Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, năm 2008, ĐBSCL sẽ bị ảnh hưởng bởi những cơn bão mạnh từ biển Đông. Những dự báo mới nhất này cùng với sự xuất hiện rất sớm của cơn bão số 1 (giữa tháng 4), bão số 2 (giữa tháng 5) - mà lẽ ra thông thường phải vào tháng 6... là những tín hiệu báo động thời tiết sẽ diễn biến bất thường trong mùa mưa bão năm nay. Các chuyên gia còn cảnh báo, không loại trừ khả năng có những cơn bão rất mạnh (như siêu bão Nargis mạnh cấp 17) sẽ đổ bộ vào nước ta... Như vậy, người dân cả nước và người dân ở ĐBSCL không thể lơ là vì thiên tai có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
Nhớ lại, từ năm 1997 đến nay có 2 cơn bão thảm khốc đổ bộ vào ĐBSCL. Ngày 4-11-1997, bão Linda (bão số 5) tràn vào Cà Mau làm khoảng 3.000 người chết và mất tích. Ngày 5-12-2006, cơn bão Durian (bão số 9) càn quét vào ĐBSCL làm hơn 100 người chết và mất tích, hơn 120.000 căn nhà bị sập hoặc tốc mái. Theo các cơ quan chức năng, sở dĩ tổn thất lớn như thế là do một số nơi người dân còn thờ ơ, chính quyền chưa kiên quyết trong việc chủ động triển khai các biện pháp phòng chống thiên tai, lụt bão...
Gần đây, thiên tai dồn dập làm cả thế giới kinh hoàng. Mới đây nhất, tháng 5-2008, cơn bão Nargis đổ bộ vào Myanmar, cướp đi sinh mạng của hơn 130.000 người; trận động đất ở tỉnh Tứ Xuyên (Trung Quốc) làm hơn 70.000 người thiệt mạng. Trước đó, hơn 200.000 người vô tội phải chết oan trong cơn sóng thần ngày 26-12-2004 ở khu vực Ấn Độ Dương. Những tổn thất về kinh tế do thiên tai phải cần nhiều năm mới khắc phục, nhưng mất mát về con người không gì có thể bù đắp được.
Nhấn mạnh đến tầm quan trọng trong việc chủ động phòng chống thiên tai, trung tuần tháng 5 vừa qua, Ban Chỉ đạo Phòng chống Lụt bão (PCLB) Trung ương - Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn (TKCN) đã tổ chức buổi giao ban trực tuyến với các tỉnh ven biển từ Quảng Ninh đến Kiên Giang và các tỉnh nội đồng ĐBSCL, để rút kinh nghiệm trong công tác chỉ đạo phòng tránh cơn bão số 1 và triển khai công tác phòng chống lụt bão năm 2008... Tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trưởng Ban Chỉ đạo PCLB Trung ương Cao Đức Phát đã đặt vấn đề : Giả sử có một siêu bão mạnh cấp 17 như Nargis đổ bộ vào ĐBSCL thì việc ứng phó ra sao? Cơn bão năm 2006 cấp độ chưa phải mạnh (cấp 11-12), nhưng một số vùng ở khu vực này đã tan hoang? Vấn đề Bộ trưởng đưa ra vô cùng khẩn thiết. Tuy nhiên, một số địa phương vẫn chưa tự tin đưa ra giải pháp PCLB mang tính bền vững, đạt hiệu quả cao, chỉ nêu ra những khó khăn tồn tại và đề ra một số giải pháp phòng chống như gắn chip cho thuyền đánh cá, quy hoạch xây dựng cần tính toán chịu bão, xây dựng lực lượng cứu hộ chính quy chuyên nghiệp... Nhiều địa phương đã đề nghị Ủy ban Quốc gia TKCN sớm tổ chức các lớp tập huấn kỹ năng TKCN cho các tỉnh, thành trong khu vực ĐBSCL về công tác TKCN trên sông; cung cấp trang thiết bị TKCN như xuồng, áo phao, phao cứu sinh, nhà bạt, dụng cụ y tế... Trên thực tế, do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, một số nơi chưa thể chuẩn bị một cách toàn diện nhất để phòng chống thiên tai.
Theo đánh giá của Ủy ban Quốc gia TKCN, nếu bão mạnh từ cấp 13 trở lên đổ bộ vào khu vực ĐBSCL thì sẽ gây thiệt hại rất lớn, bởi khu vực này rất ít bị bão, do đó ý thức cũng như kinh nghiệm phòng chống bão của người dân chưa cao. Đặc biệt, nhà cửa, cơ sở hạ tầng tại khu vực này đa số ít kiên cố, rất dễ bị tổn hại khi gặp bão lớn. Đây là lời cảnh tỉnh, thúc giục các địa phương phải có trách niệm đẩy nhanh các hoạt động, chủ động ứng phó khi có sự cố. Và mới đây nhất, nghe tin cơn bão Fengshen tàn phá Philippines, những trận mưa lũ kéo dài nhiều ngày qua ở miền Nam Trung Quốc làm ít nhất 170 người thiệt mạng, gần 1,3 triệu người phải đi di tản... chắc hẳn chúng ta không thể bàng quan.
Nước ta hiện chưa có lực lượng cứu hộ chuyên nghiệp, chưa có phương tiện cảnh báo sóng thần, động đất, bão lũ... hiện đại như các nước trong khu vực. Nếu có thiên tai bất ngờ xảy ra, chắc chắn tổn thất sẽ khó tránh. Vì thế, vào mùa mưa bão, TP Cần Thơ cũng như các tỉnh ĐBSCL cần chủ động triển khai đồng bộ nhiều giải pháp ứng phó với thiên tai theo chỉ đạo của Trung ương. Ban chỉ huy PCLB-TKCN thành phố cho biết đã chỉ đạo chính quyền địa phương các cấp kết hợp các ngành chức năng, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức phòng tránh bão, thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ”: Chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, vật tư, phương tiện và kinh phí tại chỗ, hậu cần tại chỗ để ứng phó và cứu nạn, cứu hộ, cứu trợ kịp thời khi thiên tai xảy ra. Song, vấn đề quan trọng là phải tăng cường tuyên truyền giáo dục để các cấp chính quyền, đoàn thể và người dân nâng cao hơn tính chủ động, tự giác, khẩn trương trong phòng chống thiên tai.
Người xưa có câu: “Cẩn tắc vô ưu”. Vì thế, các cấp, các ngành và người dân ở TP Cần Thơ cũng như ĐBSCL hãy khẩn trương, chủ động chuẩn bị ngay từ bây giờ để chống chọi với các cơn bão lớn có nguy cơ tràn vào ĐBSCL bất cứ lúc nào. Đối với sinh mạng người dân, không để tổn thất rồi mới rút kinh nghiệm.
Đinh Nhật