11/07/2024 - 21:34

“Cú hích” cho Ukraine trên đường gia nhập NATO 

Tuyên bố chính thức tại Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Ðại Tây Dương (NATO) ở Mỹ không mời Ukraine tham gia liên minh, nhưng nói rằng Kiev đang trên con đường “không thể đảo ngược” để trở thành thành viên của khối quân sự này.

Lãnh đạo các nước NATO chụp ảnh chung tại Washington, Mỹ ngày 10-7. Ảnh: Getty Images

“Tương lai của Ukraine là trong NATO. Chúng tôi hoan nghênh tiến bộ cụ thể mà Ukraine đạt được kể từ Hội nghị thượng đỉnh ở Vilnius về các cải cách dân chủ, kinh tế và an ninh cần thiết. Chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ Ukraine trên con đường không thể đảo ngược để hội nhập toàn diện châu Âu - Ðại Tây Dương, bao gồm tư cách thành viên NATO”, các lãnh đạo NATO khẳng định trong tuyên bố chung của Hội nghị thượng đỉnh ở Washington hôm 10-7.

Các nhà lãnh đạo không nêu mốc thời gian cụ thể để Ukraine gia nhập NATO mà nước này mong muốn. Thay vào đó, liên minh cho biết sẽ “đưa ra lời mời Ukraine gia nhập khi các đồng minh đồng ý và các điều kiện được đáp ứng”, đồng thời mô tả công việc đang diễn ra là “cầu nối để Ukraine trở thành thành viên NATO”.

“Tuyên bố trên là thông điệp mạnh mẽ từ các đồng minh NATO rằng chúng tôi muốn Ukraine gia nhập…. Lời nói rất quan trọng. Lời nói mở ra kỳ vọng, nó tạo nên chương trình nghị sự. Nhưng hành động ít nhất cũng có tiếng nói lớn như ngôn từ”, Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg phát biểu.

Là một phần của hành động, NATO đồng ý cam kết hỗ trợ an ninh trị giá 40 tỉ euro cho Ukraine trong năm tới, điều mà ông Stoltenberg mô tả là sự cần thiết ở mức “tối thiểu”. Ngoài ra, NATO sẽ tiếp quản các nỗ lực của nhiều thành viên khác nhau để cung cấp hỗ trợ an ninh cho Ukraine và sắp xếp nó dưới một tổ chức mới mang tên Bộ Tư lệnh NATO Ukraine, do một tướng ba sao lãnh đạo và có trụ sở tại Ðức với khoảng 700 nhân viên.

Yếu tố kế tiếp là gói an ninh mới dành cho Ukraine, bao gồm các chiến đấu cơ F-16 và hàng chục hệ thống phòng không mới, trong đó có ít nhất 4 tổ hợp tên lửa Patriot do Mỹ, Ðức, Romania và Hà Lan cung cấp. Mỹ, Hà Lan và Ðan Mạch cũng thông báo việc chuyển các tiêm kích F-16 cho Ukraine “đang diễn ra” và chúng sẽ hoạt động trên bầu trời Ukraine vào mùa hè này.

Mô tả con đường của Ukraine là “không thể đảo ngược” được đưa ra sau nhiều tháng đàm phán ngoại giao và là điểm gây tranh cãi giữa các đồng minh. Trước khi NATO ra tuyên bố chung, một số nhà ngoại giao lập luận rằng chỉ mô tả con đường này là “không thể đảo ngược” vẫn chưa đủ mà phải có sự ủng hộ mạnh mẽ để củng cố mô tả đó.

Mỹ và một số quốc gia khác, gồm Ðức, Ý, Hungary phản đối việc kết nạp khi Ukraine đang xung đột với Nga nhằm tránh leo thang căng thẳng, có thể dẫn đến cuộc chiến lớn hơn. Tổng Thư ký Stoltenberg cũng nhấn mạnh Ukraine sẽ không gia nhập liên minh ngay lúc này, song ông khẳng định việc kết nạp phải diễn ra sau khi chiến tranh kết thúc để đảm bảo Nga sẽ không tấn công Kiev nữa.

Hồi tháng rồi, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky thừa nhận rằng đất nước của ông không thể gia nhập NATO cho đến khi chiến tranh kết thúc.

Tổng thống Nga Vladimir Putin từ lâu cực lực phản đối nỗ lực gia nhập NATO của nước láng giềng, gọi đây là sự xâm phạm an ninh và lợi ích của Mát-xcơ-va.

Theo tờ New York Times, các quan chức Mỹ và đồng minh đã đàm phán về các cam kết đối với Ukraine với mức độ khẩn cấp mới, trong bối cảnh không chắc chắn việc Tổng thống Joe Biden, người phản đối Nga liên quan cuộc chiến với Kiev, có thể tái đắc cử vào tháng 11 tới hay không.

HẠNH NGUYÊN (Tổng hợp)

Chia sẻ bài viết