10/08/2017 - 10:52

Cờ Đỏ chuẩn bị chu đáo cho năm học mới 

Ông Trần Ngọc Nghị, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) huyện Cờ Đỏ, cho biết: Đến nay, công tác chuẩn bị nguồn lực phục vụ năm học mới đã cơ bản hoàn thành. Đi đôi với việc đẩy nhanh tiến độ thi công xây dựng các công trình trường học, ngành còn bồi dưỡng nâng chất đội ngũ nhà giáo, nhằm nâng cao chất lượng giáo dục một cách bền vững.

Một góc Trường Mầm non Trung Hưng 1.

Một góc Trường Mầm non Trung Hưng 1.

Những ngày này, ngành Giáo dục huyện Cờ Đỏ phấn khởi trước tiến độ xây dựng các điểm trường, nhằm kịp thời đưa vào sử dụng năm học mới 2017-2018. Trong đó có Trường Mầm non (MN) Trung Hưng 1, một trong những trường được đưa vào sử dụng tháng 8-2017. 

Cô Trương Vy Thùy Duyên, Hiệu trưởng Trường MN Trung Hưng 1, chia sẻ: “Hằng ngày, các cô giáo đều tranh thủ đến trường để trang trí các phòng học, tạo góc và sân chơi trong khuôn viên trường. Chúng tôi đều mong chờ nhìn thấy sự phấn khởi của trẻ và phụ huynh khi đến trường năm học mới. Trường có quy mô 1 trệt, 1 lầu (6 phòng học), với đầy đủ trang thiết bị, đồ dùng dạy học. Cơ sở vật chất khang trang, nhà trường càng nỗ lực hơn nữa để nâng cao chất lượng giáo dục và chăm sóc, nuôi dạy trẻ”.

Được xây dựng từ năm 2009, Trường MN Trung Hưng 1 có 3 phòng học. Đến năm 2011, trường được mạnh thường quân hỗ trợ xây dựng thêm 2 phòng. Tuy vậy, phòng học thiếu thốn, khuôn viên nhỏ hẹp, thiếu sân chơi, trường chỉ có lớp 2 buổi/ ngày dành cho trẻ 5 tuổi, các lớp còn lại chỉ được học 1 buổi. Khi cơ sở mới của trường đi vào hoạt động, trường sẽ mở 100% lớp bán trú, phục vụ 220 trẻ của 7 nhóm lớp năm học 2017-2018. Trường đang nỗ lực xây dựng các chuẩn quy định để được công nhận đạt chuẩn quốc gia vào tháng 10-2017.

Hòa cùng niềm vui cơ sở vật chất mới, Trường THCS Trung Hưng đang được đẩy nhanh tiến độ thi công, nâng cấp các phòng học, phòng chức năng, bộ môn… với tổng kinh phí trên 10,8 tỉ đồng. Ngoài ra, trường còn được đầu tư, bổ sung trang thiết bị dạy học trị giá 1,4 tỉ đồng.

Thầy Nguyễn Thanh Hưng, Hiệu trưởng Trường THCS Trung Hưng cho biết: “Trường đang tập trung nâng chất đội ngũ giáo viên. Trường hiện có 59 cán bộ, giáo viên (trong đó có 50 giáo viên). Năm học mới, trường sẽ đón 1.046 học sinh của 28 lớp. Với nguồn lực này, cơ bản trường đảm bảo phục vụ nhu cầu dạy và học”.

Trước năm 2017, phần lớn phòng học của trường bán kiên cố, xuống cấp; thiếu phòng tổ chức bồi dưỡng học sinh giỏi. Thế nhưng, trường vẫn là một trong những “lá cờ đầu” của huyện trong phong trào thi đua dạy tốt học tốt, vinh dự nhận được Huân chương Lao động hạng Ba, Bằng khen Thủ tướng Chính phủ…

Thầy Hưng nói: “Trường vẫn còn thiếu 4 giáo viên, trong đó 1 giáo viên dạy nhạc, nên rất cần sự hỗ trợ của ngành chức năng. Ngoài ra, trường đang xin chủ trương của UBND xã cho phép huy động nguồn lực xã hội hóa để nâng cấp sân trường, quét vôi các phòng học cũ, tạo cảnh quan, môi trường sư phạm”.

Nhiều năm qua, Huyện ủy- UBND huyện Cờ Đỏ đã nỗ lực đầu tư cho GD&ĐT. Toàn huyện hiện có 48 trường trực thuộc (28 trường đạt chuẩn quốc gia). Trong đó có 17 trường mầm non, mẫu giáo; 8 trường THCS và 23 trường tiểu học. Năm 2017, huyện bố trí 33 tỉ đồng đầu tư xây dựng mới, nâng cấp 6 trường.

Từ nguồn vốn xây dựng cơ bản, huyện đầu tư xây dựng 11 công trình (chuyển tiếp từ năm trước) với kinh phí 54 tỉ đồng. Từ nguồn vốn sự nghiệp, huyện nâng cấp sửa chữa 20 trường học (kinh phí 15,9 tỉ đồng), nhằm kịp thời đưa vào sử dụng năm học mới. Dự kiến, huyện huy động trên 25.000 học sinh từ bậc học mầm non đến THPT ra lớp.

Theo ông Trần Ngọc Nghị, vài năm gần đây, diện mạo trường lớp trên địa bàn huyện ngày càng khởi sắc hơn. Đó là thành quả của sự đầu tư lâu dài từ lãnh đạo huyện, hỗ trợ của ban ngành địa phương cũng như nỗ lực của các trường. Trường lớp kiên cố, khang trang tạo nền tảng nâng cao chất lượng giáo dục, bởi số lớp 2 buổi/ ngày, bán trú ở các trường ngày càng tăng.

Sự phát triển trường lớp mới, đòi hỏi đội ngũ giáo viên phải tăng về số lượng, nâng cao về chất lượng, mới đảm bảo nhu cầu dạy, học và phục vụ lớp 2 buổi/ ngày, bán trú. Trong khi đó, biên chế chung của huyện là 1.414 giáo viên, nhu cầu vị trí việc làm cần là 1.518 biên chế (thiếu 104 giáo viên), ít nhiều ảnh hưởng đến hoạt động dạy và học. 

Ông Trần Ngọc Nghị cho biết: “Sau khi các công trình trường học hoàn thành, đảm bảo phục vụ nhu cầu dạy, học. Chúng tôi đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tạo cảnh quan môi trường sư phạm tốt; phối hợp với ban ngành đoàn thể địa phương huy động học sinh đến trường, hỗ trợ học sinh khó khăn, hạn chế mức thấp nhất tình trạng học sinh bỏ học. Ngành cũng rất cần sự hỗ trợ của ngành chức năng, bổ sung thêm đội ngũ giáo viên nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng GD&ĐT”. 

Bài, ảnh: B.Kiên

Chia sẻ bài viết