26/08/2016 - 14:54

“Châu Phi hoang dã của Việt Nam”

Như một "châu Phi hoang dã của Việt Nam", Tây Nguyên là miền đất để khám phá, trải nghiệm. Ở nơi đó, vẫn còn những gì hoang sơ nhất từ sinh hoạt đời thường đến thiên nhiên sẵn có. Những ngôi làng với những mái nhà sàn giữa đại ngàn, nhà dài đặc trưng, những khu rừng già xanh thẳm và những con thác kỳ vĩ… là những sản phẩm du lịch độc đáo, riêng có của vùng đất này.

Chỉ cần tới thủ phủ cà phê Việt Nam, tỉnh Đắk Lắk, du khách cảm nhận được nhịp sống, hơi thở của tự nhiên. Buôn Ma Thuột, thành phố trung tâm của tỉnh, rất trù phú nhưng ngay trong lòng phố vẫn có những bản làng sống gần gũi với thiên nhiên như bao đời. Ra xa một chút, bán kính từ vài cây số đến khoảng 50 cây số là những bản làng, rừng rậm và những thác nước hùng vĩ trên những con sông.

Bảo tàng kiến trúc nhà sàn của dân tộc bản địa ở Đắk Lắk.

Nếu chỉ dừng chân lại trung tâm thành phố, du khách vẫn có thể trải nghiệm một góc "Châu Phi của Việt Nam". Buôn Ako Dhong là buôn làng hiếm hoi còn giữ nguyên những giá trị truyền thống giữa lòng phố. Phố xá Ban Mê hào nhoáng, bận rộn nhưng chỉ vài phút chạy xe gắn máy, du khách như bước vào một không gian hoàn toàn khác thường ngày, không phải của thế kỷ XXI. Những ngôi nhà sàn, nhà dài nguyên bản vẫn tồn tại như của hàng trăm năm trước. Có chăng nét hiện đại là cỏ cây được chăm xén kỹ lưỡng trong khuôn viên nhà, dọc lối đi và những mảng bê tông lót đường. Còn lại vẫn y như cũ. Dân làng vẫn mặc đồ thổ cẩm tự tay dệt lấy. Cồng chiêng treo trên vách, không nhà nào thiếu những ché rượu để dành cho ngày lễ của buôn. Nhà già làng vẫn to nhất, đẹp nhất. Tháng ba, hoa cà phê thơm nức khắp buôn. Tháng 11, màu vàng hoa cúc quỳ như mật ươm khắp lối. Cái hay của buôn là giữ được nét truyền thống nhưng thay đổi phương thức làm ăn. Họ đổi mới trong cách trồng cây cà phê, sử dụng nét văn hóa đặc trưng để khai thác du lịch, mở cửa nhà sàn để đón khách tới ở… Vì thế, đời sống họ sung túc, phồn thịnh.

Những buôn làng xa hơn nằm ở Lắk hay Buôn Đôn cũng giữ được vốn quý văn hóa của từng dân tộc Mơ Nông, Ê Đê, Ban Na, Thái, Lào… nhưng vẫn biết cách làm ăn gắn với du lịch, nông nghiệp hiện đại. Đẹp nhất là Buôn Jun, Buôn Lê nằm bên bờ hồ Lắk thơ mộng. Lắk được xem là Biển Hồ của thủ phủ cà phê. Vẻ lãng mạn, hoang dã của hồ cuốn hút du khách, đến nỗi cựu hoàng Bảo Đại xây dựng một biệt điện bên hồ để thưởng lãm, nghỉ ngơi sau những chuyến đi săn ở miền đất này. Cách buôn không xa, cũng bên bờ hồ, ngôi biệt điện vẫn tồn tại mang vẻ đẹp cao sang nhưng hài hòa với không gian của núi rừng xung quanh.

Bên trong thác nước hùng vĩ Dray Nưr.

Trong những cánh rừng Yok Đôn, Chư Yang Sin là điểm nên ghé lại để biết thế nào là rừng già. Yok Đôn, cách trung tâm thành phố khoảng 40 cây số, được bảo tồn nghiêm ngặt. Chính quyền địa phương đã gởi thư xin giữ nguyên hiện trạng rừng không cho thủy điện xâm lấn. Du lịch buôn Đôn được khai thác ở một phần khu rừng này. Ở đó, du khách đi trên những chiếc cầu treo bắc từ cây này qua cây kia để vượt sông, vượt thác. Đây cũng là nơi thuần dưỡng voi nổi tiếng từ những thế kỷ trước mà mộ vua voi Khunjunob là một minh chứng. Sinh thời, vua voi Khunjunob, tên thật là N’Thu K’Nul, bắt và thuần dưỡng trên 100 con voi hoang dã; trong đó, có một con voi trắng. Hậu thế tôn ông làm vua voi. Do đây là nơi sinh sống của cộng đồng nhiều dân tộc nên mộ của ông cũng được xây cất khá đặc biệt, giao hòa giữa kiến trúc Ê Đê và Lào. Ngôi mộ không chỉ là nơi tâm linh văn hóa mà còn là điểm tham quan của du khách khi đến Buôn Đôn. Còn Chư Yang Sin là "nóc nhà" của thủ phủ cà phê, nơi còn giữ được rừng già nguyên sinh và những loài động thực vật quý hiếm. Chinh phục ngọn núi cao 2.442m này là một kỳ công, đòi hỏi sức khỏe và lòng đam mê chinh phục đỉnh cao. Nếu không có thời gian, du khách vẫn có thể tận hưởng không gian núi rừng xanh thẫm ngay dưới chân núi và đặc sản các món măng rừng, cá suối, gà rẫy, cơm lam…

Quả là một thiếu sót lớn nếu đến Tây Nguyên mà bỏ qua các con thác. Thác nước đẹp nhất vùng đất bazan này chủ yếu tập trung ở Đắk Lắk và Đắk Nông ngay khu vực giáp ranh. Các ngọn thác Thủy Tiên, Bảy Nhánh, Krông K’ma, Dray Nưr, Dray Sáp, Gia Long, Trinh Nữ… đẹp và hùng vĩ. Trong đó, cụm thác Gia Long, Dray Nưr, Dray Sáp là điểm đến không xa trung tâm thành phố nhưng lại đầy nét hoang sơ. Đặc biệt, hai ngọn thác Dray Nưr, Dray Sáp còn gọi là Thác Vợ- Thác Chồng cùng nằm trên dòng sông huyền thoại Serepok. Đây là dòng chảy ngoạn mục, lúc ào ạt lúc lặng lẽ theo từng địa hình. Đến đây, dòng sông trở nên đỏng đảnh chia làm đôi rồi ào ạt đổ xuống tạo thành hai con thác nằm ở hai tỉnh Đắk Nông và Đắk Lắk rồi hợp dòng lại ở phía hạ nguồn. Bị khai thác làm thủy điện nhưng dòng thác này vẫn còn một lượng nước nhất định để tuôn chảy. Vào mùa mưa dầm, tầm tháng 9 đến 11, thác đầy nước trông rất ngoạn mục, đúng nghĩa dòng thác hùng vĩ của đại ngàn. Được khai thác du lịch nên cụm thác này có các dịch vụ ăn uống và lưu trú cho du khách.

Bài, ảnh: Thụy Du

Chia sẻ bài viết