MAI QUYÊN (Theo MSN News)
Các biển quảng cáo có nội dung trên đang được treo khắp thành phố vùng Siberia, sau khi một quan chức cấp cao thân cận Tổng thống Nga Vladimir Putin đề cập việc Mát-xcơ-va có thể giành lại lãnh thổ bán cho Mỹ vào năm 1867.

Từ Alaska, người dân Mỹ vào ngày trời trong có thể nhìn sang bờ bên kia là vùng lãnh thổ Siberia thuộc Nga.
Theo hãng thông tấn NGS24, cư dân thành phố Krasnoyarsk tuần qua vô cùng ngạc nhiên trước sự xuất hiện của nhiều biển quảng cáo mang khẩu hiệu “Alaska là của chúng tôi” trong khu vực. Ông Vladimir Vladimirov, chủ nhà hàng ở Krasnoyarsk, cho đây là hành động của “một số người yêu nước”. Trả lời phỏng vấn NGS24, đại diện một công ty sản xuất xe kéo địa phương cũng lên tiếng giải thích thêm về nguồn gốc các biển quảng cáo. Theo người này, giám đốc công ty là một người “rất yêu nước” và đã quyết định thể hiện tình cảm dân tộc bằng cách đặt các biển quảng cáo xung quanh
thành phố.
Truyền thông địa phương cho rằng phong trào này được khích lệ sau tuyên bố của Chủ tịch Duma Quốc gia (Hạ viện) Nga Vyacheslav Volodin trong phiên họp ngày 6-7. Cụ thể, ông Volodin cảnh báo các lệnh trừng phạt mà Mỹ và phương Tây áp đặt lên Mát-xcơ-va liên quan cuộc chiến Ukraine có thể dẫn đến xung đột quân sự trực tiếp, bao gồm một cuộc tái chiếm tiềm tàng với mục tiêu là Alaska. “Người Mỹ hãy nhớ rằng có một phần lãnh thổ tên là Alaska. Khi họ cố kiểm soát các nguồn lực của chúng tôi ở nước ngoài, thì trước khi hành động họ cũng nên suy nghĩ rằng chúng tôi cũng có thứ gì đó để lấy lại” - ông Volodin nói. Theo tờ Moscow Times, Phó Chủ tịch Duma Quốc gia Pyotr Tolstoy cũng đề xuất tiến hành một cuộc “trưng cầu dân ý” để người dân Alaska bỏ phiếu về việc tái gia nhập Nga.
Ðây không phải lần đầu tiên Nga dọa “tái chiếm” Alaska. Hồi đầu năm, thành viên Hạ viện Oleg Matveychev trong một chương trình truyền hình đã lập luận rằng Nga nên tìm cách “đòi lại” tất cả tài sản hiện bị Washington nắm giữ. Thời điểm đó, Thống đốc bang Alaska Mike Dunleavy trên Twitter đã mỉa mai “chúc người Nga may mắn” và nói thêm rằng quân đội Mỹ “sẽ nhìn nhận vấn đề theo cách khác”. Trong thông điệp mới nhất, thống đốc đảng Cộng hòa lần nữa gởi lời “chúc may mắn” tới các chính trị Nga, những người nghĩ rằng họ có thể đòi lại tiểu bang ở đầu Tây Bắc lục địa Bắc Mỹ. Trước đó, thượng nghị sĩ Cộng hòa Dan Sullivan nhận định Nga khó tấn công Alaska trong bối cảnh xung đột Ukraine leo thang, nhưng việc Mát-xcơ-va tăng cường quân sự trong khu vực vẫn nên được coi như mối lo ngại.
Những năm 1800, Nga và Mỹ là đồng minh do có chung kẻ thù là châu Âu, trong bối cảnh Washington chìm trong nội chiến, còn Nga thì lui bước trước quân Pháp và Anh sau cuộc chiến Crimea. Vào năm 1859, Nga có ý định nhượng Alaska cho Mỹ với hy vọng thương vụ này giúp Washington ngăn chặn cuộc tấn công của liên quân Anh - Pháp. Ðến tháng 3-1867, Nga chính thức chuyển giao Alaska cho Mỹ với giá 7,2 triệu USD, tương đương khoản phí Washington muốn hợp thức hóa để thanh toán cho 2 hạm đội của Nga. Thời điểm đó, dư luận Mỹ khá bất bình và chia rẽ vì cho rằng khoản tiền hàng triệu USD cho vùng đất xa xôi quanh năm lạnh giá là quá hoang phí. Nhiều người thậm chí coi đây là “sự điên rồ” của Ngoại trưởng William Seward - người thiết kế vụ mua bán nói trên.
Năm 1959, Alaska được chính thức công nhận là tiểu bang thứ 49 của Mỹ, sau đó trở thành “kho báu” với lợi nhuận khổng lồ từ hoạt động đánh bắt cá và khai thác mỏ dầu cùng khoáng sản. Ước tính, tổng sản phẩm quốc nội của Alaska đạt hơn 50 tỉ USD. Ngoài giá trị kinh tế, Alaska ngày nay còn là một trong những tiểu bang được quân sự hóa nhiều nhất ở Mỹ dựa vào vị thế chiến lược quan trọng. Với hơn 20.000 binh sĩ đồn trú, các căn cứ quân sự nơi đây đang giữ vai trò trọng yếu trong bối cảnh Trung Quốc tìm cách hợp pháp hóa sự hiện diện của họ ở Bắc Cực.