26/08/2019 - 19:32

“Canh bạc” của Tổng thống Macron 

Việc mời Ngoại trưởng Iran Javad Zarif đến thành phố Biarritz (Tây Nam nước Pháp) vào ngày 25-8 được cho là “nước cờ mạo hiểm” của Tổng thống nước chủ nhà Emmanuel Macron. Sự kiện này có nguy cơ đẩy ông vào cuộc đối đầu trực tiếp với người đồng cấp Mỹ Donald Trump vì dám “lấn lướt” vị khách đầy quyền lực trong vấn đề hạt nhân của Cộng hòa Hồi giáo.

Ngoại trưởng Iran Zarif tại cuộc gặp với Tổng thống Pháp Macron và các quan chức hôm 25-8. Ảnh: AFP

Nguồn tin Pháp xác nhận ông Zarif được mời đến Biarritz, nơi diễn ra Hội nghị thượng đỉnh Nhóm 7 nước công nghiệp phát triển (G7) từ ngày 24 đến 26-8, để tham dự cuộc thảo luận nằm trong sáng kiến ngoại giao của chủ nhân Điện Élysée, nhằm hạ nhiệt căng thẳng tại Vùng Vịnh và nối lại hoạt động ngoại giao với Tehran. Tại đây, Ngoại trưởng Zarif đã gặp Tổng thống Macron bên lề hội nghị sau cuộc thảo luận với người tương nhiệm Pháp Jean-Yves Le Drian.

Ông Zarif không phải là khách mời chính thức tại G7, song Tổng thống Macron vẫn thông báo vấn đề này cho các lãnh đạo khác tham gia hội nghị, bao gồm Tổng thống Trump. Thế nhưng, phản ứng trước sự xuất hiện đột ngột của Ngoại trưởng Zarif, chủ nhân Nhà Trắng chỉ trả lời ngắn gọn: “Không có ý kiến”. Thái độ không hài lòng của Tổng thống Trump có thể thấy rõ hơn khi các phóng viên hỏi liệu ông có đồng ý để Tổng thống Macron thay mặt cho G7 gửi thông điệp đến Iran. “Không, tôi đã không thảo luận về điều này. Iran không còn là quốc gia giống như cách đây 2 năm rưỡi. Chúng tôi sẽ tự nỗ lực, nhưng bạn không thể ngăn cản người khác lên tiếng. Nếu họ muốn, thì cứ nói”- tỉ phú địa ốc có ý trách móc.

Các quan chức châu Âu xác nhận ông Macron đã bàn luận về việc đi đầu trong sáng kiến ngoại giao liên quan tới Iran tại buổi tiệc với các lãnh đạo G7 vào tối 24-8. Đến ngày hôm sau, nhà lãnh đạo Pháp đã nêu kế hoạch hướng tới giải tỏa căng thẳng tại Vùng Vịnh bằng cách dỡ bỏ một phần lệnh cấm vận của Mỹ đối với Iran để thuyết phục Tehran tiếp tục thực hiện cam kết trong thỏa thuận ký năm 2015. Thật ra, trong những tuần gần đây, Tổng thống Macron đã thúc giục ông Trump dịu giọng với Iran, nhưng nhà lãnh đạo Mỹ bật lại. Như hồi tháng rồi, ông viết trên Twitter: “Tôi biết rõ ý Emmanuel Macron, nhưng không ai được quyền nói thay Mỹ, mà hãy để Mỹ tự làm lấy”. Giới chức xứ cờ hoa thì khẳng định chính sách “gây sức ép tối đa” lên Iran đang phát huy hiệu quả và nhận được sự ủng hộ của quốc tế. 

Theo giới phân tích, sự hiện diện của ông Zarif là ví dụ nổi bật về sở thích ngoại giao dễ nhận thấy và những hành động thu hút chú ý của lãnh đạo quốc gia hình lục lăng. Chủ tịch tổ chức Nhóm khủng hoảng quốc tế Robert Malley nhận định đây không phải là “rủi ro lớn” đối với Tổng thống Macron. Bởi nếu thành công trong việc hạ nhiệt căng thẳng, đó là thắng lợi lớn, ngược lại, mọi người cũng không đổ lỗi cho ông.

Thực tế là ngày 25-8, sau một loạt cuộc gặp song phương và ba bên diễn ra bên lề Hội nghị thượng đỉnh G7 trong ngày làm việc thứ hai tại Pháp, các nhà lãnh đạo đã không nhất trí được về một kế hoạch hành động chung liên quan đến vấn đề hạt nhân Iran, một trong những chủ đề chính tại hội nghị.

Cả hai Tổng thống Macron và Trump cùng cho rằng mỗi nước thành viên G7 sẽ hành động theo cách riêng về vấn đề hạt nhân này. Theo một nguồn tin ngoại giao châu Âu, không nhất trí được về hành động chung, các nhà lãnh đạo G7 cũng không đạt được tiến bộ trong việc thuyết phục chủ nhân Nhà Trắng gia hạn quy chế miễn trừ trừng phạt dầu mỏ đối với hoạt động mua bán sản phẩm này từ Iran.

 THANH BÌNH (Theo CNN, Guardian)

Chia sẻ bài viết