13/05/2018 - 07:10

Sua chạy xuồng về vàm Bần, từ xa đã thấy tán Bần Lão xanh um. Bần Lão đứng gần ngọn vàm dài hơn chục cây số. Chẳng biết tự bao giờ người ta kê hòn đá bự, đặt bát nhang, dâng bông trái xin Linh Bần xin phù hộ độ trì sức khỏe, qua bệnh tật, cầu tình duyên, xin buôn bán lời, câu lưới trúng… Đến đây, Sua cũng xin. Sua xin Linh Bần một gia đình.

*  *  *

Hóa long  

Bởi đợt sạt lở hồi nẳm mà thằng nhỏ mười mấy tuổi đầu tá túc một mình giữa đồng không mông quạnh. Sua lội rừng gom củi đốt lấy than, rồi đem ra chợ bán. Không có xuồng ghe, Sua nghe lời thương hồ rằng kinh rạch có bốn con: con nước lớn, con nước rong, con nước dòng, con nước sát. Bốn con nước vàm Bần có một con từ nguồn ra chợ Cửa Vàm và một con nước từ chợ ngược về ngọn vàm. Hai con đó dành cho Sua. Sua dùng vài đoạn cây cột lại thành bè chở than đước. Nước chảy mạnh thì ngồi bè, nước chảy yếu thì bám bè tòng vòng một mạch mươi cây số… Vậy mà có lần Sua rớt khỏi bè lúc con nước mạnh, được chú Ba Xoa đi ngang kéo Sua ra đặt trên tấm áo mưa và thổi bùng lửa củi hơ ấm. Sua tỉnh, được chú Ba Xoa cho cái nhẫn mà người vợ quá cố của chú để lại. Chú nói: Sắm cái ghe đàng hoàng!

Mùa nước nổi có ghe là số một. Được ghe, Sua chạy khắp các vàm rạch lớn, kinh xáng nhỏ Chín Rồng. Sua đi dài dài dòng dòng trời xa đất lạ, rồi lọt tới con rạch lúc xăng nhớt cạn khô. Mệt lử, Sua nằm xuống sàn mặc ghe trôi, khi tỉnh lại thấy có lớp học. Giấu ghe, Sua sáp tới coi. Lớp một thầy ba trò. Các ngón bàn tay trái của thầy teo tóp co quắp. Mỗi ngày phụ huynh đưa trò tới để thầy dạy từ giữa buổi sáng tới ngang chiều. Trưa thầy lo cơm nước cho trò. Tan buổi dạy thầy  làm lờ, đó để bán. Cái vụ đan đát coi bộ hớp hồn hơn dạy học. Sua đưa ghe sát mí bờ vươn cổ trố mắt coi.

Đồ thầy làm đẹp và chắc mẩm thu hút cá tôm. Sua nói: Em mang đồ thầy đan đi bán ở chỗ thiệt xa, chắc ăn giá gấp đôi. Em phụ thầy lo đám trò để thầy làm nhiều hàng hơn. Vậy là Sua hợp tác với thầy vèo một cái qua hết năm học. Sau đó Sua như bâng quơ kể thầy nghe đất Cái Tân lành, vì Cái Tân chim chóc đông nghẹt, thầy coi nón của em nè, cứt chim trắng xóa. Tới rạch Cái Tân chim trời ị xuống cứ như sạ mạ sạ lúa vậy.

“Sao không về quê ở vàm Bần?”, thầy hỏi Sua. Sua nói em là con mồ côi. Vàm Bần là nơi cầu cúng xin phước đức linh thiêng, không thể đốt than, làm đồ bắt cá sát sanh ở đất vàm Bần. Thầy ôm Sua, tự nhủ, thì ra lâu nay Sua ở đây là muốn cùng sống với thầy. Thầy quyết định cùng chuyển tới Cái Tân với Sua. Tới nơi mới thấy Sua cùng chú Ba Xoa dựng một dãy tum để nhận đất từ lâu rồi. Hai chú cháu kêu thợ làm bốn ngôi nhà. Nhà câu lưới của Ba Xoa kề chợ, tới nhà Sua, rồi nhà thầy với tùng thư và lớp học. Dân không quê hương, giờ có đất, có nhà cửa đàng hoàng nghẹn ngào làm lễ tân gia. Từ nay Sua ghé Linh Bần, đã giống như người ta, xin chuyện cá nước thuận lợi.

*  *  *

Ít lâu sau có cô Hai Óng tới mở cửa hàng ngư sản gần chỗ tum bốn nhà của Sua. Thầy truyền nghề rồi giao trọn gói lớp học cho học trò ruột là Kim Ánh để thầy lo cùng Sua chuyện cá sông cá đồng. Sua ôm dụng cụ làm sắt thép và dây chì từ ghe lên nhà. Chú Ba Xoa bàn: Lưỡi câu xưa, người xưa dùng kéo câu ven sông mùa cá đẻ, lưỡi câu không ngạnh và không mắc mồi, để trần kéo trong nước, dính “cá trứng nước đổ”(*) nuôi.

