói cùng thực phẩm do người thân viện trợ. Tuy Goh hiện tìm được công việc mới, nhưng thu nhập dao động từ 594-2.078USD/tháng hầu như không đủ cho gia đình lớn của họ. Ðể tiết kiệm, cả 6 người chỉ ăn 2 bữa/ngày, thậm chí Goh thường bỏ bữa hoặc ăn một lần trong ngày để nhường cho 4 đứa trẻ. Nếu tủ lạnh nhà họ trước đây trữ đầy rau củ, trái cây tươi, thịt gà, thịt bò, nước ngọt và đồ ăn nhẹ, tất cả nhu yếu phẩm này giờ đây trở nên quá xa xỉ.

Người dân Singapore giảm thói quen ăn ngoài do COVID-19. Ảnh: Getty Images

Ðối với người dân Singapore, đi ăn ngoài là thú tiêu khiển và nét đặc trưng trong văn hóa ẩm thực đường phố vốn được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể. Nhưng tất cả đã thay đổi khi đại dịch COVID-19 bùng phát làm nhiều người phải “thắt lưng buộc bụng”. Chẳng hạn gia đình cựu kỹ thuật viên trường quay Joshua, thay vì thường xuyên dẫn con gái đi ăn ngoài như trước, Joshua cùng vợ mỗi tháng phải tìm cách chi tiêu hợp lý khi thu nhập giảm một nửa, còn khoảng 1.039USD. Dành 297USD cho thực phẩm, họ tiết kiệm bằng cách mua đồ đông lạnh hoặc sử dụng phiếu giảm giá và chọn những hãng rẻ.

Nhiều người cần hỗ trợ

Cả Goh lẫn Joshua đều là ví dụ điển hình của tầng lớp lao động dễ tổn thương trong đại dịch COVID-19, chủ yếu gồm những người có mức thu nhập thấp nhất trong các công việc bấp bênh và ít công cụ đảm bảo an toàn. Một nghiên cứu kéo dài 6 tháng được tổ chức từ thiện địa phương Beyond Social Services công bố hồi đầu năm cho thấy, thu nhập trung bình của hộ gia đình tìm đến sự giúp đỡ của nhóm đã giảm từ 1.187USD trước đại dịch xuống còn 371USD. Một nghiên cứu khác thì tiết lộ, tình trạng mất an ninh lương thực ngày càng kéo dài đối với nhóm sống trong các căn hộ được nhà nước trợ cấp (khoảng 85% người Singapore sống trong các khu nhà ở xã hội).

Theo tìm hiểu giữa Hãng tin Al Jazeera và các tổ chức từ thiện ở Singapore, nhiều thành phần mới trong xã hội đang tìm đến viện trợ lương thực vì đại dịch, từ người trẻ lao động tự do đến gia đình có thu nhập trung bình. Một số người cho biết họ đôi lúc phải uống nhiều nước hoặc ăn nhiều tinh bột để no bụng, chọn mua những món giá rẻ để cân đối tài chính hơn là giá trị dinh dưỡng. Có gia đình thậm chí ăn một bữa/ngày hoặc cho con cái uống cà phê sữa nóng vì không đủ tiền mua sữa công thức.

Năm 2019, Singapore được xếp hạng là quốc gia an toàn lương thực nhất thế giới trong Chỉ số An ninh Lương thực Toàn cầu. Nhưng giống nhiều nơi khác trên thế giới, tác động của đại dịch COVID-19 đến sinh kế khiến một bộ phận người dân đảo quốc Sư tử rơi vào trạng thái dễ tổn thương và đối mặt cuộc khủng hoảng dinh dưỡng.

Theo báo cáo của Ðại học Quản lý Singapore, có 1/10 người gặp tình trạng mất an ninh lương thực ít nhất một lần trong vòng 12 tháng. Trong số này, cứ 5 hộ gia đình thì có 2 hộ lâm vào cảnh mất an ninh lương thực ít nhất 1 lần/tháng. Nhưng vấn đề ít được biết do nhiều người không tìm hỗ trợ thực phẩm bởi e ngại hoặc không biết về viện trợ sẵn có hoặc nghĩ người khác cần hơn mình.

Bộ Phát triển Gia đình và Xã hội cũng nhận ra tình trạng mất an ninh lương thực trong nước với khoảng 4,5% dân số được dự đoán đối mặt vấn đề ở mức trung bình đến nghiêm trọng. Con số trên thấp hơn so với các nền kinh tế phát triển khác như Mỹ (8%), New Zealand (14%), Úc (12,3%) và Hàn Quốc (5,1%), nhưng báo cáo của Beyond Social Services lo ngại thiếu lương thực kéo dài có thể dẫn tới nhiều vấn đề sức khỏe cộng đồng nghiêm trọng hơn.

MAI QUYÊN

Chia sẻ bài viết