30/06/2008 - 09:06

Zimbabwe bên bờ vực khủng hoảng

Tổng thống Mugabe nối dài 28 năm cầm quyền của mình.

Hôm qua, Tổng thống Robert Mugabe đã vội vã làm lễ nhậm chức nhiệm kỳ VI ngay sau khi Ủy ban bầu cử Zimbabwe tuyên bố ông giành chiến thắng trong cuộc bầu cử “độc diễn” ngày 27-6. Ông Morgan Tsvangirai, thủ lĩnh Phong trào vì sự thay đổi dân chủ (MDC) và là người về nhất trong cuộc bầu cử vòng một, quyết định tẩy chay cuộc bỏ phiếu sau khi có gần 90 ủng hộ viên MDC bị các lực lượng thân Tổng thống Mugabe sát hại, và bản thân ông cũng bị đe dọa tính mạng. Sau 5 lần bị bắt giữ không có lý do, ông Tsvangirai buộc phải lánh nạn tại đại sứ quán Hà Lan ở Thủ đô Harare. Trong khi đó, nhân vật số hai của MDC, Tổng thư ký Tendai Biti, đang bị giam giữ và đối mặt với án tử hình vì tội phản quốc.

Nhiều quốc gia và tổ chức quốc tế không công nhận kết quả cuộc bầu cử tổng thống vòng hai ở Zimbabwe. Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc (HĐBA LHQ), Liên minh châu Âu (EU) và Nhóm 8 nước công nghiệp phát triển hàng đầu (G-8) đều cho rằng cuộc bầu cử thiếu tự do và công bằng. Theo yêu cầu của Mỹ, dự kiến đầu tuần này HĐBA sẽ nhóm họp để xem xét khả năng trừng phạt Zimbabwe. Tổng thống Mỹ George Bush cho biết Washington sẽ siết chặt lệnh trừng phạt chống chính phủ mà ông cho là “bất hợp pháp” ở Zimbabwe, trong đó có cấm vận vũ khí và cấm nhập cảnh đối với các quan chức (nghi ngờ Tổng thống Mugabe gian lận trong cuộc bầu cử năm 2002, Mỹ và EU đã tiến hành một số biện pháp trừng phạt Zimbabwe). Trước đó, ngày 25-6, Nữ hoàng Anh Elizabeth đệ nhị đã tước danh hiệu Hiệp sĩ phong cho ông Mugabe từ năm 1994.

Trả lời phỏng vấn của báo chí ngày 29-6, ông Tsvangirai cho biết sẽ sử dụng thế đa số của MDC trong quốc hội để buộc Tổng thống Mugabe đàm phán về việc xây dựng hiến pháp mới. Ông cũng để ngỏ khả năng chấp nhận cho ông Mugabe tiếp tục giữ vị trí nguyên thủ quốc gia nhưng chỉ mang tính nghi thức. Ông Tsvangirai tin rằng sẽ đạt được thỏa thuận chia sẻ quyền lực nếu cộng đồng quốc tế tiếp tục gây áp lực lên ông Mugabe. MDC cũng đề nghị Liên minh châu Phi (AU) đưa lực lượng gìn giữ hòa bình đến Zimbabwe để ngăn chặn các hành động bạo lực. Trong khi đó, trưởng nhóm quan sát viên của Cộng đồng phát triển Nam Phi, Bộ trưởng Thể thao Angola Jose Marcos Barrica, cho biết Tổng thống Mugabe sẵn sàng đối thoại với ông Tsvangirai về tương lai của Zimbabwe. Trước đây, nhà lãnh đạo già nhất châu Phi này (84 tuổi) cũng từng khẳng định sẽ thương lượng với MDC nhưng chỉ sau khi diễn ra bầu cử vòng hai.

Hôm nay 30-6, AU tổ chức hội nghị thượng đỉnh tại Ai Cập để tìm giải pháp cho cuộc khủng hoảng chính trị ở Zimbabwe. Tuy nhiên, những tuyên bố gần đây của ông Mugabe như “Chỉ có Chúa mới hạ bệ được tôi” hay “Lá phiếu không mạnh bằng súng đạn” khiến người ta cho rằng khả năng đạt được một thỏa thuận chia sẻ quyền lực là hết sức khó khăn. Thực trạng này đặt Zimbabwe trước nguy cơ tiếp tục rơi vào vòng xoáy bạo lực, bất ổn và phải gánh chịu những thiệt hại không lường bởi sự cô lập của cộng đồng quốc tế.

LÊ DÂN (Theo Bloomberg, AFP)

    Căng thẳng chính trị khiến tình trạng lạm phát ở Zimbabwe leo thang. Giá cả hàng hóa trong 6 tháng đầu năm đã tăng 100.000 lần, theo tờ Zimbabwe Independent ngày 27-6. Nếu như năm 1980, đô-la Zimbabwe (ZWD) có giá trị ngang bằng đô-la Mỹ thì hiện nay 1 USD đổi được gần 22 tỉ ZWD. Kinh tế Zimbabwe bắt đầu đình trệ từ 10 năm qua khi ông Mugabe tịch thu các đồn điền của người da trắng, đưa Zimbabwe từ quốc gia xuất khẩu bắp lớn thứ nhì Nam Phi trở thành nước nhập khẩu bắp nhiều nhất khu vực. Theo dự báo của Tổ chức Lương Nông LHQ (FAO), đầu năm tới sẽ có 5 triệu người Zimbabwe, chiếm 40% dân số, cần cứu trợ lương thực.

Chia sẻ bài viết