Sua và thầy vỗ tay khen chú Ba Xoa quả là chuyên gia cá nước ngọt xứ này! Bây giờ người ta nhập cá ngoại về, lai tạo lấy cá con, nuôi trang trại ao hầm. Nhưng lại có các chuyên gia cùng các nhà thủy sản Việt Nam và bà con nông dân sưu tầm lựa lọc cá sông nước bản địa làm giống sinh sản. Vụ bắt cá trứng nước đổ dùng cách kéo cần lưỡi câu chùm như ông bà ta từng làm, thiệt hay!

Thầy thì tính xa hơn: mới đầu bắt cá chép Đại Ngải thôi. Sua nói nghe thương hồ gọi đó Ông Chép Thần, phải không thầy. Thầy nói: Thần thoại chi. Cá chép Đại Ngải dài một mét rưỡi nức tiếng. Từ khi có người bắt được Chép Đại Ngải, thầy tầm sách báo, xem trên mạng về Cá Chép, mới hay ở Đàng Ngoài người dân nuôi cá chép cùng cá trắm, cá mè, cá trôi… ngàn năm rồi. Hơn ba trăm năm trước những đoàn người từ Bắc vào Nam khai hoang, lập gia viên, lập ấp, lập làng và xây đình. Rước thợ Bắc vào xây cất đình làng. Đình làng Đàng Trong trên nóc không chỉ có Long, Lưỡng long chầu nhật, mà còn có tượng hình Cá Chép. Thầy mới ngộ rằng, tới miệt nước đổ Cá Chép hóa Long.

Tính là làm. Những người lớn gom vàng, gom tiền làm mô hình nuôi Cá Chép trên ruộng, trên sông. Sua cười mỉm ôm đồ nghề xuống ghe đưa tay lên miệng loa: Sua đi tìm cá giống nha!

*  *  *

Mấy năm sau, chợ Cái Tân giờ khang trang đông nghìn nghịt. Biết bao ca nô, tàu du lịch áp nhà hàng ngư sản của Hai Óng. Ba Xoa đã đợi sẵn chạy ghe đưa khách du  dạo dọc ngang trang trại thủy sản Cái Tân rộng dăm héc-ta. Ghe đưa khách vào hầm cá, tung thức ăn, cá nổi lên. Khách kêu: Ba sa. Đúng tên! Hai Óng khiển ghe trôi từ từ để khách bỏ mồi cho những cái miệng ba sa há đớp choạp chộp. Đi một vòng hầm cá ba sa rồi đưa qua hầm cá khác. Trên cầu hầm nhìn xuống khách kêu cá lóc. Khách ném từng nắm từng nắm mồi cho cá bay lên mặt nước. Khách ngắm cá bay ăn mồi tỉnh rụi như con nít không biết lạ. Đi hầm khác. Gặp cô giáo Kim Ánh dẫn đoàn trò nhỏ rồng rắn bờ hầm, có tấm bảng gắn tên: Cá Phóng Sinh. Khách ngó nước nhìn trời ngạc nhiên, Ba Xoa cười giới thiệu: Hầm nuôi cá chép nhằm ngày Hai Ba tháng Chạp, Ông Táo chầu Trời dân phóng sinh cá chép. Khách vỗ tay. Ba Xoa lo hai bịch đổ nước bơm ô xy, bắt cá bỏ vào, để khách mang ra vàm rạch phóng sinh. Khách cảm phục việc nuôi Cá Phóng Sinh, trả lại cho tự nhiên những gì con người vay mượn…

Thầy ngồi văn phòng đặt ở nhà, chỉ đạo hoạt động trang trại. Trong lúc đó Hai Óng vui vẻ mời du khách lên tum gặp người - cá - đặc - biệt. Khách lên tới cửa tum thì nghe nước dưới hầm bị quậy ùm ùm. Người quậy nước bám thang cọc hầm lên. Trời đất! Người cá trai tráng lực lưỡng! Đó tất nhiên là Sua. Chào khách xong, Sua nhảy cuộn xuống cái ùm, úp rồi nổi lên, hai tay vỗ vỗ mặt nước nhịp nhịp. Cá ùa tới. Sua tung tới tấp con này con khác ra xa. Cái việc một thời lặn ngụp dầm mình kiếm cá trứng nước đổ, kiếm chép lớn đáy rạch lòng lung, khiến Sua thiệt yêu thích việc phục vụ du khách này. Biểu diễn xong Sua giới thiệu với khách những bức ảnh Sua chụp các nóc đình cổ ở Gò Công, Tiền Giang, Sa Đéc, Châu Đốc, Long Xuyên, Bình Thủy… treo quanh vách tum. Khách ngắm nghía những dáng rồng dáng cá chép uốn mình trên nóc đình làng. Sua bảo: Cá Chép hóa Long. Khách cười, thấy thiệt lạ, đi du lịch mà sao xúc động rưng rưng.

LƯƠNG MINH HINH

 (*) Cá trứng nước đổ: Mùa nước đổ cá đẻ, trứng cá vừa trôi vừa nở.

Từ khóa
Hóa long
Chia sẻ bài viết